15 năm một chặng đường
NHCSXH - "Địa chỉ tin cậy" của người nghèo và các đối tượng chính sách (Ảnh: P.V)
Báo cáo tổng kết 15 năm hoạt động của NHCSXH nêu rõ, tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước.
Thêm nữa, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương đã luôn quan tâm tạo lập nguồn vốn để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến đúng các đối tượng thụ hưởng trên toàn bộ xã, phường, thị trấn trong cả nước.
Đáng chú ý, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định phương thức quản lý và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của NHCSXH là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Tại báo cáo số 660/BC-UBTVQH13 ngày 19/5/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, đã đánh giá: "Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua NHCSXH với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng”.
Đặc bịêt, NHCSXH với mạng lưới Chi nhánh, Phòng giao dịch rộng khắp toàn quốc và hệ thống Điểm giao dịch xuống tận các xã/phường, mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn thành lập tại các thôn, ấp, bản, làng đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả xã hội trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Mô hình “Điểm giao dịch của NHCSXH tại Ủy ban nhân dân xã/phường” là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, tiết giảm chi phí đi lại. Cùng với hoạt động tích cực của Tổ tiết kiệm và vay vốn đã tạo sự quản lý chặt chẽ vốn tín dụng chính sách xã hội từ khâu bình xét, sử dụng vốn đến khâu trả nợ, trả lãi. Theo đánh giá của Quốc hội tại báo cáo số 660/BC-UBTVQH13: “Thủ tục cho vay đối với hộ nghèo khá thuận lợi, đơn giản. Việc tổ chức giao dịch tại xã của NHCSXH đã tạo được hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện và có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại cho người dân, mô hình tổ chức và hoạt động của NHCSXH được tổ chức hợp lý, năng động, nâng cao khả năng quản lý…”.
Ngoài ra, tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua NHCSXH đã góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương và là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Qua đó, khẳng định chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là một chính sách đúng đắn, góp phần hạn chế được mặt trái của kinh tế thị trường, thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Định hướng và giải pháp hoạt động tín dụng chính sách trong thời gian tiếp theo
Căn cứ theo Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 và Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH xác định tín dụng chính sách xã hội tiếp tục là công cụ kinh tế hữu hiệu trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều nhanh và bền vững; thực hiện hiệu quả.
Trong đó, hoạt động tín dụng chính sách xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, NHCSXH đặt ra các chỉ tiêu chi tiết, bao gồm: 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ do NHCSXH cung cấp; Dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 10%; Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%/tổng dư nợ; Nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung hàng năm tăng bình quân trên 20%; Đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ phù hợp với hoạt động của NHCSXH; Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.