Những triệu phú đã xuất hiện ở Hoài Nhơn nhờ vốn vay ưu đãi
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư, mà cơ sở của chị Nguyễn Thị Tư xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định có điều kiện mở rộng và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn
Trên đường từ NHCSXH huyện Hoài Nhơn đến xã Hoài Châu Bắc, cán bộ NHCSXH phụ trách địa bàn Nguyễn Thị Hoàng Yến tự hào giới thiệu với chúng tôi về Bình Định, miền “đất võ, trời văn” và Bình Định cũng là nơi có mật độ “triệu phú, tỷ phú cao nhất nhì khu vực duyên hải miền Trung”. Điều đáng tự hào hơn, trong số đó có rất nhiều người đã dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng trở thành những triệu phú từ nguồn vốn vay ưu đãi.
Chiếc xe dẫn đoàn chạy bon bon trên con đường trải thảm bê tông mượt mà, anh em cán bộ tín dụng ở đây cho biết, trước đây người dân Hoài Châu Bắc còn nghèo lắm, kinh tế chủ yếu theo nghề nông và nghề truyền thống làm chiếu lát (cói). Thế nhưng, những năm gần đây bộ mặt thôn quê đã thay đổi nhanh chóng. Điều đáng nói là xã Hoài Châu Bắc được giao hoàn thành xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, nhưng đến tháng 10/2014, trước sự bứt phá mạnh mẽ của địa phương, tỉnh đã công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015.
Tại cơ sở cơ khí Gia Long ở xã Hoài Châu Bắc, anh Lê Xuân Diễn (37 tuổi), công nhân đang hối hả làm việc. Qua giới thiệu được biết anh là một trong những triệu phú trẻ của xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Trước khi bén duyên với nghề làm xe đẩy, Anh Diễn cũng đã bươn chải nhiều nơi và cũng làm thuê nhiều nghề để mưu sinh và nuôi gia đình, nhưng rồi cũng không đủ nuôi con, trở về quê hương tay trắng, hành trang giá trị nhất là kinh nghiệm trong nghề cơ khí mà anh đã tích lũy những ngày đi làm thuê ở thành phố. Khởi nghiệp từ vốn vay NHCSXH, năm 2013, anh vay vốn từ chương trình Giải quyết việc làm với số tiền 150 triệu đồng, anh mạnh dạn đầu tư mua máy móc, chế tạo ra dây chuyền sản xuất xe đẩy, người địa phương thường gọi là xe rùa để làm vận chuyển lúa, ngô và các vật liệu khác trong hoạt động xây dựng ... Đến nay, cơ sở cơ khí của anh tạo 5 công nhân làm việc thường xuyên và thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng/tháng. Anh Diễn cho biết: Mỗi ngày anh cho xuất xưởng hơn 40 chiếc xe đẩy. Giá mỗi chiếc xe hiện tại dao động từ 300 đến 450 ngàn đồng/chiếc thì mỗi ngày doanh thu của cơ sở cơ khí này lên đến trên 15 triệu đồng, bình quân thu nhập hàng tháng tháng từ 300-400 triệu đồng. “Thành quả ngày hôm nay khởi nguồn từ nhiều nỗ lực của bản thân và những hỗ trợ kịp thời về vốn từ NHCSXH cho người dân có hoàn cảnh khó khăn như tôi”, anh Diễn bày tỏ.
Cùng ở Hoài Châu Bắc, nhiều người còn biết đến chủ một cơ sở chiếu cói Chị Trần Thị Tư. Năm 2013, từ món vay 100 triệu đồng tại NHCSXH huyện Hoài Nhơn, chị Tư bắt đầu khởi nghiệp. Sau 3 năm gây dựng, đến nay gia đình đã có cơ sở chiếu cói với quy mô 6 máy dệt và10 công nhân đang làm việc. Chị Tư tâm sự: "Không có vốn đầu tư từ NHCSXH huyện Hoài Nhơn tiếp sức tôi cũng không mơ có cơ hội được mở rộng được cơ sở như vậy".
Vào làng nghề chiếu nổi tiếng ở Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định nghe những âm thanh rộn rịp dệt chiếu vang vang như âm thanh cuộc sống căng tràn. Và qua trao đổi, được biết hầu hết những cơ sở sản xuất chiếu cói ở đây đều tiếp cận nguồn vốn NHCSXH để đầu tư và phát triển sản xuất và góp phần giữ ngọn lửa nghề truyền thống của cha ông.
Điểm tựa để vươn lên
Cũng như ở Hoài Châu Bắc, nhiều người nghèo huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đã thoát cảnh nghèo khó, đang hàng ngày “thay da đổi thịt”, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đồng hành trên chặng đường ấy, dòng vốn tín dụng ưu đãi luôn là điểm tựa để cùng giúp bà con nghèo ở Hoài Nhơn vươn lên trong cuộc sống,
Giám đốc NHCSXH huyện Hoài Nhơn cho biết: “Kinh tế tại địa phương chủ yếu vẫn xoay quanh các hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, làm chiếu cót. Luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là “đồng hành với người nghèo trên mặt trận giảm nghèo nên ngân hàng xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai hoạt động đưa đồng vốn đến từng hộ gia đình nông thôn. Tính đến nay, đã có gần 21 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH với dư nợ đạt gần 337 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp 1.922 hộ thoát nghèo, 1.789 hộ thoát cận nghèo, thu hút, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động; giúp 6.800 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 6.123 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn, 400 căn nhà cho hộ nghèo...
Tín dụng chính sách thực sự đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn 9,68%.
Đạt được kết quả trên có sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban đại diện HĐQT các cấp và sự nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên NHCSXH.
Để Hoài Châu Bắc có được thành tựu, diện mạo mới như hôm nay, ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ðiều quan trọng có được kết quả này là sức mạnh tổng hợp để Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân nỗ lực; cùng với mọi nguồn lực dồn cho phát triển kinh tế địa phương, phải khẳng định rằng nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH đã cùng giúp bà con nghèo trên địa bàn vượt qua những chặng đường khó khăn để ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Thành quả này được ghi nhận bằng chính đời sống kinh tế của người dân được nâng lên. Thời gian tới, NHCSXH tiếp tục đồng hành với người nghèo, và là điểm tựa vững chắc giúp phát triển kinh tế của Hoài Châu Bắc góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.