Sử dụng vốn vay từ NHCSXH, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã mạnh dạn
đầu tư chăn nuôi, tăng thêm thu nhập. (Ảnh: baodienbienphu.com.vn)
Điện Biên là tỉnh có 10 đơn vị hành chính, trong đó có 5 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, có 110/130 xã là xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, dân số ít (trên 52 vạn dân với 113 nghìn hộ), nên sản xuất tại các vùng sâu, vùng xa chủ yếu làm 1 vụ trong năm; hạ tầng thấp kém, nhiều xã vào mùa mưa không đi lại được bằng xe ô tô, khoảng cách các đơn vị hành chính cấp xã đến huyện xa (bình quân 40 km/xã). Đến nay, vẫn còn 6 xã chưa có điện lưới quốc gia. Đó là những khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động của NHCSXH tỉnh nói chung và hoạt động giao dịch tại các xã nói riêng.
Tuy nhiên, trong năm 2015, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp, tập trung nguồn lực, giải ngân nhanh chóng để thực hiện kế hoạch các chương trình tín dụng được giao. Triển khai kịp thời các chương trình tín dụng mới: cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề theo Quyết định 755/QĐ-TTg. Kết quả, trong năm 2015, doanh số cho vay đạt 624 tỷ đồng, doanh số thu nợ 366 tỷ đồng; tổng dư nợ là 1.874.204 triệu đồng, tăng 257.047 triệu so với năm 2014, đạt 99,76% kế hoạch. Đến nay, Chi nhánh đang thực hiện 14 chương trình tín dụng với 77.621 khách hàng dư nợ. Trong đó, lớn nhất là chương trình cho vay hộ nghèo có dư nợ 899 tỷ đồng, chiếm 48% trên tổng dư nợ với 40.592 hộ dân.
Thêm vào đó, trong năm 2015, NHCSXH tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo tích cực áp dụng các giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi, theo đó, tổng thu năm 2015 là 139.760 triệu đồng, tăng 19,5% so với năm 2014, trong đó, thu lãi 139.675 triệu đồng, tỷ lệ thu lãi đạt 102,2%; tổng chi là 68.526 triệu đồng, tăng 13,3% so với năm 2014.
Trong năm 2015, NHCSXH tỉnh còn chú trọng quan tâm tới công tác giúp đỡ các xã khó khăn trong thực hiện tín dụng chính sách. Tiêu biểu, từ năm 2011 đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã có nhiều hỗ trợ tích cực cho Mường Mươn – một trong những xã nghèo trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Công đoàn, đoàn thanh niên Chi nhánh NHCSXH tỉnh Điện Biên tích cực phát động, vận động cán bộ, đoàn viên quyên góp, ủng hộ sách vở, áo ấm cho các cháu và hộ gia đình khó khăn tại xã, hỗ trợ UBND xã để mua sắm công cụ, dụng cụ làm việc và hỗ trợ các cháu học sinh nghèo có thành tích xuất sắc trong học tập. Bên cạnh đó, trong công tác đầu tư tín dụng, tại xã đang thực hiện 9 chương trình tín dụng chính sách xã hội, dư nợ 17.522 triệu đồng với 683 hộ, trong đó, lớn nhất là chương trình hộ nghèo với dư nợ 9.900 triệu đồng. Công tác huy động vốn thông qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn triển khai thực hiện khá hiệu quả với 15/18 tổ có số tiền gửi là 106 triệu đồng, qua đó đã dần hình thành ý thức tiết kiệm cho người dân.
Theo NHCSXH tỉnh Điện Biên, trong năm 2016, ngành đặt ra mục tiêu hoàn thành 100% kế hoạch huy động vốn; thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách với tốc độ tăng trưởng đạt 7-8% so với năm 2015, nâng dư nợ lên khoảng 2.020 tỷ đồng vào cuối năm 2016. Quản lý tốt chất lượng tín dụng, phấn đấu đạt tỷ lệ nợ xấu dưới 1% trên tổng dư nợ, tỷ lệ thu lãi đạt trên 95%, 100% nợ đến hạn, nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan được xử lý kịp thời. Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội nhận ủy thác, đảm bảo tổ chức thực hiện tốt các nội dung đã thỏa thuận. Thêm vào đó, triển khai kịp thời các chương trình cho vay mới theo chỉ định của Chính phủ khi được giao vốn.
Nhằm thực hiện mục tiêu trên, trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ triển khai các giải pháp thiết thực. Trong đó, tổ chức thực hiện tốt công tác điều hành kế hoạch tín dụng, điều hành linh hoạt công tác kế hoạch và nguồn vốn, tăng cường công tác quản lý nợ, áp dụng các biện pháp thu hồi tích cực đối với các khoản nợ do khách hàng chuyển địa bàn nhằm giảm tỷ lệ nợ xấu.
Mặt khác, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác của các tổ chức Hội, đoàn thể, đặc biệt chú trọng hoạt động ủy thác cấp xã. Tiếp tục làm tốt công tác củng cố tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng cường bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề, triển khai đồng bộ và phối hợp thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra của tổ chức chính trị - xã hội, nhận ủy thác thực hiện tín dụng chính sách./.