Dòng vốn tín dụng "chảy đều" tại Quảng Ninh, Quảng Bình

Thứ ba, 12/10/2021 15:42
(ĐCSVN) - Từng bước khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, NHCSXH huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh đồng thời bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan cấp trên và của ngành để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được đề ra trong năm 2021.
Tại các Điểm giao dịch tại xã NHCSXH đều thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch khi giao dịch với khách hàng (Ảnh: PV) 

Theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Quảng Ninh Hoàng Đại Túy, để thực hiện hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, đơn vị đã chú trọng đến công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ với nhiều giải pháp tích cực, hoạt động tín dụng của đơn vị được duy trì ổn định.

Duy trì ổn định hoạt động tín dụng trên địa bàn

Tính đến 30/8/2021, tổng dư nợ NHCSXH huyện Quảng Ninh đạt 346 tỷ đồng, tăng 9 tỷ đồng so với đầu năm; với gần 8.000 hộ còn dư nợ. Một số chương trình có dư nợ tăng như chương trình cho vay nhà ở xã hội (tăng 9,5 tỷ đồng), giải quyết việc làm (7,3 tỷ đồng), hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn (tăng 1,5 tỷ đồng), nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (tăng 2,4 tỷ đồng).

Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại cấp xã có 15/15 xã đạt loại tốt. Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại cấp huyện đạt 96,49 điểm. Trong đó: tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn đạt 98,6%; Tỷ lệ thu lãi trên 100%; Tỷ lệ nợ quá hạn 0,08%...

Thực hiện tốt quy định 5K khi giao dịch (Ảnh: PV) 

Một trong những xã thực hiện tốt công tác tín dụng trên địa bàn là xã Hải Ninh. Với dư nợ 41 tỷ đồng và 759 hộ được vay vốn, Hải Ninh được biết đến là xã không có tình trạng khách hàng nợ quá hạn. Nhiều hộ được vay vốn đã vượt qua khó khăn vì dịch bệnh COVID-19 để sản xuất kinh doanh, trả lãi và gốc đúng kỳ hạn cho ngân hàng. Điển hình phải kể đến gia đình chị Nguyễn Thị Đoàn, ở xã Hải Ninh. Chị Đoàn được vay vốn 50 triệu đồng từ chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của NHCSXH huyện. Từ nguồn vốn ưu đãi này, Hợp tác xã kinh doanh thu mua thủy, hải sản do gia đình chị Nguyễn Thị Đoàn làm chủ nhiệm đã tập hợp được thêm 10 xã viên khác cùng tham gia, giải quyết việc làm cho gần 20 lao động trên địa bàn và các lao động đều có thu nhập khá.

Chị Đoàn cho hay: “Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, việc sản xuất kinh doanh của gia đình gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có nguồn vốn vay từ NHCSXH mà chúng tôi có vốn để tái sản xuất, các mặt hàng vẫn được lưu thông nên thu nhập của các hội viên tuy không cao như trước… Vì vậy chúng tôi luôn trả nợ cho ngân hàng đúng kỳ hạn, không để nợ đọng, nợ xấu. Thời gian tới rất mong được vay thêm nhiều nguồn vốn ưu đãi để chúng tôi tiếp tục duy trì, phục hồi sản xuất”.

Hay như gia đình chị Hồ Thị Rủi người Vân Kiều ở Thôn Hang Chuồn - Nà Lâm xã Trường Xuân trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã, cuộc sống đồng bào ở đây rất khó khăn, gia đình chị được chính quyền giúp đỡ, tạo điều kiện, Tổ TK&VV, hội đoàn thể bình xét và NHCSXH cho vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi để trồng rừng và chăn nuôi trâu, mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng gia đình chị vẫn sản xuất, chăn nuôi hiệu quả và có thu nhập ổn định để vừa lo cho sinh hoạt gia đình, vừa trả nợ, trả lãi và tham gia gửi tiết kiệm tại Tổ. Đến nay gia đình chị đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình chị Hồ Thị Rủi thoát nghèo (Ảnh: PV) 

Đảm bảo dòng vốn vẫn đến tay hộ vay đúng hạn dù dịch bệnh COVID-19

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Đại Túy, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Quảng Ninh cho biết thêm: Bên cạnh những kết quả đã đạt được đơn vị phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Do dịch bệnh COVID -19 diễn biến ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn diện đời sống xã hội, trong đó có một bộ phận lớn khách hàng vay vốn NHCSXH.

Thực hiện Nghị quyết 68 và và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Tổng giám đốc NHCSXH về nghiệp vụ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do đại dịch, NHCSXH huyện đã phân công cán bộ tiếp cận, làm việc các doanh nghiệp trên địa bàn để rà soát đối tượng bị ảnh hưởng do dịch. Từ đó, nắm bắt tình hình nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn, giúp cho doanh nghiệp và người lao động sớm ổn định cuộc sống, giảm thiểu các tác động tiêu cực bởi đại dịch để góp phần sớm ổn định kinh tế và sớm phục hồi sản xuất kinh doanh. Đến nay đã có 6 doanh nghiệp trên địa bàn được vay với số tiền 511 triệu đồng cho 149 lượt lao động.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Huân, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện mặc dù phải đối mặt với khó khăn do dịch bệnh, các cá nhân và doanh nghiệp rất khó hoàn thành việc thanh toán cho ngân hàng, vậy nhưng NHCSXH vẫn tăng cường công tác quản lý, giám sát vốn tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, có giải pháp quản lý và xử lý, thu hồi nợ kịp thời, chính xác. Vì vậy, kết quả đạt được của NHCSXH huyện thời gian qua là đáng khích lệ.

Trong thời gian tới, NHCSXH huyện Quảng Ninh tích cực tham mưu thực hiện tốt Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư trong giai đoạn mới; tham mưu hiệu quả cho HĐND, UBND huyện tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đến nay, UBND huyện Quảng Ninh đã ưu tiên bố trí nguồn từ ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH huyện với số tiền 3.059 triệu đồng, (Trong năm 2021 đã tăng 1.500 triệu đồng, đạt 103% kế hoạch giao và 176% kế hoạch theo đề án xây dựng). Đơn vị cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội triển khai các giải pháp, kịp thời đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện. 
PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực