Đưa vốn chính sách về vùng đồng bào Khmer Kiên Giang

Thứ sáu, 17/12/2021 15:42
(ĐCSVN) - Kiên Giang vốn nổi tiếng với những địa danh bậc nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long như: Hà Tiên thập vịnh, đảo ngọc Phú Quốc… Kiên Giang còn được nhắc đến nhờ những đổi thay của hiện tại khi tỉnh này tập trung nhiều nguồn lực phát triển kinh tế, trong đó có nguồn vốn tín dụng chính sách. Đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn không ngừng khởi sắc.
 NHCSXH Kiên Giang chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh (Ảnh: PV)

Kênh tín dụng chính sách được xác định là một trong giải pháp quan trọng, hữu hiệu

Vùng đồng bào DTTS ở Kiên Giang có khoảng 69.219 hộ, hơn 275.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer với hơn 59.228 hộ, gần 239.000 người, chiếm 13,4% dân số toàn tỉnh, sống tập trung ở các huyện Gò Quao, Gồng Riềng, Hòn Đất, An Biên, Châu Thành, Kiên lương, Vĩnh Thuận… Cả vùng đồng bào DTTS vào thời điểm năm 2011 còn hơn 1 nửa số thôn, xã thuộc vùng 3 - vùng đặc biệt khó khăn và gần 45% số hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh Kiên Giang, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2014-2020, tỉnh tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của trung ương, ngân sách tỉnh và một số tổ chức nước ngoài, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS, nhất là những xã đặc biệt khó khăn, biên giới.

Còn về phía ngành dịch vụ ngân hàng tài chính, theo ông Đỗ Văn Hiện, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH) thì vùng DTTS không chỉ là vùng hấp thụ vốn cao mà luôn luôn cần vốn bổ sung, nhất là vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước khi thiên tai, dịch bệnh đi qua để khôi phục, phát triển sản xuất và ổn định, nâng cao cuộc sống. Chính vì vậy, kênh tín dụng chính sách được xác định là một trong giải pháp quan trọng, hữu hiệu để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, NHCSXH Kiên Giang từ tỉnh đến huyện đã ưu tiên nguồn vốn, tập trung nguồn vốn đầu tư cho toàn bộ vùng đồng bào DTTS, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, biên giới thuộc chương trình 134, 135.

 Thăm hộ vay vốn tín dụng của địa phương (Ảnh: PV)

Minh chứng rõ nét nhất là NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác chuyển tải kịp thời, an toàn mọi đồng  vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng là hộ đồng bào DTTS nghèo. Hàng nghìn tỷ đồng vốn chính sách đã phủ kín vùng đồng bào DTTS suốt nhiều năm qua, kể cả giữa mùa lũ lụt và trong thời gian đại dịch COVID-19.

Có về vùng đồng bào DTTS ở Kiên Giang vào những ngày cuối năm này mới thấy hết và thấu hiểu rõ ý nghĩa từng việc làm và mỗi con người làm tín dụng chính sách nơi mảnh đất tận cùng phía Tây Nam đất nước  đang bền bỉ, huy động tập trung nguồn vốn và hối hả đưa vốn về tận xóm ấp, giúp dân xóa nghèo.

Đơn cử việc những cán bộ lãnh đạo chi nhánh như: Đỗ Văn Hiện, Nguyễn Mỹ Nương, Đoàn Công Phiệt đã có nhiều ngày liền và nhiều lần liên tiếp về tận vùng đồng bào DTTS tham gia “3 cùng” với nhân viên,  trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân bổ sung vốn ưu đãi giúp dân Khmer khắc phục hậu quả do lũ, dịch bệnh gây ra, khôi phục, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống... hay như các cán bộ tín dụng đã phối hợp với cán bộ khuyến nông, bộ đội biên phòng xuống tận xóm ấp, ăn ở tại nhà dân 2, 3 ngày để họp bàn, khuyến khích hướng dẫn dân nghèo làm đơn vay vốn, và cách thức sử dụng vốn với đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

 Một hộ vay vốn làm đồ gồ (Ảnh: PV)

Xuất  hiện nhiều hộ gia đình sản xuất giỏi từ vốn tín dụng chính sách

Chính sách cùng với nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi về, các chương trình phát triển kinh tế được kiện toàn lại. Đồng bào dân tộc cũng tham gia bàn bạc, tính toán, đề ra phương pháp. Thế mạnh nông lâm nghiệp đã được lựa chọn. Toàn dân nghèo, toàn vùng dân tộc bắt đầu xuống ruộng, lên rừng lao động tạo nguồn thu cho mình. Điển hình về xã Định Hòa, huyện Gò Quao, nơi có 65% dân số là người Khmer, có những ấp 100% là đồng bào DTTS nhờ có đồng vốn ưu đãi tiếp sức lại có sự trợ giúp của chính quyền, đoàn thể địa phương, ruộng đồng được quy hoạch, thâm canh giống lúa mới, đạt năng suất cao 8 tấn/ha/vụ; hàng trăm ha vườn tạp được cải tạo để trồng đại trà cây hồ tiêu, cây chanh không hạt, cho thu nhập đến 300 triệu/ha.

Một nhà dùng vốn ưu đãi chăn nuôi bò vỗ béo, nhà hàng xóm thấy hay cũng làm theo. Sau vài năm ngắn ngủi, quy mô đàn gia súc xã Định Hòa đã lên hàng nghìn con. Trâu bò ngựa ngoài việc dùng cho cày kéo, còn đâu lựa bán, cho miền xuôi, ngoài thành phố làm cho đời sống người dân Khmer ấm dần lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10%, các xóm ấp thi nhau về đích nông thôn mới trước thời gian quy định.

Còn nữa, huyện biên giới Giang Thanh có tỷ lệ hộ nghèo là người Khmer cao, NHCSXH đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể từ huyện đến xã ấp, tiến hành sắp xếp củng cố mạng lưới Tổ TK&VV theo hướng liền canh, liền cư, duy trì nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Điểm giao dịch xã, các hội đoàn thể làm nhiệu vụ ủy thác, nên đã chuyển tải đầy đủ, kịp thời nguồn vốn, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của đồng bào DTTS. Gia đình bà Thị Hường ấp Tràm Trỗi, xã Vĩnh Điều đã vay sử dụng 80 triệu đồng vốn chính sách đầu tư nuôi bò sinh sản. Bằng sự cần cù, chịu khó của mọi người trong gia đình, đàn bò cứ thế tăng lên từng năm. Năm 2020, bà còn được tiếp cận vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cộng với số tiền tích lũy từ chăn nuôi, trồng trọt, vay thêm họ hàng để xây mới nhà ở. “Nhờ có nguồn vốn của NHCSXH ưu tiên đầu tư vùng dân tộc Khmer mà ngày nay gia đình tôi no đủ thêm, hết khổ cực, thiếu thốn rồi”. Bà Hường tâm sự.

Một mô hình vay vốn khác trồng trọt có hiệu quả (Ảnh: PV)

Khác với gia đình bà Hường, hộ chị Tiêu Reng, ấp Toàn Thệ xã Phú Mỹ, nhiều năm liền là hộ nghèo, lại không có đất sản xuất khiến cuộc sống đã khó càng khó hơn. Năm 2018, nhờ tham gia sinh hoạt Tổ TK&VV, chị Reng vay NHCSXH 30 triệu đồng nuôi bò vỗ béo và tham gia HTX đan lát để mỗi ngày có thêm thu nhập 100 ngàn đồng. Hiện nhà chị vừa trả xong nợ vay ngân hàng, vừa mua tiếp 4 con bò gầy về nuôi vỗ béo. Dự định sang năm mới 2022, chị Reng xin vay thêm vốn chính sách để phát triển đàn bò theo mô hình kinh tế gia trại.

Ông Tiêu Rí, trưởng ấp Trần Thệ, huyện Giang Thành cho biết: Hầu hết hộ đồng bào DTTS sử dụng vốn vay vào chăn nuôi bò, nuôi lợn, nuôi cá, trồng lúa, làm nghề đan lát vì đây là thế mạnh của địa phương, phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng biên giới. Đến nay, nhìn chung các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, sinh lời, đạt hiệu quả rõ rệt, giúp bà con tăng thu nhập, tạo việc làm, cải thiện đời sống, tăng cường đoàn kết dân tộc.

Từ vùng đồng bào DTTS ở Gò Quao, Giang Thành, nhìn rộng ra cả các vùng đồng bằng, biển đảo, thành thị thuộc tỉnh Kiên Giang, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã góp phần không còn hộ đói trong khu vực dân cư, số hộ nghèo giảm nhanh, trong đó vùng đồng bào DTTS còn có 10,7%, và 8 xã có đông người Khmer sinh sống đã chủ động rút khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn.

Kết quả đó có nhiều góp sức không nhỏ của NHCSXH và nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Có thể khẳng định, từ một vùng đồng bào DTTS quá nhiều khó khăn về địa lý, với tỷ lệ hộ nghèo cao, cùng với đó phải gồng gánh những trở ngại về thiên tai, dịch bệnh, nhưng trong những năm qua, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH Kiên Giang được thông suốt, thực sự trở thành trụ cột giúp địa phương thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Kết thúc năm 2021, tổng nguồn vốn của NHCSXH Kiên Giang đạt 4.100 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác chuyển sang NHCSXH đến 262 tỷ đồng. Bước sang năm mới 2022, cùng các cấp, các ngành, những người làm tín dụng ở Kiên Giang tiếp tục dốc sức, hợp lực, huy động tăng trưởng nguồn vốn và cố gắng từng ngày để những đồng vốn ưu đãi đến được với nhiều hộ nghèo và các gia đình đồng bào DTTS khó khăn làm cho vùng đất phía Tây Nam Tổ quốc thêm rộn ràng, bình yên.

Dư Minh Uyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực