Gia Lai: Đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo từ vốn chính sách

Thứ hai, 12/10/2015 16:26

(ĐCSVN) - “Đáng mừng nhất là tín dụng chính sách đã góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Cùng với vốn vay ưu đãi, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đồng bào đã biết áp dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thực tế tại chỗ”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Gia Lai, Lê Văn Chí nhấn mạnh.

Đã có gần 4.400 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo và hàng trăm hộ vươn lên thành hộ khá; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2014 là 13,69% và dự kiến đến cuối năm 2015 giảm còn 11,67%.

 
 Hộ gia đình chị Siêu Mi sử dụng vốn vay ưu đãi để đầu tư trồng cây cà phê (Ảnh: PV)

Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã tập trung chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể triển khai cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, tập trung phân loại đối tượng hộ nghèo, nguyên nhân nghèo và có biện pháp hỗ trợ theo các nhóm đối tượng, nhóm nguyên nhân nghèo và phân loại hộ nghèo theo thời gian để từ đó có giải pháp cụ thể đối với những hộ khó thoát nghèo, đặc biệt là hộ nghèo đồng bào DTTS. Tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo là người đồng bào DTTS; đồng thời, định hướng, hướng dẫn cụ thể cho đối tượng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra để hộ nghèo sử dụng vốn vay có hiệu quả. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng tổ chức nhiều hoạt động hướng dẫn công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao kỹ thuật theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” cho các hộ nghèo là đồng bào DTTS.

Về phía NHCSXH, đơn vị thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách, Giám đốc NHCSXH tỉnh Lê Văn Chí cho biết, liên tục nhiều năm qua, nhất là từ khi thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng rõ rệt, từ 2.300 tỷ đồng đầu năm 2013 đến nay lên xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Đơn vị đã tập trung ưu tiên vốn cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã điểm xây dựng nông thôn mới; cụ thể là chương trình cho vay hộ nghèo đạt 1.016 tỷ đồng; hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn trên 500 tỷ đồng; mới đây nhất là 30 tỷ đồng cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã được giải ngân kịp thời đến đúng đối tượng được thụ hưởng, với mức vay bình quân 30 triệu đồng/hộ.

Từ việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã vươn lên thoát nghèo và hàng trăm hộ vươn lên thành hộ khá. Điển hình như hộ chị Siêu Mi, người dân tộc Gia Rai ở thôn Cư PêR, xã La Hla, huyện Chư PưH. Trước đây gia đình chị Siêu Mi thuộc diện hộ nghèo, năm 2010, gia đình được vay 25 triệu đồng vốn ưu đãi của NHCSXH huyện để mua giống cây, con tốt và vật tư chuyên dùng cho trồng trọt, chăn nuôi để thực hiện mô hình sản xuất trồng cà phê với nuôi bò sinh sản. Nhờ cần cù lao động và đồng vốn vay đầu tư đúng lúc, nên việc sản xuất của gia đình chị thuận lợi. Vụ thu hái cà phê đầu tiên, sau khi trừ chi phí, chị Siêu Mi thu lãi 34 triệu đồng, ấy là chưa kể đến bò mẹ đã đẻ ra 2 con bê. Phấn khởi trước kết quả gia đình đạt được, vợ chồng chị càng chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, tham gia các chương trình tập huấn về mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Cuối năm 2013, gia đình chị Siêu Mi trả hết nợ gốc và được xét thoát hộ nghèo.

Đến giữa tháng 9 vừa rồi, gia đình chị cùng 6 hộ nữa trong xã La Hla lại được vay 40 triệu đồng vốn chính sách dành cho hộ mới thoát nghèo. “Được Nhà nước hỗ trợ kịp thời, gia đình tôi sẽ tính toán cụ thể, sử dụng vốn hiệu quả, phấn đấu làm giàu”, chị Siêu Mi hồ hởi nói.

Tương tự hoàn cảnh của chị Siêu Mi, gia đình anh Đinh HNích, dân tộc Ba Na, ngụ tại thôn KTăng, xã K’Rang, huyện Đắk Đoa, trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất. Năm 2009, anh Đinh HNích được vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi để trồng hồ tiêu. Năm 2012, sau khi hoàn trả nợ, anh tiếp tục vay NHCSXH huyện 25 triệu đồng để khai hoang mở rộng diện tích trồng cà phê, hồ tiêu. Hiện nay nhà anh Đinh HNích thoát nghèo, sửa được nhà ở và làm chủ 8 sào cà phê, 400 trụ tiêu.

Ngoài những trường hợp điển hình trên, còn có rất nhiều hộ nghèo trên cao nguyên Gia Lai đã sử dụng vốn chính sách để SXKD, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Tất cả họ đều đã và đang được NHCSXH làm “điểm tựa”, tiếp tục phấn đấu phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng thành công nông thôn mới tại địa phương.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực