Nhờ nguồn vốn của NHCSXH, nhiều hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo. (Ảnh: PV)
Theo đó, kiến nghị thứ nhất: cử tri cho rằng để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo được thụ hưởng từ 02 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, NHNN cần xem xét sửa đổi quy trình xét duyệt cho vay, mức vay và thời hạn vay theo hướng giảm bớt thủ tục xét duyệt ở xã, sử dụng tín chấp, kết hợp với cơ chế cộng đồng tự giám sát lẫn nhau; mức vay và thời hạn vay phù hợp với mục đích sử dụng vốn.
Còn kiến nghị thứ hai, cử tri phản ánh các hộ mới thoát nghèo có nhu cầu vay vốn nhưng không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị NHNN kiểm tra, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai thực hiện đúng chủ trương chính sách của Nhà nước.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của NHCSXH được Chính phủ giao về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH xin thông tin như sau:
Đối với kiến nghị thứ nhất, hiện nay, tín dụng chính sách đang là một cấu phần quan trọng trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và đang được thực hiện thông qua NHCSXH. Tính đến 31/03/2016, NHCSXH đang triển khai 16 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và một số chương trình, dự án khác từ nguồn vốn ủy thác của địa phương, cá nhân và các tổ chức nước ngoài. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt 145.419 tỷ đồng.
Chương trình tín dụng đối với hộ nghèo đang được thực hiện theo khung pháp lý quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, theo đó, người nghèo khi vay vốn tại NHCSXH không phải thế chấp tài sản và được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong vay vốn. Mức cho vay do Hội đồng quản trị NHCSXH quyết định và công bố trên cơ sở nhu cầu vay vốn và khả năng nguồn vốn có thể huy động được trong từng thời kỳ. Thời hạn cho vay được quy định căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay của người vay và thời hạn thu hồi vốn của chương trình, dự án có tính đến khả năng trả nợ của người vay và do Hội đồng quản trị NHCSXH quy định. Về thủ tục cho vay: Hộ nghèo viết giấy đề nghị vay vốn theo mẫu gởi Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổ tiết kiệm và vay vốn họp bình xét và lập danh sách hộ nghèo đề nghị vay vốn gửi Ban Xóa đói giảm nghèo và UBND xã phê duyệt đảm bảo đúng đối tượng chính sách. Tổ tiết kiệm và vay vốn gởi hồ sơ vay vốn đến NHCSXH nơi cho vay để xét duyệt cho vay. Ngân hàng Chính sách xã hội thông báo kết quả phê duyệt và lịch giải ngân. (Thời gian không quá 05 ngày làm việc sau khi nhận hồ sơ hợp lệ của Tổ trưởng). Hình thức nói trên chính là kết hợp với cơ chế cộng đồng tự giám sát lẫn nhau đảm bảo nguồn vốn chính sách đến đúng người thụ hưởng, kịp thời và phù hợp với địa bàn nông thôn, miền núi.
Ngoài ra, tại Quyết định 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011- 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước; gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác (cụ thể : đơn giản hóa thủ tục và tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ).
Đối với kiến nghị thứ hai, ngày 21/7/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Theo đó, hộ mới thoát nghèo trong thời hạn 3 năm sau khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi tại NHCSXH, với số tiền vay vốn tối đa bằng mức vay vốn cho vay đối với hộ nghèo (hiện nay mức cho vay tối đa là 50 triệu đồng/hộ gia đình), thời gian cho vay tối đa 5 năm, lãi suất cho vay bằng 125% lãi suất cho vay hộ nghèo (hiện nay là 8,25%/năm). Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9/2015, NHCSXH đã triển khai giải ngân trên toàn quốc từ ngày Quyết định có hiệu lực.
Theo rà soát, trong số 700 nghìn hộ thoát nghèo có khoảng trên 500 nghìn hộ đang còn dư nợ vay vốn theo chương trình cho vay hộ nghèo do chưa hết chu kỳ trả nợ hoặc đã chuyển sang vay chương trình cho vay hộ cận nghèo. Chỉ còn khoảng 200 nghìn hộ mới thoát nghèo chưa được vay vốn hoặc đã trả hết nợ nhưng hiện chưa được vay vốn và có nguy cơ tái nghèo cao.
Tính đến ngày 31/3/2016, mới chỉ sau 7 tháng triển khai, dư nợ cho vay của chương trình đạt 5.228 tỷ đồng với 163 nghìn hộ mới thoát nghèo có dư nợ (chiếm 82% số hộ mới thoát nghèo được vay vốn). Cụ thể:
Hiện nay, NHCSXH vẫn đang tiếp tục bố trí nguồn vốn để giải ngân cho vay đối với hộ mới thoát nghèo, giúp họ có thêm vốn sản xuất và góp phần giảm nghèo bền vững.
Có thể thấy rằng, sau 13 năm hoạt động, NHCSXH đã và đang hoàn thành tốt những mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là: Tập trung nguồn lực lớn, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách; tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại; huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào công tác xóa đói giảm nghèo, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Bên cạnh đó, kể từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được ban hành; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã được tăng cường rõ rệt, như: Các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng dành hỗ trợ NHCSXH về trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc và ủy thác nguồn vốn cho vay để kịp thời đáp ứng các nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Bên cạnh đó, để tăng cường hoạt động tín dụng chính sách, Nhà nước cũng đã bổ sung thêm 4 chương trình tín dụng mới trong năm 2015. Thời gian tới NHCSXH tiếp tục chỉ đạo hệ thống triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40- CT/TW theo kế hoạch đã đề ra, tạo tiền đề trong việc thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác./.