Giải pháp nâng cao hiệu quả giảm nghèo cho khu vực Tây Nguyên

Thứ hai, 20/07/2015 16:33

(ĐCSVN) - Hơn 12 năm qua, tín dụng chính sách của Chính phủ được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện đồng bộ, hiệu quả đã trở thành động lực quan trọng giúp đồng bào Tây Nguyên phát huy hiệu quả các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong vùng.

 

 Nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả giảm nghèo (Ảnh: PV)


Trong những năm qua, NHCSXH tại 5 tỉnh tại khu vực Tây Nguyên đã kịp thời chuyển tải nguồn vốn ưu đãi tới 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Tính đến hết tháng 6/2015, tổng dư nợ của NHCSXH đạt trên 135 nghìn tỷ đồng, với gần 7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Trong đó, dư nợ cho vay trên địa bàn 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên đạt 14.775 tỷ đồng, chiếm 10%/tổng dư nợ toàn quốc, với gần 649 nghìn khách hàng còn dư nợ, tập trung vào một số chương trình tín dụng chính sách như: Cho vay hộ nghèo 4.883 tỷ đồng; Cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 2.871 tỷ đồng; Cho vay HSSV 2.375 tỷ đồng; Cho vay hộ cận nghèo 2.026 tỷ đồng; Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 1.243 tỷ đồng; Cho vay giải quyết việc làm 473 tỷ đồng…

Các nguồn vốn đã giúp cho trên 567 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 332 nghìn lao động, trong đó trên 9.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 565 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 903 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn; trên 270 nhà ở phòng tránh bão, lụt cho hộ nghèo; trên 76 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc... Về chất lượng tín dụng, nợ quá hạn thấp, chỉ chiếm khoảng 0,4%/tổng dư nợ (thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn toàn quốc là 0,42%).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các tỉnh trong khu vực vẫn còn 158.486 hộ nghèo (chiếm 12,56%) và 87.497 hộ cận nghèo (chiếm 6,93%). Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 133.700 hộ, chiếm 27,36%.

Mặc dù tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại 5 tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên nhưng việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách vẫn còn gặp những khó khăn vướng mắc: (i) Về nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay còn hạn chế. Tính đến nay, mới chỉ có khoảng 309 tỷ đồng chuyển sang NHCSXH để cho vay, chiếm 7% tổng nguồn vốn nhận ủy thác trên toàn quốc. (ii) Về việc xác nhận đối tượng, hoạt động lồng ghép chương trình phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, từ đó đã ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả nguồn vốn vay. (iii) Số hộ cận nghèo trong vùng chiếm tỷ lệ còn cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo rất lớn (iv) Trên địa bàn Tây Nguyên có nhiều tiềm năng về đất đai, tài nguyên và điều kiện để phát triển các dự án trồng cây công nghiệp có thể thu hút hút tạo nhiều việc làm, tăng nguồn thu cho người dân nhưng hiện nay nguồn vốn Quỹ quốc gia cho vay việc làm rất thấp (năm 2015 Quỹ quốc gia về việc làm toàn quốc được bổ sung 50 tỷ đồng) nên nguồn vốn tạo việc làm bổ sung cho các tỉnh trong khu vực rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh để tăng trưởng...

Bởi thế, trong thời gian tới đây, NHCSXH tiếp tục chủ động tham mưu cho các Ban, Bộ ngành, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và thực hiện thành công Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020.

Phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, bổ sung các đối tượng chính sách và xác nhận để cho vay theo quy định, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững và có điều kiện trả nợ cho ngân hàng; tăng cường nguồn vốn địa phương dành cho công tác giảm nghèo, tạo việc làm trên địa bàn.

Kết hợp giữa tín dụng chính sách và các chính sách về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay hiệu quả, phát triển đời sống và có điều kiện để trả nợ vốn vay đúng hạn. Tiếp tục duy trì củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách./.

Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Là 1 trong 6 vùng kinh tế lớn của đất nước, có tiềm năng lợi thế về nông nghiệp, cây công nghiệp nhưng các tỉnh trong khu vực vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư phát triển. Đặc biệt, vấn đề đáng quan tâm nhất là tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng chiếm tỷ lệ còn cao. Vào thời điểm 2003 tỷ lệ hộ nghèo toàn khu vực là 17,12%. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực