Nhận thức được tầm quan trọng về chính trị - kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên, trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) luôn bám sát chủ trương, định hướng phát triển vùng Tây Nguyên của Đảng và Chính phủ để tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên vẫn còn những tồn tại, hạn chế, mà điểm đáng quan tâm nhất là nợ quá hạn và tiềm ẩn nợ nợ quá đang có chiều hướng gia tăng.
Kết quả đáng khích lệ
Tín dụng chính sách khu vực Tây Nguyên nâng cả chất lượng và quy mô. (Ảnh: PV)
Theo Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng, đến 31/10/2015, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đã đạt hơn 16.000 tỷ đồng, chiếm 11,68% tổng dư nợ toàn quốc, với trên 700 nghìn hộ còn dư nợ, tăng 42,86% (tương đương 4,9 nghìn tỷ đồng) so với thời điểm cuối năm 2011, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 8,96% (cả nước 7,76%).
Dư nợ cho vay tập trung ở một số chương trình lớn như: hộ nghèo đạt gần 5,1 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,8% tổng dư nợ, với gần 260 nghìn hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ đạt 19,3 triệu đồng/hộ; hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn trên 3,1 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,1%, với trên 138 nghìn hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ đạt 22,5 triệu đồng/hộ; HSSV có hoàn cảnh khó khăn gần 2,4 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14,4%, với gần 102 nghìn hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ đạt 23,4 triệu đồng/hộ; hộ cận nghèo xấp xỉ 2,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,3%, với trên 108 nghìn hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ đạt 22,9 triệu đồng/hộ; Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hơn 1,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,25%, với trên 161 nghìn hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ đạt 9,33 triệu đồng/hộ; mới đây là chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo có dư nợ 278 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,7%, với trên 9 nghìn hộ được vay vốn, bình quân dư nợ cho vay đạt trên 30 triệu đồng/hộ...
Chất lượng tín dụng chính sách của vùng đã được thay đổi và cải thiện rõ rệt. Cụ thể, nợ quá hạn là 65 tỷ đồng, chiếm 0,40% trên tổng dư nợ, thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn của toàn hệ thống NHCSXH (0,41%). Số nợ quá hạn giảm tuyệt đối gần 110 tỷ đồng so với cuối năm 2011, số tương đối giảm 1,14% (tỷ lệ năm 2011 là 1,54%), tất cả các chi nhánh trong vùng có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%. Đây thực sự là một thành công nổi bật trong 3 năm thực hiện Đề án.
Chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn đã đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng; số Tổ được xếp loại tốt và khá đã tăng từ 14.933 Tổ (tương đương 77,7%) lên 17.444 Tổ (tương đương 89,7%).
Trong thời gian thực hiện Đề án, NHCSXH đã nhận được sự quan tâm, ưu tiên hỗ trợ NHCSXH về trụ sở làm việc của NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện; phương tiện, trang thiết bị và đặc biệt là tích cực bổ sung nguồn vốn ủy thác để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tính đến ngày 31/10/2015, tổng số vốn hỗ trợ của địa phương là 974,5 tỷ đồng, bình quân mỗi tỉnh đạt 81,2 tỷ đồng.
Cùng với chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được nâng cao, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại vùng Tây Nguyên đã góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Trong 3 năm qua, đã có trên 1.185 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 121 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút và tạo việc làm mới cho trên 34 nghìn lao động, giúp gần 55 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, xây dựng gần 312 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn và hơn 6 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo... góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 18,92% (năm 2011) xuống còn 11,22% (năm 2014).
Điều quan trọng là trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, NHCSXH đã trích Quỹ An sinh xã hội với tổng số tiền 6.866 triệu đồng để thực hiện các hoạt động ủng hộ thiết thực đối với một số địa phương nghèo tại khu vực, như: xây dựng nhà trẻ tại thôn 2C thuộc xã Ea H’leo tỉnh Đắk Lăk, hỗ trợ kinh phí cho UBMTTQ tỉnh Kon Tum để xây 10 nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ xây 9 căn nhà tình nghĩa tại các huyện miền núi thuộc các tỉnh Quảng Nam và Phú Yên,...
Có thể khẳng định, Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nguyên đã thành công. Tỷ lệ nợ quá hạn đã xuống thấp bằng bình quân chung của toàn hệ thống NHCSXH và giữ ổn định từ giữa năm 2014 đến nay. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội tiếp tục phát triển để phục vụ tốt nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vùng Tây Nguyên.
Bên cạnh những kết quả đạt được cũng không tránh khỏi tồn tại. Tuy đạt được những kết quả khả quan về chỉ tiêu nợ quá hạn và tăng trưởng tín dụng, nhưng số nợ xấu còn lại là những khoản nợ rất khó thu hồi (đa số là các hộ vay bỏ đi khỏi địa phương); đồng thời khối lượng nợ đến hạn của các chương trình tín dụng rất lớn, một số chương trình tín dụng vẫn tiềm ẩn rủi ro dễ ảnh hưởng đến việc gia tăng nợ quá hạn như: chương trình cho vay làm nhà trả chậm, nhà ở hộ nghèo, chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay xuất khẩu lao động về nước trước hạn, học sinh, sinh viên ra trường chưa có việc làm, gia đình nghèo quá khó khăn không có khả năng trả nợ,...
Mặc dù trong 03 năm thực hiện Đề án, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong tăng thu, tiết kiệm chi, dành nguồn Ngân sách địa phương để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, nhưng kết quả so với bình quân chung của toàn quốc thì vẫn còn hạn chế. Đến 31/8/2015, bình quân nguồn vốn địa phương của một tỉnh ở Tây Nguyên mới đạt gần 63 tỷ đồng, trong khi mức bình quân chung toàn quốc đạt gần 80 tỷ đồng/tỉnh.
Thúc đẩy công tác tín dụng chính sách vùng trong thời gian tới
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách này, nhiều hộ nghèo ở khu vực đã thoát nghèo bền vững. (Ảnh: PV)
Tới đây, hoạt động tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Nguyên được xác định sẽ phát triển theo hướng ổn định, bền vững để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để làm được điều này, NHCSXH các cấp cần tiếp tục bám sát và tranh thủ sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ, ngành TW và cấp uỷ, chính quyền địa phương trong mọi mặt hoạt động của NHCSXH; chủ động tham mưu cho các Ban, Bộ ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ tất cả các công việc, các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng được Tổng Giám đốc nêu tại Báo cáo số 1208/BC-NHCS ngày 6/4/2012. Chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện tuỳ theo thực tế về nợ quá hạn và tiềm ẩn nợ xấu tại địa phương mình để tự quyết định việc xây dựng Đề án, Phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng đối với NHCSXH cấp huyện và từng xã. Việc xây dựng Đề án, Phương án được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng Giám đốc tại văn bản số 3653/NHCS-TDNN ngày 19/11/2012; đảm bảo 100% các khoản nợ quá hạn, nợ xấu đều được phân tích rõ nguyên nhân, đánh giá khả năng trả nợ và có giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả.
Song song, tiếp tục dành ưu tiên nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Nguyên; phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh hơn nữa để triển khai tốt các chương trình tín dụng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất, tạo việc việc làm nâng cao điều kiện sống, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Ngoài ra, cấp uỷ, chính quyền địa phương, các ngành, các hội, đoàn thể vùng Tây Nguyên tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia hoạt động tín dụng chính sách xã hội để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ. Tăng cường nguồn vốn địa phương dành cho công tác xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm trên địa bàn. Đưa kết quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội vào việc thi đua, đánh giá thi đua, khen thưởng của cấp uỷ, chính quyền, hội, đoàn thể các cấp.
Thêm nữa, không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của NHCSXH tại vùng Tây Nguyên, trong đó đặc biệt coi trọng chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động giao dịch tại xã, thực hiện công khai về các thông tin, các chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo ở các huyện nghèo tiếp cận nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách, đồng thời phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn.
Quan trọng là, tập trung kiện toàn hệ thống NHCSXH các cấp, đảm bảo chuẩn hoá quy trình nghiệp vụ cho vay; tập trung giải ngân cho vay đúng đối tượng, đúng chính sách quy định và kịp thời theo kế hoạch được duyệt. NHCSXH thường xuyên báo cáo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên bộ về hoạt động tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên nói riêng và toàn quốc nói chung; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ; tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, tập huấn đối với đội ngũ cán bộ của NHCSXH, hội, đoàn thể nhận ủy thác và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Cuối cùng, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện tại địa bàn các huyện nghèo để mọi người dân biết và tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách của các chương trình, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng vốn vay, trách nhiệm trả nợ tiền vay khi đến hạn. Đồng thời tham mưu triển khai kịp thời, đúng quy định các chương trình tín dụng chính sách mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành (Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở giai đoạn II,...)./.
HA.NV