Giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng chính sách

Thứ sáu, 05/06/2015 23:23
(ĐCSVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 750/QĐ-TTg về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

 

Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)


Theo đó, từ ngày 05/6/2015 lãi suất cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay vốn quỹ Quốc gia về việc làm giảm từ 7,2%/năm (0,6% tháng) xuống còn 6,6%/năm (0,55% tháng).

Lãi suất cho vay đối với chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn giảm từ 9,6%/năm (0,8%/tháng) xuống còn 9,0%/năm (0,75%/tháng).

Lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo cũng giảm từ 0,72%/tháng (8,64%/năm) xuống còn 0,66%/tháng (7,92%/năm).

Lãi suất cho vay hộ nghèo tại huyện nghèo 30a giảm từ 0,3%/tháng xuống còn 0,275%/tháng (3,3%/năm).

Lãi suất cho vay người lao động tại huyện nghèo đi xuất khẩu lao động (theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đối với hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số giảm từ 0,3%/tháng xuống còn 0,275%/tháng (3,3%/năm); đối với khách hàng còn lại giảm từ 0,6%/tháng xuống còn 0,55%/tháng (tức 6,6%/năm).

Lãi suất cho vay thương nhân vùng khó khăn giảm từ 0,8%/tháng xuống còn 0,75%/tháng (9,0%/năm).

Đây là lần thứ 3 liên tiếp kể từ năm 2013 đến nay Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hạ lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số chương trình tín dụng chính sách khác.

Được biết, nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, từ ngày 01/5/2014 hộ nghèo, hộ cận nghèo trong cả nước cũng được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nâng mức vay từ 30 triệu đồng lên tối đa 50 triệu đồng/hộ. Đây được xem là một đòn bẩy phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo.

Theo báo cáo, sau 12 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tập trung huy động nguồn lực tài chính gần 140 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ trên 135 nghìn tỷ đồng với gần 7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực