Giảm nghèo trên quê hương cách mạng Tuyên Quang

Thứ năm, 26/05/2016 15:52
(ĐCSVN) - Nguồn vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Tuyên Quang thực hiện trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, làm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 34,83% năm 2010 xuống còn 9,31 vào cuối năm 2015.

Bộ mặt nông thôn trên quê hương cách mạng đã thay đổi rõ rệt, hình thành nhiều mô hình kinh tế mới, phát triển kinh tế trang trại, thu hút và tạo công ăn việc làm cho người dân, đời sống của hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây ngày càng được nâng cao...

Vốn vay ưu đãi giúp người nghèo ở vùng quê cách mạnh Tuyên Quang có điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc (Ảnh: MP)

Trong giai đoạn 2010 - 2015, nguồn vốn ưu đãi do NHCSXH tỉnh Tuyên Quang thực hiện đã giúp 53.971 hộ thoát nghèo, 12.900 hộ cận nghèo và 995 hộ mới thoát nghèo được vay vốn vay để phát triển sản xuất vươn lên trở thành hộ trung bình, khá; 8.276 lao động có việc làm ổn định; 14.724 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng 31.818 công trình nước sạch và vệ sinh; 9.467 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách...

Điển hình có hộ gia đình anh Lương Văn Quý, dân tộc Cao Lan ở xã Đức Ninh đã vươn lên thành hộ khá từ sự “trợ lực” của đồng vốn ưu đãi. Những năm 2010 trở về trước, do thiếu vốn sản xuất nên gia đình anh Quý luôn trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn. Năm 2011, gia đình anh Quý được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Hàm Yên về nuôi bò sinh sản, trồng chè sạch. Đến giữa năm 2014, nhà anh thoát nghèo và đầu năm nay anh được vay 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo để đầu tư mở rộng mô hình trang trại tổng hợp VAC.

Còn ở huyện Chiêm Hóa, gia đình anh Vỳ Văn Hiếu, thôn Khun Miềng, xã Kiên Đài cũng là minh chứng cụ thể trong việc sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi để thoát nghèo . Năm 2013, gia đình anh Hiếu đã được NHCSXH huyện Chiêm Hóa cho vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo để phát triển kinh tế. Anh Hiếu cho biết: “Từ nguồn vốn ưu đãi, gia đình mua 2 con trâu. Nhờ chăm sóc tốt, trâu đã sinh sản, đến nay gia đình có 3 con, kinh tế đang từng bước phát triển ổn định”.

Nói về tầm quan trọng của nguồn vốn ưu đãi, Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Đài, Ma Văn Hải cho biết: Tín dụng chính sách đã cơ bản giải quyết được yêu cầu bức thiết nhất của hộ nghèo, đồng bào DTTS trong xã về nguồn vốn. Vì vậy, sau khi được vay vốn, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng mô hình trang trại, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống.

Tính riêng trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi đạt trên 334 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi trong 5 năm 2010 - 2015 đã giúp cho 7.847 lượt hộ nghèo, hộ DTTS của huyện có điều kiện phát triển SXKD; 2.406 lượt hộ cận nghèo và hàng nghìn các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện được vay vốn. Nguồn vốn ưu đại tín dụng đó gúp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 42,5% (năm 2011) xuống còn 17,05% (năm 2015).

Để nguồn vốn chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng, ngay từ đầu năm 2016, NHCSXH tỉnh Tuyên Quang nhanh chóng thực hiện giải ngân vốn các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn để phát triển vụ mùa mới của hộ dân; đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động mạng lưới giao dịch tại xã, nâng cao chất lượng 3.092 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bản, góp phần phục vụ đắc lực, hiệu quả hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Minh Phương (KCNB)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực