Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “Nghiên cứu khả năng tiếp cận giáo dục tài chính của hộ nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động” với sự hợp tác giữa NHCSXH và Oxfam tại Việt Nam.
|
Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và truyền thông NHCSXH Phan Cử Nhân phát biểu khai mạc Tọa đàm. (Ảnh: Đặng Dũng) |
Phát biểu khai mạc, ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban hợp tác quốc tế và Truyền thông khẳng định, trước xu thế toàn cầu hóa và những biến chuyển của nền kinh tế nước nhà, câu chuyện giảm nghèo, an sinh xã hội luôn là nỗi trăn trở để làm sao đưa đất nước đi lên, hội nhập, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Với sứ mệnh của mình, trong 18 năm qua, NHCSXH đã luôn đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách giúp họ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu cho bản thân, cho xã hội, cùng hòa nhịp với sự phát triển của đất nước, để không ai bị bỏ lại phía sau, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Quang cảnh Tọa đàm. (Ảnh: HNV) |
Cũng theo ông Phan Cử Nhân, trong chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020, một trong những mục tiêu phát triển NHCSXH đó là, đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ phù hợp với hoạt động NHCSXH, góp phần thúc đẩy chiến lược tài chính toàn diện của Việt Nam. Nhiều năm qua, NHCSXH đã tiến hành các bước đi cần thiết để tăng cường phát triển tài chính toàn diện trong cộng đồng khách hàng của ngân hàng nói riêng và tại Việt Nam nói chung như: Mở rộng tiếp cận khách hàng; tăng cường giáo dục tài chính cho đối tác và khách hàng; các sản phẩm của NHCSXH luôn hướng đến sự thuận tiện cho khách hàng; tăng cường bảo đảm quyền lợi khách hàng và ứng dụng tài chính kỹ thuật số trong hoạt động.
Tại Tọa đàm, bà Lê Kim Thái, Trưởng đại diện chương trình và gây quỹ của Oxfam Việt Nam khẳng định, việc hợp tác này nằm trong mục tiêu hành động của Oxfam. Theo đó, chương trình này hướng tới độ tuổi dưới 40, cốt lõi là phụ nữ nhằm đảm bảo sự tham gia cũng như thụ hưởng chương trình của họ. “Giáo dục tài chính cho hộ nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động là giải pháp nhằm thông tin cho khách hàng về các chương trình tín dụng chính sách, thủ tục vay vốn, các sản phẩm tiết kiệm tại NHCSXH và kiến thức cơ bản về quản lý tài chính gia đình” – bà Thái nói.
|
Tải và sử dụng app trên điện thoại thông minh. (Ảnh: HNV) |
Trong khi đó, báo cáo khái quát về quá trình triển khai xây dựng app, bà Nguyễn Phương Chi, Phó Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông cho biết, đầu năm 2019, NHCSXH và tổ chức Oxfam đã ký thoả thuận hợp tác về nghiên cứu khả năng tiếp cận giáo dục tài chính của người nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động. Nghiên cứu thử nghiệm giáo dục tài chính cho hộ nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động là giải pháp nhằm: Thông tin cho khách hàng về các chương trình tín dụng chính sách, thủ tục vay vốn, các sản phẩm tiết kiệm tại NHCSXH và kiến thức cơ bản về quản lý tài chính gia đình; Giúp khách hàng nâng cao hiểu biết tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, gia tăng tiết kiệm và quản lý chi tiêu gia đình, từng bước làm quen với công nghệ số đặc biệt là khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Đồng thời, qua đó giúp tạo bình đẳng và thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội; Thông qua giáo dục tài chính không chỉ góp phần trực tiếp giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính của NHCSXH, thúc đẩy tài chính toàn diện mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Theo đó, NHCSXH đã phối hợp với chuyên gia Oxfam tiến hành nghiên cứu khảo sát về nhu cầu giáo dục tài chính của khách hàng tại 03 tỉnh Hải Dương, Thanh Hoá và Quảng Ngãi. Kết quả khảo sát cho thấy trên 80% khách hàng được phỏng vấn đều nhận thức lợi ích của giáo dục tài chính đối với bản thân và gia đình. Trên cơ sở kết quả khảo sát, NHCSXH thiết kế và thử nghiệm phần mềm ứng dụng giáo dục tài chính trên điện thoại di động (gọi tắt là App giáo dục tài chính). App giáo dục tài chính của NHCSXH đã được đẩy lên kho ứng dụng của hệ điều hành iOS và CHPlay với tên gọi “Ngân hàng Chính sách xã hội - Giáo dục tài chính”. Với giao diện tính năng đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng phù hợp với đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
|
Clip giới thiệu quá trình xây dựng app Ngân hàng chính sách xã hội. (Nguồn: NHCSXH) |
Ứng dụng Giáo dục tài chính gồm 04 nội dung chính, đó là: Thông tin về Ngân hàng Chính sách xã hội; Thông tin dịch vụ và ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội; Giáo dục tài chính cá nhân và mô hình vay vốn sản xuất kinh doanh tiêu biểu. Ngoài ra, ứng dụng còn có các công cụ về quản lý chi tiêu; Tra cứu điểm giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội trên toàn quốc và Công cụ tính lãi suất các khoản vay và tiền gửi tiết kiệm. Tất cả các nội dung trong Ứng dụng, người dùng có thể dùng chức năng bật nghe đọc rất tiện ích.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Kiều Chinh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thường Tín, Hà Nội và bà Nguyễn Thị Thư, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín đã cùng nhau chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng và lợi ích của ứng dụng giáo dục tài chính cho khách hàng. Hai nữ đại biểu đều nhất trí cao về cấu hình app với hình ảnh đẹp, âm thanh rõ, thông tin công khai và minh bạch và đây có thể coi là “cầm nang về tín dụng chính sách” điện tử cho cán bộ và người dân quan tâm tìm hiểu về tín dụng chính sách.
Khẳng định thông điệp “không bỏ lại ai ở phía sau” nhất là trong bối cảnh CMCN 4.0, việc triển khai app Ngân hàng chính sách xã hội là hoạt động minh chứng rõ ràng và sống động nhất cho thông điệp trên./.