(ĐCSVN) – Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án tín dụng chính sách tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phòng giao dịch (PGD) Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã tập trung củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.
|
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo và cận nghèo thoát khỏi khó khăn (Ảnh: T.Ngọc) |
Qua thực hiện, đơn vị được đánh giá đã triển khai công tác tín dụng chính sách đạt hiệu quả tốt, bước đầu hỗ trợ kịp thời tới các hộ nghèo và cận nghèo cùng nhiều đối tượng khác trong diện trợ giúp trên địa bàn.
Là một huyện ven biển nằm về phía đông của tỉnh Tiền Giang, huyện có 3.816 hộ nghèo chiếm 10,94% dân số và hộ cận nghèo là 2.040 hộ chiếm 5,58% dân số. Huyện có 2 thị trấn và 11 xã trong đó có 3 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Do đặc thù có hơn 80% dân số của huyện sống bằng nghề nông có thu nhập thấp, công nghiệp chậm phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Thống kê của Phòng giao dịch huyện cho thấy, đặc điểm chính của đơn vị ở địa phương là cho vay phục vụ sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi bò, dê, heo, nuôi tôm, nuôi cá, đánh bắt hải sản và một số ngành nghề truyền thống như đóng tủ thờ, đan lưới, đan giỏ lát xuất khẩu, se nhang, chế biến hải sản…
Trước khi triển khai Đề án, cuối năm 2011, tình hình chất lượng tín dụng chính sách ở các PGD thuộc chi nhánh NHCSXH tỉnh Tiền Giang có chất lượng giảm thấp, nợ xấu ở mức cao và có chiều hướng năm sau tăng cao hơn so với năm trước. Trên cơ sở chỉ đạo của cấp trên, trực tiếp là NHCSXH tỉnh Tiền Giang đã mở Hội nghị đánh giá chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn; chỉ đạo các Phòng giao dịch xây dựng phương án củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng với 5 chỉ tiêu trọng tâm là: Nợ quá hạn; Nợ lãi tồn đọng; Nợ bị chiếm dụng; Nợ không đủ điều kiện đổi sổ vay vốn phải xử lý và Chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).
Theo đó, tháng 5/2012, PGD NHCSXH huyện Gò Công Đông đã xây dựng phương án trình Ban chỉ đạo củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tỉnh Tiền Giang và đã được phê duyệt tại văn bản số 269/NHCS-KHNV ngày 4/6/2012 của Giám đốc NHCSXH tỉnh Tiền Giang.
Tại thời điểm 31/12/2011, trước khi thực hiện phương án trên, nợ quá hạn là 926 triệu đồng, chiếm tỉ lệ 0,71% trên tổng dư nợ. Nợ lãi tồn đọng 1.036 triệu đồng. Nợ bị chiếm dụng 82 triệu đồng. Nợ không đủ điều kiện đổi sổ vay vốn và phải xử lý 435 triệu đồng. Số lượng tổ TK&VV trung bình và yếu kém 48 tổ, chiếm khoảng 16% số tổ TK&VV.
Trên cơ sở phân tích thực trạng và đánh giá tình hình, PGD huyện đã cùng nhau xây dựng Phương án và đánh giá được thực trạng chất lượng tín dụng trên địa bàn, xác định được nguyên nhân và đề ra giải pháp thực hiện trong giai đoạn 3 năm (2012 -2014).
Qua 3 năm triển khai, kết quả thu về thật đáng khích lệ. Cụ thể, đến cuối năm 2014, PGD NHCSXH huyện Gò Công Đông đã hoàn thành đạt và vượt 4/5 chỉ tiêu của Đề án, người dân đã thay đổi được nhận thức, thấy được nghĩa vụ có vay có trả không còn ỷ lại, trông chờ vào chính sách cho không nữa, được chính quyền địa phương đánh giá rất cao.
Đặc biệt, đến cuối năm 2014, nợ quá hạn của PGD là 440 triệu đồng, giảm so với 31/12/2011 là 486 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,26% trên tổng dư nợ, giảm là 0,45%. So với chỉ tiêu được tỉnh phê duyệt đến cuối năm 2014 (là 0,43%), PGD đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, trong đó có 1 xã không có nợ quá hạn; nợ bị chiếm dụng của PGD là 30 triệu đồng, giảm 52 triệu đồng. Tổng số tổ TK&VV của PGD là 313 tổ. Trong đó, số tổ xếp loại tốt là 192 tổ, chiếm tỷ lệ là 61% /tổng số tổ, hiện nay không còn tổ yếu. Dư nợ không đủ điều kiện đổi sổ và phải xử lý đến cuối năm 2014 còn 119 triệu, với 51 hộ, so với 31/12/2011 giảm 316 triệu đồng (tỷ lệ giảm là 72,64%) đạt 109% chỉ tiêu của Đề án. Lãi tồn đọng tại PGD là 700 triệu đồng, giảm so với 31/12/2011 là 336 triệu đồng, tỷ lệ giảm 32,34%.
Từ những kết quả ban đầu đạt được, tập thể cán bộ và công nhân viên PGD huyện đã rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó, cần phải luôn bám sát và thực hiện đúng theo các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên. Khi có sự tham gia đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương, các ngành, các cấp Hội đoàn thể thì hoạt động tín dụng chính sách luôn đạt hiệu quả cao. Thêm vào đó, cần bố trí cán bộ đúng người, đúng việc, có kế hoạch sắp xếp cán bộ phụ trách địa bàn theo hướng ổn định lâu dài để cán bộ yên tâm trong công tác và có kế hoạch tốt hơn trong triển khai nghiệp vụ. Thường xuyên tuyên truyền giáo dục, động viên cán bộ trong cơ quan phấn đấu học tập trao dồi nghiệp vụ, nhằm nâng cao chất lượng công việc; giáo dục đạo đức nghề nghiệp nâng cao tinh thần trách nhiệm để làm nòng cốt thúc đẩy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, cần tổ chức tốt giao dịch lưu động tại xã, thị trấn; Thực hiện tốt công tác tập huấn tổ trưởng hàng năm và tuyên truyền tốt công tác huy động tiết kiệm qua tổ cũng góp phần rất lớn trong công tác nâng cao chất lượng tín dụng.