(ĐCSVN) - Gắn bó với nghề tín dụng chính sách 12 năm, nhắc đến Nguyễn Văn Huyên, Tổ trưởng Tổ Kế hoạch nghiệp vụ - tín dụng, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang là người ta lại nhớ đến một người hòa đồng, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
Tốt nghiệp Trường Trung cấp Tài chính - Kế toán, anh được tiếp nhận vào công tác tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Năm 2009, anh được điều động về công tác tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quang Bình. Mỗi khi nhìn thấy vất vả của bà con dân tộc thiểu số nơi đây anh lại càng thêm yêu công việc và càng cảm thấy có động lực hết mình giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo.
Đến nay, anh đã công tác trong ngành được 12 năm, ở cương vị Tổ trưởng Tổ kế hoạch nghiệp vụ - tín dụng, anh luôn gương mẫu thực hiện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; tích cực, chủ động tham mưu cho Ban Giám đốc Phòng Giao dịch triển khai thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cấp trên giao, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tổ viên trong tổ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn như kế hoạch tín dụng, kế hoạch tài chính. Đặc biệt, anh cũng đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp cho cấp trên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện kịp thời và hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tận tình hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được ra nhập kết nạp vào Tổ Tiết kiệm và vay vốn để được vay vốn, hướng dẫn người vay sử dụng nguồn vốn hiệu quả cao, cụ thể như hướng dẫn hộ nghèo cách lựa chọn cây, con giống hay như cách chăm sóc cây trồng vật nuôi… .Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện là: 172.654 triệu đồng, tăng 16.413 triệu đồng so với 31/12/2013, số tương đối tăng 10,5%, với hơn 10.159 hộ/237 tổ TK&VV.
|
Anh Huyên trong một buổi giao dịch xã (Ảnh: HP) |
Nguồn vốn cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đến 100% số xã, thị trấn trong toàn huyện; dư nợ bình quân một xã là 11.510 triệu đồng, đầu tư chủ yếu là phát triển đàn gia súc như trâu, bò; dê, lợn; và cây ăn quả, cây công nghiệp và cây lấy gỗ, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách làm ăn cho nghèo, góp phần vào công cuộc xoá đỏi giảm nghèo, ổn định xã hội tại địa phương.
Nói đến sự đồng cảm về những cuộc sống đầy khó khăn, vất vả của những người dân, anh kể cho chúng tôi nghe, đồng bào ở vùng cao thật sự rất nghèo, đời sống rất khó khăn, thường không đủ cơm ăn áo mặc. Nhắc đến việc xem xét cho vay, anh nhớ đến một hộ gia đình người Mông tại xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì. Hộ gia đình này xin vay vốn ngân hàng nuôi trâu sinh sản nhưng gia đình quá nghèo không có một tài sản gì trong nhà, căn nhà chỉ như một túp lều, gia đình lại đông thành viên, ít lao động nên tổ tiết kiệm và vay vốn và hội đoàn thể tại xã e ngại chưa muốn bình xét cho vay vốn. Thế nhưng trong suy nghĩ của người cán bộ tín dụng, nếu những người dân nghèo thế này không được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ thì họ sẽ khó có thể có cơ hội thay đổi cuộc sống. Chính vì suy nghĩ đó, anh Huyên đã thuyết phục được Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng tổ chức hội đoàn thể xã bình xét cho hộ gia đình này vay vốn mua một con trâu. Và điều kỳ diệu là sau 2 năm gia đình người Mông này đã trả được nợ ngân hàng và đã tìm anh để cảm ơn, kể lại câu chuyện của họ.
Ngoài những ngày làm việc theo quy định của Nhà nước, anh đã tự tranh thủ đi học tại Học viện ngân hàng để góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân; tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư của huyện để có những kiến thức về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt hướng dẫn, hỗ trợ bà con làm kinh tế trong quá trình vay vốn ngân hàng, giúp bà con nghèo có thu nhập ổn định, bền vững.
Đánh giá về cán bộ trẻ Nguyễn Văn Huyên, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc NHCSXH huyện Quang Bình cho biết, những năm qua, Phòng Giao dịch của huyện nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết của đồng chí Nguyễn Văn Huyên cùng với những hỗ trợ, giúp sức của chính quyền xã và cán bộ thôn, bản; sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đã góp phần duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của 237 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 15 xã, thị trấn luôn đạt loại khá, tốt. Trên toàn huyện, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi đến nay là: 172.654 triệu đồng, không có nợ bị xâm tiêu, chiếm dụng; nợ quá hạn ở mức thấp và giảm mạnh qua các năm từ 2,8% đến nay chỉ còn 0,56% trên tổng dư nợ”.
Những cống hiến của anh cũng được nhiều đơn vị ghi nhận qua một loạt các giấy khen, bằng khen của Trung ương, tỉnh và huyện. Vinh dự hơn cả, năm 2014, anh đã được Bí thư Huyện ủy tặng giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.