Hà Giang: Thêm vốn mở rộng đầu tư - tăng cơ hội thoát nghèo tại các vùng khó

Thứ ba, 12/04/2016 16:41
(ĐCSVN) – Rất nhiều hộ dân trên địa bàn các vùng khó khăn của tỉnh Hà Giang thể hiện sự tin tưởng về cơ hội thoát nghèo rộng mở khi Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng mức cho vay chương trình hộ gia đình sản xuất kinh doanh (SXKD) tại vùng khó khăn từ 30 triệu đồng/hộ lên tối đa 50 triệu đồng/hộ từ ngày 15/3/2016.


Nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Giang vay vốn ưu đãi mở rộng SXKD (Ảnh: PV)

Vượt khó từ đồng vốn chính sách

Những năm trước, gia đình chị Hoàng Thị Sức ở thôn Tân Thành, xã Bảng Hành, huyện Bắc Quang rất khó khăn. Năm 2008, theo chương trình cho vay hộ gia đình SXKD vùng khó khăn theo Quyết định 31/2007/QĐ-TTg, gia đình chị được Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thôn bình xét và NHCSXH cho vay 30 triệu đồng để đầu tư mua 2 con trâu sinh sản. Sau 3 năm chăm sóc, trâu sinh sản, gia đình chị bán nghé và hoàn đủ tiền gốc cho ngân hàng, đến năm 2014, chị Sức quyết định tiếp tục vay vốn NHCSXH, vẫn chương trình SXKD vùng khó khăn 30 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi lợn và được vay vốn chương trình NS&VSMTNT để cải tạo công trình vệ sinh nhằm đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Cuộc sống khấm khá dần, con cái được học hành đầy đủ, niềm vui của chị xuất phát từ sự nỗ lực của bản thân và nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ đắc lực, kịp thời.

Còn với hộ bà Đỗ Thị Nghị ở thôn Minh Tường, xã Kim Ngọc, huyện Bắc Quang với đồng lương ít ỏi của công nhân lâm nghiệp nghỉ hưu, để chu cấp cho con đi học và lập nghiệp thật nan giải. Năm 2014, bà Nghị đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi chương trình hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn để đầu tư trồng 1ha cây keo. Đến nay, cây đang phát triển tốt và hứa hẹn sau khi thu hoạch bà sẽ trả được tiền gốc cho ngân và dư giả để cải thiện cuộc sống cũng như lo cho con cái học đại học.

Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Ngọc, đồng chí Ngọc Văn Bảo cho biết: “Nhiều năm qua, chương trình thực sự là động lực giúp các hộ dân vùng khó khăn vượt qua khó khăn để vươn lên phát triển SXKD, nhiều hộ gia đình sau khi được vay vốn đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng phát triển trang trại chăn nuôi gia súc và trồng cây ăn quả, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống gia đình và trả nợ vốn vay đúng hạn”.

Phó Giám đốc NHCSXH huyện Bắc Quang, Ấu Xuân Yên cho biết thêm: Tính đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Bắc Quang đạt trên 223 tỷ đồng, trong đó, dư nợ chương trình cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn đạt gần 57,8 tỷ đồng với 2.570 hộ còn dư nợ. Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực với các gia đình ở các xã khó khăn, nhất là những gia đình không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng trong cuộc sống vẫn gặp những khó khăn nhất định trong phát triển kinh tế gia đình.

Tăng cơ hội làm giàu

Một niềm vui đến với người dân ở vùng khó khăn đó là Chính phủ đã quyết định điều chỉnh mức cho vay tối đa đối với hộ gia đình SXKD từ 30 triệu đồng/hộ lên 50 triệu đồng/hộ từ ngày 15/3/2016. Trong một số trường hợp cụ thể, mức vốn vay của một hộ có thể trên 50 triệu đồng, Thủ tướng Chính phủ giao NHCSXH căn cứ vào khả năng nguồn vốn, nhu cầu đầu tư và khả năng trả nợ của hộ SXKD để quy định mức cho vay cụ thể, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, so với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nguồn lực của các hộ SXKD vùng khó khăn nhiều hơn, họ cũng cần nhiều vốn để trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán với quy mô lớn hơn.

Đánh giá về sự điều chỉnh mức cho vay này, ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Mức vay tối đa 30 triệu đồng/hộ đã áp dụng trong một thời gian dài và đã phát huy hiệu quả tín dụng rất tốt. Tuy nhiên, khi đi giám sát, chúng tôi thấy rằng, mức vay như vậy chưa phù hợp với thực tiễn SXKD trong giảm nghèo ở nhiều địa bàn. Ví dụ, một hộ gia đình DTTS muốn vay vốn để nuôi trâu, bò thì mức vay như vậy chưa đáp ứng được với nhu cầu vốn. Hoặc ở Tây Nguyên, người dân của chúng ta muốn phát triển cây công nghiệp như cao su, chè, cà phê thì mức vay 30 triệu đồng/hộ cũng chưa đáp ứng được. Từ thực tiễn đó, Nghị quyết 76 của Quốc hội về giảm nghèo bền vững đã yêu cầu phải điều chỉnh đối tượng, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay trong chính sách tín dụng xã hội để từng bước bảo đảm nguồn vốn vay ưu đãi trong giảm nghèo. Chính vì vậy, Chính phủ điều chỉnh, mức vay tối đa của mỗi hộ từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng là rất cần thiết”.

Phó Giám đốc NHCSXH huyện Bắc Quang cho biết: “Với việc nâng hạn mức cho vay đối với hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn đã mở ra cơ hội cho các hộ gia đình trên địa bàn huyện Bắc Quang có thêm vốn để phát triển kinh tế. So với các địa phương khác trong tỉnh thì đối tượng được thụ nguồn vốn này tại huyện Bắc Quang là rất lớn”

Lãnh đạo NHCSXH huyện Bắc Quang cho biết thêm “Khi triển khai cho vay, ngân hàng sẽ liên tục thực hiện công tác kiểm tra, giám sát để nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng; đồng thời phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể hướng dẫn hộ vay cách trồng trọt, chăn nuôi, triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả để giúp họ sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn”.

 

Minh Phương (KCNB)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực