Hiệu quả của việc đưa Chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện

Thứ sáu, 13/11/2015 16:04

(ĐCSVN) – Xuất phát từ thực tiễn hoạt động tích cực của tín dụng chính sách với công cuộc xóa đói giảm nghèo, việc đưa Chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện (BĐD) Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) cấp huyện đã đem lại những hiệu quả bất ngờ.

Theo đó, trước khi đến với chặng đường được chính thức công nhận thực hiện và nhân rộng trong toàn hệ thống vào năm 2015, HĐQT NHCSXH xác định việc thực hiện thí điểm bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia BĐD HĐQT NHCSXH cấp huyện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác từ năm 2013 đến năm 2014, đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo trong từng phiên họp định kỳ hàng quý; đồng thời các thành viên HĐQT đã tăng cường giám sát việc thực hiện thí điểm.

 

 Phiên giao dịch NHCSXH tại xã (Ảnh: HNV)


Qua việc thí điểm ở 3 tỉnh: Bắc Giang, Thanh Hóa và Long An, những kết quả mang lại thật khả quan. Cụ thể, sau 2 tháng triển khai, Tổ triển khai thực hiện thí điểm tiến hành khảo sát thực tế tại 10 xã của 5 huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa và mở Hội nghị bàn giải pháp thực hiện, nhằm đánh giá tình hình thực hiện thí điểm tại địa phương từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, những tồn tại, vướng mắc để đề ra định hướng chỉ đạo hiệu quả, đúng mục tiêu của chương trình thí điểm. Kịp thời ban hành Bộ “Tiêu chí chấm điểm đánh giá chất lượng tín dụng chính sách của từng xã, phường, thị trấn” để làm cơ sở đánh giá kết quả hoạt động, chất lượng tín dụng từng xã và hiệu quả của việc thí điểm.

Qua tổng kết bước đầu cho thấy, công tác tham mưu, tổ chức các cuộc họp định kỳ của BĐD HĐQT đã được các chi nhánh và Phòng giao dịch của NHCSXH huyện quan tâm, chú trọng. Với số lượng thành viên BĐD HĐQT cấp huyện tăng lên, các Phòng giao dịch của NHCSXH huyện đã tham mưu Trưởng Ban đại diện gửi trước tài liệu họp đến tất cả các thành viên; đối với những thành viên không dự họp thì tổng hợp ý kiến tham gia bằng văn bản. Nhờ đó, các phiên họp định kỳ của BĐD HĐQT cấp huyện đã đi vào nề nếp, đạt hiệu quả với sự tham gia khá đầy đủ của thành viên là Chủ tịch UBND cấp xã (đạt bình quân 92,5%).

Nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND xã, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với NHCSXH được chặt chẽ hơn. Chủ tịch UBND cấp xã đã chỉ đạo quyết liệt Ban giảm nghèo, Trưởng thôn và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, quản lý tốt hơn nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Từ đó, chất lượng tín dụng được nâng cao, nợ quá hạn giảm, những Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) hoạt động yếu kém đã kịp thời được củng cố; các chủ trương, chính sách mới được triển khai kịp thời đến đối tượng thụ hưởng.

Thống kê đến ngày 30/9/2014 của 3 chi nhánh thí điểm chỉ rõ, thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, chỉ tiêu dư nợ đều đạt kế hoạch sớm hơn trước và đạt trên mức bình quân chung của toàn quốc. Doanh số thu nợ trong 18 tháng thí điểm đạt 4.650 tỷ đồng. Doanh số thu nợ bình quân một tháng của mỗi chi nhánh đạt 86,1 tỷ đồng, cao hơn bình quân tháng của 18 tháng trước thí điểm là 20,4 tỷ đồng và cao hơn bình quân chung của toàn hệ thống sau thí điểm là 40,9 tỷ đồng. Vòng quay vốn tín dụng cao hơn trước. Nợ quá hạn là 40,9 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,35% (bình quân chung của toàn quốc là 0,52%). Nợ quá hạn giảm 29 tỷ đồng và tỷ lệ giảm 0,29% so với trước thí điểm (31/3/2013). Tỷ lệ thu lãi sau thí điểm tăng cao hơn trước thí điểm: chi nhánh Bắc Giang từ 88% tăng lên 93%, chi nhánh Thanh Hoá từ 81% tăng lên 89%, chi nhánh Long An từ 87% tăng lên 91%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng thông qua Tổ TK&VV tăng từ 74,1% (trước thí điểm) lên 84,67%. Số dư tiền gửi tiết kiệm tăng 77 tỷ đồng (từ 162 tỷ đồng lên 239 tỷ đồng). Bình quân 01 chi nhánh có số dư tiền gửi tiết kiệm tăng gần 26 tỷ đồng trong khi bình quân chung toàn quốc chỉ tăng 14,4 tỷ đồng/chi nhánh.

Ngoài ra, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách của các xã có chuyển biến đồng đều hơn. Đến 30/9/2014, tại 03 chi nhánh có 167 xã không có nợ quá hạn chiếm gần 16%, tăng 86 xã so với trước thí điểm và chỉ còn 32 xã (chiếm 3% số xã) có nợ quá hạn trên 2% phải xây dựng Phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng theo chỉ đạo của NHCSXH Trung ương, giảm so với trước thí điểm là 47 xã.

Song song, xếp loại chất lượng tín dụng theo xã đã có sự thay đổi lớn về kết cấu: xã tốt tăng lên và xã khá, trung bình, yếu kém giảm rõ rệt. Xã được xếp loại tốt từ 320 xã tăng lên 539 xã (tăng 219 xã), xã khá từ 480 xã giảm xuống còn 429 xã (giảm 51 xã), xã trung bình từ 221 xã giảm xuống còn 88 xã (giảm 133 xã), xã yếu kém từ 38 xã xuống còn 3 xã (giảm 35 xã).

Đồng thời, Chủ tịch UBND cấp xã đã chỉ đạo việc rà soát, bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo công khai, chính xác, phù hợp với thực tế; giám sát việc sử dụng vốn của hộ vay tốt hơn; nâng cao trách nhiệm và xử lý kịp thời các tồn tại, vướng mắc,...

Hoàn thiện mô hình quản lý, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín dụng chính sách

Việc làm này không những hoàn thiện mô hình quản lý, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín dụng chính sách mà còn phát huy vai trò của tín dụng chính sách đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình Xây dựng nông thôn mới .

Thực tế, hệ thống chính quyền có 4 cấp (TW, tỉnh, huyện, xã) nhưng HĐQT NHCSXH chỉ có ở 3 cấp (TW, tỉnh, huyện), chưa có ở cấp xã trong khi toàn bộ các chương trình tín dụng chính sách được thực hiện ở cấp xã. Vì vậy, khi Chủ tịch UBND cấp xã tham gia thành viên BĐD HĐQT NHCSXH cấp huyện là hoàn thiện mô hình quản lý tín dụng chính sách ở cấp cơ sở phù hợp với Nghị định số 78/2002/NĐ-CP và Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thêm nữa,việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia BĐD HĐQT đã nâng cao vai trò quản lý Nhà nước và khẳng định được trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, đạt hiệu quả hơn trong việc triển khai và thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đồng thời quản lý tốt các nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã. Thông qua công tác triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, Chủ tịch UBND cấp xã kịp thời nắm bắt được tình hình quản lý vốn vay và những đề xuất, kiến nghị tại cơ sở để xử lý kịp thời. Theo đó, từ khi Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tham gia BĐD HĐQT NHCSXH cấp huyện đã đưa hoạt động tín dụng chính sách vào hoạt động định kỳ của xã, gắn nguồn vốn tín dụng chính sách với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, kế hoạch giảm nghèo và thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, việc Chủ tịch xã tham gia còn chỉ đạo Ban giảm nghèo xã thực hiện nghiêm túc việc rà soát, xác nhận đúng đối tượng được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách; tổ chức phân bổ vốn đến các thôn, bản, ấp ...; chỉ đạo trưởng thôn, Tổ TK&VV phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác họp bình xét cho vay công khai, dân chủ hơn, qua đó chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời và đến đúng đối tượng được thụ hưởng; đồng thời chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội giám sát hoạt động của Tổ TK&VV chặt chẽ hơn.

Trước đây, việc đôn đốc thu hồi nợ quá hạn có nơi gặp nhiều khó khăn do hộ vay thiếu ý thức trả nợ, hộ vay bỏ đi khỏi địa phương. Khi Chủ tịch UBND xã là thành viên BĐD HĐQT huyện đã trực tiếp chỉ đạo Tổ đôn đốc, thu hồi nợ khó đòi cương quyết xử lý bằng nhiều biện pháp như tuyên truyền, động viên, mời lên trụ sở UBND xã làm việc và yêu cầu hộ vay cam kết trả nợ vay;... các trường hợp bỏ đi khỏi địa phương đã liên hệ với người nhà tìm địa chỉ, vận động hộ vay hoàn thành nghĩa vụ trả nợ. Vì vậy, kết quả thu nợ, đặc biệt là thu hồi nợ quá hạn.... cao hơn nhiều so với trước.

Ngoài ra, gắn các phong trào làm kinh tế của hộ gia đình với việc phát động phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hoá, thôn, ấp, xã văn hóa... từng bước làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở vững chắc. Từ những hoạt động trên đã tạo ra sự lan tỏa, lôi cuốn các hộ gia đình vay vốn tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống và hạn chế rủi ro, giúp nhiều hộ có thu nhập cao đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Người dân yên tâm, ổn định phát triển sản xuất, thực hiện an sinh xã hội.

Có thể thấy, từ thành công trong thí điểm tại 3 tỉnh cho thấy UBND các tỉnh và BĐD HĐQT các cấp đã thực hiện thành công các giải pháp để khai thác tốt hơn khi số lượng thành viên BĐD tăng lên như: Phân công nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm thực hiện toàn bộ tín dụng chính sách trên địa bàn; Chuẩn bị nội dung cho các phiên họp BĐD đầy đủ, nội dung họp thiết thực, có Nghị quyết sau phiên họp. Tại các cuộc họp, Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp phản ánh khó khăn, vướng mắc về tín dụng chính sách trên địa bàn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban đại diện để vận hành, thực thi tốt hơn tại địa bàn.

Mặc dù việc gia tăng số lượng các thành viên của BĐD HĐQT NHCSXH cấp huyện khiến chi phí hoạt động của NHCSXH cũng tăng nhưng qua thực tiễn, chi phí hoạt động của NHCSXH có tăng lên nhưng hiệu quả của chất lượng tín dụng chính sách được tăng lên đáng kể: Công tác giải ngân, thu nợ, thu lãi tốt hơn, công tác xử lý nợ bị rủi ro kịp thời hơn,... mang lại hiệu quả về tài chính cho NHCSXH lớn hơn, nguồn vốn tín dụng chính sách đến được đối tượng thụ hưởng tốt hơn, gắn được với Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình Xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Những kết quả thành công đó là tiền đề để Chính phủ xem xét và chính thức đồng ý chủ trương cho phép bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện tại Văn bản số 1423/VPCP-KTTH ngày 2/3/2015 về việc bổ sung Chủ tịch xã vào BĐD NHCSXH cấp huyện do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực