Hiệu quả từ chính sách ưu đãi theo Nghị quyết 181 và 11 của Chính phủ tại Quảng Bình

Thứ tư, 22/11/2023 10:43
(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 181/NQ-CP (NQ 181) ngày 02/11/2023 về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (NQ 11). Tính đến ngày 16/11/2023, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Quảng Bình đã giải ngân cho 1.703 trường hợp.

Thực tế triển khai cũng minh chứng chính sách bổ sung nguồn vốn này đã giúp cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội thoát nghèo bền vững. Anh Nguyễn Hoàng Hải, ở thôn Rào Trù, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh là một trong những hộ được vay vốn theo diện trên cho biết: "Gia đình tôi không có việc làm ổn định, cuộc sống rất khó khăn. Được sự truyên truyền, giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ tín dụng Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Ninh, tôi đã được vay 50 triệu đồng nên rất phấn khởi. Với số vốn này, tôi dự định sẽ cải tạo vườn rừng của gia đình và trồng thêm 3ha cây keo, phát triển kinh tế để có cuộc sống ổn định hơn." 

Anh Nguyễn Hoàng Hải, ở thôn Rào Trù, xã Trường Xuân nhận nguồn vốn vay GQVL để phát triển kinh tế 

Trước đó, ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành NQ 11 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành công văn về rà soát nhu cầu vốn tín dụng chính sách thực hiện chương trình này của Chính phủ, với 5 chương trình, gồm: Nhà ở xã hội; hỗ trợ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm; hỗ trợ học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non tiểu học ngoài công lập; cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Chỉ tiêu dư nợ các chương trình trong năm 2022 và 2023 theo NQ 11 được giao là 1.046,3 tỷ đồng; trong đó, nhà ở xã hội 647,3 tỷ đồng, cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 10,7 tỷ đồng, hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm 370 tỷ đồng (bao gồm điều chỉnh bổ sung theo NQ 181), riêng chương trình học sinh, sinh viên mua máy tính thiết bị học trực tuyến và cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập thực hiện quản lý và cho vay quay vòng theo dư nợ đến thời điểm 31/12/2022...

Để giải ngân có hiệu quả nguồn vốn các chương trình theo NQ 11, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các phòng giao dịch (PGD) NHCSXH cấp huyện phối hợp với UBND cấp xã và các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác thực hiện rà soát, tiếp cận, nắm bắt nhu cầu vay vốn, tìm kiếm khách hàng, hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn kịp thời, nâng cao công tác kiểm tra, giám sát, công khai minh bạch.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ việc quản lý, theo dõi quá trình triển khai thực hiện các chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất theo NQ 11 của Chính phủ bảo đảm kịp thời, liên tục, chính xác, an toàn. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức để truyền thông sâu rộng chính sách cho các cơ quan, đơn vị và toàn dân được biết.

Những đối tượng hưởng lợi từ NQ 11 bao gồm: Người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. Thời gian hỗ trợ chủ yếu thực hiện trong 2 năm (2022-2023); một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Ngay sau khi cho phép giải ngân các chính sách tín dụng theo NQ 11, NHCSXH tập trung giải ngân, kết quả dư nợ đến 16/11/2023 đạt 903.437 triệu đồng, với 8.043 món vay, đạt 86,35% kế hoạch tăng trưởng.

Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, NHCSXH tỉnh Nguyễn Hồng Phong cho biết: Ngày 02/11/2023 Chính phủ ban hành NQ 181 về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH theo NQ 11, theo đó NHCSXH Chi nhánh tỉnh Quảng Bình được phân giao bổ sung 220 tỷ đồng chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Chi nhánh đã tích cực đôn đốc, chỉ đạo giải ngân nhanh đến đối tượng thụ hưởng, kết quả đến ngày 16/11/2023 doanh số giải ngân theo NQ 181 toàn chi nhánh NHCSXH đạt 101,6 tỷ đồng cho 1.703 người lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, bình quân 60 triệu đồng/lao động.

Anh Nguyễn Hoàng Hải đang chăm sóc, cải tạo rừng keo của gia đình được đầu tư từ vốn vay tín dụng của NHCSXH

Được biết, việc phân giao bổ sung nguồn vốn theo NQ 181 là do nhu cầu vay vốn người dân từ 4/5 chương trình của NQ 11 thấp. Cụ thể, nguồn vốn của 4 chương trình: Nhà ở xã hội; hỗ trợ học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non tiểu học ngoài công lập; cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được chuyển sang tập trung cho chương trình hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm. Khách hàng tham gia vay vốn với điều kiện chưa có việc làm ổn định, không tham gia BHXH.

Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Quảng Ninh Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết: Có được nguồn vốn từ NQ 181, PGD huyện đã nhanh chóng tham mưu văn bản triển khai rà soát nhu cầu thực tế, tiến hành hoàn thiện hồ sơ và giải ngân cho trên 600 khách hàng với số tiền 27 tỷ đồng từ chương trình cho vay GQVL. Với nguồn vốn bổ sung này sẽ góp phần giúp cho nhiều lao động chưa có việc làm ổn định có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để giải quyết, duy trì và mở rộng sản xuất, đầu tư và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện.

Có thể thấy rằng, việc ban hành NQ 181 là một chính sách hợp lý, kịp thời, cần thiết, sát thực tế; góp phần tạo cơ hội thoát nghèo bền vững cho hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh.

Theo thông tin từ NHCSXH Chi nhánh tỉnh Quảng Bình, dự ước đến 30/11/2023, chi nhánh sẽ giải ngân 220/220 tỷ đồng, với 3.683 lao động được vay vốn, hoàn thành 100% kế hoạch được giao. 
Bài và ảnh: Ngọc Hiền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực