“Hội, đoàn thể - cầu nối đưa vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo”

Thứ sáu, 29/09/2017 19:13
(ĐCSVN) – Ngày 27/9 tại Hà Nội, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hội, đoàn thể - cầu nối đưa vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo”.
Quang cảnh buổi Tọa đàm (Ảnh: T.T)

Hoạt động này nhằm trao đổi, thu nhận ý kiến đại biểu quốc hội (ĐBQH), chuyên gia, nhà quản lý, cử tri về hiệu quả hoạt động của công tác nhận ủy thác tín dụng chính sách qua các hội, đoàn thể; khẳng định vị trí cần thiết của các hội, đoàn thể trong đời sống xã hội ngay từ cơ sở với tín dụng chính sách xã hội. Từ đó, đưa ra các giải pháp giúp nâng cao vai trò của các hội, đoàn thể trong việc chung tay cùng hộ nghèo, đối tượng chính sách quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi.

Các khách mời tham gia Tọa đàm gồm: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý; Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân TW Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng; Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Dương Quang Huy; Phó Trưởng Ban Kinh tế TW Hội CCB Việt Nam Hoàng Tùng Lâm và Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế TW Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Thu Hà.

Tín dụng chính sách ủy thác qua hội, đoàn thể - Nối dài kênh dẫn vốn

Trong chặng đường dài phát triển lớn mạnh của NHCSXH 15 năm qua, các thế hệ cán bộ NHCSXH đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác chuyên môn của mình, từ đó đáp ứng được niềm tin của Đảng, nhân dân gửi gắm.

Đồng hành với NHCSXH những năm qua là các hội, đoàn thể uy tín, luôn gắn bó mật thiết với cơ sở bằng trách nhiệm chính trị rất cao, tràn đầy nhiệt huyết. Các tổ chức đoàn thể là cầu nối nguồn vốn chính sách đến với người nghèo, kiểm soát đồng vốn, hỗ trợ đồng hành để đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, có thể bảo toàn và góp phần giúp các hộ nghèo thoát nghèo, làm giàu.

Tại Tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý cho biết, đối với NHCSXH, việc cần thiết phải kết hợp với các hội, đoàn thể để ủy thác dòng vốn vay chính sách xã hội do xuất phát từ yêu cầu để tạo nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay nhằm cải thiện cuộc sống, giảm nghèo, tạo việc làm. Việc này được giao cho NHCSXH thực hiện theo phương châm “cho cần câu hơn cho con cá”. Vốn tín dụng chính sách qua NHCSXH được yêu cầu phải đúng đối tượng, đúng địa chỉ. Hơn nữa, NHCSXH phải sử dụng vốn có hiệu quả, biết quay vòng, bảo toàn vốn. Còn Chính phủ thực hiện việc giám sát. Đối tượng là người dân nên phải thực hiện dân chủ, công khai, xã hội hóa và đảm bảo nguồn vốn phát triển bền vững, bảo toàn.

Khi nghiên cứu lại đối tượng thụ hưởng là người nghèo và các đối tượng chính sách, gần như 70% - 80% là hội viên nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh. Do đó, các nhà hoạch định chính sách thấy rằng, nếu các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào trong truyền tải tín dụng chính sách này sẽ đạt được các yêu cầu vừa là cầu nối, vừa thực hiện được giám sát, phản biện xã hội cũng như xã hội hóa. Đây cũng là lý do khiến cho Chính phủ ban hành chính sách huy động 4 tổ chức trên vào cuộc.

Thực tế, 15 năm hoạt động đã chứng minh quyết sách trên là hoàn toàn đúng. Hiện nay, NHCSXH có tới 98,5% khách hàng vay vốn thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội. Gần như vốn tín dụng chính sách đến đúng tuyệt đối đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt tỷ lệ bảo toàn nguồn vốn rất cao. Hiện nay, hoạt động NHCSXH đối với tổ chức hội, đoàn thể ngày càng hoàn thiện.

Trong khi đó, theo Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Nguyễn Xuân Thắng, những kết quả đạt được của hoạt động tín dụng chính sách trong 15 năm qua đã khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ. Đối với hoạt động tín dụng chính sách và thông qua hoạt động của NHCSXH cùng với sự huy động của các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên vào cuộc vừa qua là sự chỉ đạo đúng hướng, rất chính xác, kịp thời, sát với đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội. Năm 2002, sau 7 năm thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo, Chính phủ ban hành Nghị định số 78, trong đó quy định việc cho vay của NHCSXH thực hiện theo phương thức ủy thác cho các tổ chức tín dụng, cho các tổ chức chính trị - xã hội theo hợp đồng ủy thác hoặc trực tiếp cho người vay. Năm 2014, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội cho thấy, chính sách nhất quán của Đảng và sự chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ đối với chính sách tín dụng chính sách.

Với 31,4 triệu lượt hộ nghèo được vay, trên 4,5 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo... 4 tổ chức đoàn thể nhận ủy thác đã gắn chặt đồng hành với NHCSXH trong suốt thời gian qua. Riêng Hội Nông dân, đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn... khoảng hơn 300 nghìn người. Một năm thực hiện vài chục nghìn cuộc kiểm tra, giám sát đối với các tổ, hội vay. Đến nay, chỉ còn 1,7% tổ yếu. Ủy thác qua Hội Nông dân nợ quá hạn từ 4,11% năm 2004 đến tháng 8.2017 chỉ còn 0,39%. Đây thực sự là kết quả tốt.

Còn theo Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế TW Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Thu Hà, Hội LHPN Việt Nam đã có rất nhiều vai trò tích cực trong việc trở thành cầu nối, đưa tín dụng chính sách đến với người nghèo. Hội LHPN Việt Nam cũng xác định đây cũng là yếu tố phát huy chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức chính trị, xã hội, trong đó có Hội Phụ nữ đã bảo đảm được sự tập hợp đoàn kết giữa các đoàn thể, lực lượng quần chúng để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao.

Trong nhiệm kỳ Đại hội Phụ nữ lần thứ 10, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện Đề án 295 hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm. Rất nhiều chị em đã tham gia vay từ nguồn vốn của NHCSXH để phát triển kinh tế, đồng thời tham mưu với cấp ủy ở địa phương để bình chọn, bình xét danh sách các đối tượng đủ điều kiện vay vốn với ngân hàng, góp phần thực hiện chính sách chương trình nông thôn mới ở các tỉnh, địa phương. Đặc biệt, 15 năm qua, Hội cũng đã đồng hành với cán bộ ngân hàng trong công tác quản lý nguồn vốn để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về thủ tục, quy trình, kể cả lập dự án giúp cho các hội viên vay được vốn và vận động thành viên tiết kiệm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá, không chỉ là cầu nối, chính các hội là dây dẫn chuyền từ vốn của NHCSXH đến với các hội viên, thành viên của mình. Đây là địa chỉ tin cậy giúp các hội viên sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất. Các tổ chức này định hướng hội viên vay vốn biết cách quản lý đồng vốn cũng như tìm ra cách thức làm ăn hiệu quả. Nói tóm lại, họ đã giúp giải quyết 3 vấn đề: vay làm gì, làm như thế nào, quản lý làm sao cho hiệu quả. Hiện nay, nợ quá hạn của NHCSXH khi cho người nghèo vay rất thấp so với các Ngân hàng thương mại. Đây là điểm sáng cho vay vốn để giải quyết việc làm. Có thể nói, NHCSXH là đơn vị duy nhất hoạt động theo cơ chế hành chính nhưng đạt hiệu quả rất tốt.

Phó Trưởng Ban Kinh tế TW Hội CCB Việt Nam Hoàng Tùng Lâm cho hay, trong quá trình làm, CCB luôn luôn phối hợp rất tốt với các hội, đoàn thể, bởi trong các tổ luôn có các thành viên của các hội khác. Hai nữa là phối hợp thật chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền sơ sở từ tổ dân phố, thôn, đến chính quyền các cấp. Đặc biệt vai trò nòng cốt của NHCSXH là người hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo quản lý, nghiệp vụ chuyên sâu. Để làm tốt, CCB có một cách đơn giản và tuyên truyền là “Phải làm 3 đúng”: cho vay đúng đối tượng; sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; trả nợ, trả lãi đúng cam kết với ngân hàng.

Còn theo Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Dương Quang Huy, nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ giúp đỡ mà còn còn nâng cao đời sống tinh thần của đoàn viên thanh niên thời gian qua. 15 năm qua, đã tạo được lớp thanh niên tâm trong, trí vững. Đặc biệt, tinh thần lập thân, lập nghiệp vượt qua khó khăn trong thanh niên được đẩy mạnh trong thời gian qua. Khi thanh niên có cơ hội phát triển kinh tế - xã hội tốt, họ sẽ có tác động rất lớn đến tổ chức Đoàn. Mỗi năm, đều đưa ra chỉ tiêu cho mỗi tỉnh đoàn, thành đoàn, quận đoàn, huyện đoàn để giúp đỡ bà con vay vốn.

Cơ hội mới, thách thức mới cho giảm nghèo bền vững

 

Niềm vui phấn khởi thu hoạch của người nông dân từ vụ mùa có hỗ trợ của vốn tín dụng chính sách (Ảnh: P.V)

Bên cạnh những kết quả đạt được, nguồn vốn tín dụng cũng đứng trước nhiều thách thức. Có thể thấy, khó khăn hiện nay của chương trình tín dụng chính sách ủy thác qua các hội, đoàn thể là năng lực quản lý nguồn vốn tín dụng của các Tổ tiết kiệm và vay vốn chưa cao, một số xã chưa kết hợp với hội, đoàn thể thực hiện kiểm tra sau khi cho vay dẫn đến tình trạng lãi tồn đọng và nợ quá hạn tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả và tạo nguồn vốn quay vòng để tiếp tục cho vay đối tượng chính sách khó khăn có nhu cầu. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn cần chương trình cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo để sao giải quyết căn cơ, vững vàng, giảm thiểu tỷ lệ tái nghèo...

Hoạt động nhận ủy thác tín dụng chính sách đối với hội, đoàn thể là nhiệm vụ, là cơ sở pháp lý khẳng định chức năng của cán bộ hội, đoàn thể. Việc quản lý đối tượng vay vốn cũng dễ dàng hơn, bởi cán bộ hội, đoàn thể nắm rõ tên tuổi từng hội viên, hoàn cảnh gia đình, mục đích vay vốn... giám sát tình hình sử dụng vốn thông qua sinh hoạt hội, đoàn thể hàng tháng, hoặc qua việc thăm hỏi, động viên nhau. Tuy nhiên, hoạt động của các hội, đoàn thể còn không ít khó khăn, thách thức.

Theo Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Trần Thị Thu Hà, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn rất khó khăn, LHPNVN chỉ đạo đồng bộ các giải pháp gồm: đào tạo nghề phải gắn với việc làm, đào tạo nghề phải xây dựng các mô hình tập hợp chị em đến với nhau, cùng tác động, giúp đỡ lẫn nhau, trong tổ nhóm đó có cả các chị em thuộc đối tượng giàu, trung bình và nghèo. Còn Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Nguyễn Xuân Thắng kiến nghị, hộ cận nghèo vay vốn chủ yếu là vùng nông thôn khó khăn, sản xuất nông, lâm nghiệp. Đối tượng này phụ thuộc nhiều vào thời tiết thiên tai. Trong khi đó, biến đổi khí hậu rất phức tạp khốc liệt, không còn thuận lợi, ngoài ra còn dịch bệnh... Sản xuất các hộ này lại lạc hậu, manh mún, yếu thế. Đất nước thì đang hội nhập sâu mạnh vào kinh tế khu vực và thế giới, có nghĩa là có cạnh tranh về sản xuất hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm nên những hộ này cạnh tranh rất khó. Hội nhập thì đối tượng ảnh hưởng nhất là sản xuất nông nghiệp, lực lượng bị ảnh hưởng là nông dân, đối tượng bị ảnh hưởng mạnh mẽ, yếu thế nhất là người nông dân nghèo. Những cuộc khủng hoảng về giá nông sản, được mùa mất giá... Hơn nữa, đối tượng này còn yếu thế nữa là thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm... tác động đến việc sử dụng đồng vốn này.

Đồng tình với khó khăn, thách thức, Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Dương Quang Huy cho biết, Đoàn Thanh niên cũng có nhiều khó khăn trong việc quản lý sử dụng, cũng như giúp đỡ vay vốn cho bà con nông dân của đoàn viên thanh niên: luân chuyển cán bộ đoàn trẻ nên ảnh hưởng quản lý chung nguồn vốn; đô thị hóa các vùng nông thôn làm giảm diện tích canh tác cũng như việc ô nhiễm môi trường ...

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý đề xuất, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ nhận ủy thác tín dụng chính sách, trên cơ sở những việc Chính phủ đã ban hành, hội, đoàn thể ngoài việc làm hết trách nhiệm được giao còn phải làm vai trò phản biện chính sách.

Hành trình của nguồn vốn tín dụng ưu đãi vì an sinh xã hội ở nước ta đã trải qua 15 năm hoạt động, với thành tựu mà như các ĐBQH nhận xét là một “điểm sáng” trong hệ thống chính sách giảm nghèo ở Việt Nam. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH về cơ bản, khác với các loại hình tín dụng của Ngân hàng thương mại là không có tính cạnh tranh, không phải thế chấp tài sản, cho nên, nó có ý nghĩa lớn trong công tác an sinh. Cũng vì thế, việc thực hiện ủy thác nguồn vốn qua các hội, đoàn thể không chỉ thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, mà còn huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Với việc thực hiện chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cho vay, các hội, đoàn thể đã thành lập được nhiều Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động rất hiệu quả, từ đó, chất lượng tín dụng ủy thác thông qua các tổ chức này ngày càng được nâng lên, công tác giảm nghèo bền vững ở hội viên cũng đạt hiệu quả cao...

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực