Dự Hội nghị có đồng chí Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu; đồng chí Dương Quyết Thắng - Ủy viên HĐQT NHCSXH, Tổng Giám đốc; đồng chí Nguyễn Văn Lý và Hoàng Minh Tế - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH; đồng chí Đoàn Đức Long - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu; đồng chí Trần Hữu Chí - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu.
Tham dự Hội nghị còn có Lãnh đạo UBND các huyện, xã, NHCSXH các huyện của tỉnh Lai Châu và các hộ vay vốn.
Một số kết quả của công tác tín dụng với đồng bào DTTS tại Lai Châu
Chủ trì hội nghị (Ảnh: P.V)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An cho biết, nằm trong nhóm tỉnh khó khăn nhất cả nước, Lai Châu có đất rộng nhưng địa hình đồi núi, chỉ có 5.000ha đất trồng trọt được, còn lại là núi đá. Kinh tế của Lai Châu cũng còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, có 62 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn.
Nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có chính sách đối với đồng bào DTTS, trong những năm qua UBND tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH Lai Châu trong quá trình hoạt động; chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tỉnh trong công tác triển khai các chương trình tín dụng.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 44,87% năm 2007 xuống còn 29,68% năm 2017.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Ngọc An, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đối với người DTTS còn tồn tại không ít những hạn chế, khó khăn cả về điều kiện chủ quan lẫn khách quan. Do đó, Hội nghị này ngoài việc tổng kết, đánh giá kết quả các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS qua 10 năm thực hiện hiệu quả, tác động của tín dụng chính sách xã hội đến mục tiêu giảm nghèo; an ninh, chính trị; xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, cũng cần nêu lên những khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, hạn chế qua 10 năm thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội đối với người đồng bào DTTS, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục trong giai đoạn tiếp theo.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH kiêm Giám đốc chi nhánh tỉnh Lai Châu Hoàng Minh Tế cho biết, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến 31/3/2018 đạt 1.803.912 triệu đồng, tăng 1.757.977 triệu đồng so với thời điểm nhận bàn giao (45.935 triệu đồng); 48.874 hộ vay, tăng 42.905 hộ vay so với thời điểm nhận bàn giao với 62.563 món vay còn dư nợ, trong đó số hộ DTTS đang vay trong các chương trình tín dụng còn dư nợ là 44.977, chiếm 92% số hộ vay vốn; số món vay là 56.131, chiếm 89,7%/tổng số món vay; Với tổng dư nợ hộ đồng bào DTTS là 1.582.887 triệu đồng, chiếm 87,7% tổng dư nợ các chương trình trên địa bàn.
Nguồn vốn từ tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình nói chung và hộ đồng bào DTTS nói riêng; giải quyết những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và giúp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số dần nâng cao chất lượng cuộc sống; Giúp cho đồng bào DTTS nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, là thông qua sử dụng vốn tín dụng ưu đãi đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Tham luận tại Hội nghị, ông Mùa A Trừ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu khẳng định: Thông qua sử dụng vốn vay hiệu quả đã từng bước nâng cao đời sống vật chất tin thần của hộ viên nông dân, từ đó thực hiện tốt quy định việc nộp lãi, trả gốc vốn vay, giảm tỷ lệ nợ khó đòi. Đa số hội viên nông dân được vay vốn đã phát huy tinh thần cần cù lao động, tích cực học hỏi ứng dụng KHKT vào sản xuất, từ đó đã thoát nnghèo và đi lên làm giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Ông Đồng Văn Liệt - Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, cho biết, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình cho vay của NHCSXH đã đạt được những hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đặc biệt là bảo đảm an sinh xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, giúp đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Hộ vay vốn Lý A Phùa, bản Ka Sin Chải, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ tham luận tại Hội nghị (Ảnh: P.V)
Ông Lý A Phùa - Hộ vay vốn ở bản Ka Sin, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ: Nhờ vào vốn vay của NHCSXH, hiện nay gia đình tôi đã có 2 con trâu, 8 con dê và trên 50 con gia cầm. Gia đình có cuộc sống ấm no hơn, con cái có điều kiện đến trường học tập và tôi tin tưởng rằng gia đình tôi sẽ thoát nghèo trong thời gian tới. “Có được cuộc sống như vậy theo tôi, nhờ sự có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là NHCSXH trong quá trình truyền tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các gia đình tại bản chúng tôi” – ông Phùa tâm sự.
Ông Lê Sơn Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc khẳng định, có thể thấy, để đạt tỷ lệ hộ nghèo thì có thể Lai Châu đang ở vị trí thứ nhất vì ít có tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo tới 4% mỗi năm. Đó là thành tích chung của cả hệ thống chính trị của tỉnh Lai Châu. Công tác dân tộc cũng luôn song hành cùng với các tỉnh, các cấp, các ngành và ở Lai Châu đã khẳng định minh chứng rõ nét nhất.
Mỗi vùng miền có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nhưng nhìn chung là NHCSXH đóng vai trò quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Chính sách dân tộc đầu tư cho miền núi là đầu tư cho phát triển, trong công tác dân tộc thì xóa đói, giảm nghèo phải đi trước. Bên cạnh nguốn vốn ưu đãi cần phải hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, lồng ghép chuyển giao KHKT, có nhóm hộ, hợp tác xã, liên kết thị trường. Có như vậy mới hiệu quả sẽ tốt hơn.
Để hoạt động tín dụng chính sách đối với dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy hiệu quả
Ủy ban Dân tộc sẽ rà soát các quỹ còn dư để trình Chính phủ chuyển sang NHCSXH và mong muốn NHCSXH tiếp tục bổ sung nguồn cho vay đối với các hộ đồng bào DTTS.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: P.V)
Ghi nhận và đánh giá cao việc nỗ lực triển khai tín dụng chính sách trong 15 năm qua của tỉnh Lai Châu, trong đó có hộ đồng bào DTTS, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng nhấn mạnh: Để hoạt động tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy hiệu quả và giúp NHCSXH hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình, cần:
Một là, đề nghị Ủy ban Dân tộc, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện duy trì nguồn vốn nhà nước đầu tư cho tín dụng chính sách và chuyển cho NHCSXH kịp thời, để NHCSXH có điều kiện chủ động trong việc triển khai cho vay theo chương trình của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành liên quan rà soát xây dựng các chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách tín dụng đặc thù cho vùng, địa phương để ưu tiên, khuyến khích đồng bào định canh, định cư tại chỗ, vừa giúp cho việc phát triển kinh tế bền vững và vừa giữ gìn bản sắc dân tộc... phù hợp với thực tiễn để NHCSXH có thể làm tốt nhiệm vụ được giao.
Hai là, các cấp ủy, chính quyền các địa phương (trong đó có tỉnh Lai Châu) tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Ba là, đề nghị cơ quan Dân tộc, các Sở, ngành tại tỉnh Lai Châu tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng, triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, đẩy mạnh chương trình khuyến nông, hỗ trợ xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, mô hình kinh tế hộ, mô hình sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo dễ tiếp cận và tham gia, đồng thời kết hợp với chính sách tín dụng ưu đãi để giúp người nghèo thoát nghèo nhanh, bền vững, nâng cao hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi.