Hơn 2 triệu hộ và 44.200 tỷ đồng hỗ trợ hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn qua tín dụng chính sách

Thứ hai, 06/03/2017 19:42

(ĐCSVN) - Hơn 10 năm qua, chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn do Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng triệu lượt hộ vay tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn theo hướng sản xuất gắn với thị trường, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân một cách bền vững.

 

Những năm qua, chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn do NHCSXH thực hiện đã giúp cho các hộ gia đình tại vùng khó khăn được vay vốn để phát triển kinh doanh, cải thiện cuộc sống (Ảnh: PV)

 

Một chặng đường 10 năm

Đối tượng vay vốn của chương trình là các hộ gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự (bao gồm cả hộ gia đình làm kinh tế trang trại) không thuộc diện hộ nghèo thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Có thể thấy, đối tượng vay vốn của chương trình này là các hộ không thuộc diện hộ nghèo, nhẽ ra là khách hàng của các Ngân hàng Thương mại. Tuy nhiên, hiện nay các Ngân hàng Thương mại hầu như không có chi nhánh tại các vùng khó khăn hoặc nếu có cũng chỉ ở các thị trấn huyện trong khi bình quân khoảng cách từ thị trấn huyện đến các xã ở vùng khó khăn khoảng 30-50 km. Khi các hộ sản xuất kinh doanh muốn đến giao dịch với ngân hàng phải mất rất nhiều thời gian và chi phí đi lại, nhất là khi có sai sót về hồ sơ thì càng thêm vất vả. Chính vì vậy, NHCSXH với mạng lưới trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 Điểm giao dịch xã đã được Chính phủ giao nhiệm vụ cho vay đối tượng này.

Mức vay đối với một hộ tối đa là 50 triệu đồng. Trong một số trường hợp cụ thể, mức vay vốn của một hộ có thể trên 50 triệu đồng, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng.

Hiện nay, lãi suất của chương trình là 0,75%/tháng (9%/ năm).

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, chương trình đã giúp cho các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn có thêm nguồn vốn để đầu tư kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế, xã hội tại địa phương. Tính đến hết 28/2/2017, đã có hơn 2.030.000 lượt hộ được vay vốn, doanh số cho vay qua các năm của chương trình đạt trên 44.200 tỷ đồng, dư nợ đến thời điểm hiện tại đạt hơn 16.400 tỷ đồng với hơn 640.000 hộ đang còn dư nợ, trong đó tỷ lệ nợ quá hạn chỉ có 0,35%. Theo thống kê từ các địa phương, dự kiến từ nay đến năm 2020 nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn cần thêm ít nhất khoảng 6.600 tỷ.

Những mô hình điểm từ vốn vay của chương trình

Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn mang lại cho các hộ gia đình tại vùng khó khăn cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu, cải thiện kinh tế gia đình trên chính mảnh đất quê hương. Nhiều mô hình làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi này như các mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương... đã ra đời, góp phần lớn giúp thay đổi cuộc sống của không ít hộ gia đình vùng kinh tế khó khăn.

Không những vậy, nhiều gia đình, nhờ vào nguồn tín dụng ưu đãi này, đã vươn lên làm giàu thành công, không chỉ nâng cao đời sống kinh tế của bản thân và gia đình mà còn đóng một phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng và địa phương. Điều này đã phần nào giúp thay đổi diện mạo của những vùng khó khăn ngày một hiện đại hơn, tươi sáng hơn. Có thể kể đến mô hình của gia đình chị Hoàng Thị Sức ở thôn Tân Thành, xã Bảng Hành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã được cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định 31/2007/QĐ-TTg, từ năm 2008 với số tiền 30 triệu đồng để đầu tư mua 2 con trâu sinh sản. Sau 3 năm chăm sóc, trâu sinh sản, gia đình chị bán nghé và hoàn đủ tiền gốc cho ngân hàng. Đến năm 2014, chị Sức quyết định tiếp tục vay vốn NHCSXH, vẫn chương trình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 30 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi lợn và được vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để cải tạo công trình vệ sinh nhằm đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Cuộc sống khấm khá dần, con cái được học hành đầy đủ, niềm vui của chị xuất phát từ sự nỗ lực của bản thân và nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ đắc lực, kịp thời.

Hay đối với hộ bà Đỗ Thị Nghị ở thôn Minh Tường, xã Kim Ngọc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang việc đi hàng chục cây số để tiếp cận với ngân hàng thương mại ở phố huyện thật nan giải. Năm 2014, bà Nghị đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để đầu tư trồng 1ha cây keo. Mọi thủ tục vay vốn và nhận nợ đều được thực hiện ngay tại UBND xã thuận tiện cho những hộ dân vùng khó khăn như gia đình bà. Đến nay, cây đang phát triển tốt và hứa hẹn sau khi thu hoạch bà sẽ trả được tiền gốc cho ngân và dư giả để cải thiện cuộc sống cũng như lo cho con cái học đại học. Thành công của những gia đình như chị Sức, bà Nghị đã khuyến khích những hộ sản xuất mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, làm giầu ngay trên quê hương.

Nâng cao hiệu quả chương trình

Nhìn chung, thời gian qua chương trình cho vay Hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn do NHCSXH thực hiện đã đạt được những hiệu quả rõ rệt. Chương trình đã cho vay đúng đối tượng, hộ vay được cả Ngân hàng và cộng đồng cùng giám sát nên đã sử dụng đúng mục đích, hoàn trả vốn vay đúng kỳ hạn. Nhờ được tiếp cận vốn ngay tại xã tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí giao dịch kết hợp với sự đầu tư cơ sở hạ tầng của nhà nước đã giúp cho người vay sử dụng hiệu quả nguồn vốn,  góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tại vùng khó khăn một cách bền vững.

Thông qua những hoạt động cho vay, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội kiểm tra giám sát đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả sử dụng vốn theo đúng mục tiêu chương trình đặt ra. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi giao dịch lưu động tại xã, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ vay được tiếp cận vốn vay nhanh chóng.

Có thể thấy rằng, trong những năm qua, chương trình cho vay Hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn đã làm tốt vai trò là động lực, cầu nối hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình tại vùng khó khăn, tạo bộ mặt nông thôn nơi đây có nhiều thay đổi, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, giải quyết lượng lớn lao động tại địa phương, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện.

 

Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được thực hiện theo Quyết định 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; Quyết định 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn và Quyết định 12/2016/QĐ-TTg ngày 11/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 và Quyết định 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực