(ĐCSVN) - Thời gian qua, chương trình cho vay Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn do Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong cả nước.
Hình ảnh minh họa hiệu quả của chương trình (Ảnh: PV)
Thống kê ban đầu cho thấy, những năm qua, chương trình cho vay Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn do NHCSXH thực hiện đã giúp cho hơn 32.000 thương nhân được vay vốn để phát triển kinh doanh.
Những kết quả ban đầu
Chương trình cho vay Thương nhân vùng khó khăn được thực hiện theo Quyết định 92/2009/QĐ-TTg và mới đây là Quyết định 307/QĐ-TTg ngày 26/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức cho vay đối với chương trình.
Theo Quyết định số 307, từ ngày 15/3/2016, thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế được nâng hạn mức vay tối đa từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng. Việc nâng hạn mức vay đã giúp cho các thương nhân hoạt động tại vùng khó khăn có thêm nguồn vốn để đầu tư kinh doanh, khơi dậy tiềm năng về phát triển kinh tế của vùng, góp phần ổn định kinh tế, xã hội tại địa phương.
Sau hơn 5 năm thực hiện, tính đến hết 30/6/2016, doanh số cho vay của chương trình đạt hơn 1.036 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt gần 800 tỷ đồng với hơn 32 nghìn lượt khách hàng vay vốn. Hiện có hơn 7,4 nghìn khách hàng đang còn dư nợ, với tổng dư nợ gần 250 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh số cho vay của chương trình đạt gần 58 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 70 tỷ đồng với 1.491 lượt khách hàng vay vốn.
Xuất hiện các mô hình điểm từ vốn vay của chương trình
Khác với miền xuôi và những vùng kinh tế phát triển, khu vực miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc rất ít chợ. Có những phiên chợ chỉ họp một lần một tuần. Do vậy, hàng hóa giao lưu thương mại bị bó hẹp, kinh tế chậm phát triển, điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bà con nơi đây.
Thương nhân ở vùng sâu, vùng xa có vai trò quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa tiêu dùng, tiêu thụ nông sản cho bà con, thúc đẩy phát triển thương mại. Do đó, chương trình cho vay Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn đã giúp cho số lượng và quy mô của các thương nhân hoạt động thương mại tại khu vực này tăng lên; góp phần cải thiện, hình thành hệ thống phân phối hàng hoá, như các chợ đầu mối, chợ, cửa hàng bách hoá, cửa hiệu tạp hoá, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của đồng bào các dân tộc miền núi, vùng khó khăn, giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng được cải thiện.
Là một trong những khách hàng được vay vốn từ chương trình Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, anh Lò Văn Chưởng, bản Tam, xã Chiềng Đen (Sơn La) đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ NHCSXH để đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế. Gia đình anh Chưởng vốn có thâm niên thu mua nông sản từ rất lâu ở xã Chiềng Đen. Tuy nhiên, trước đây do ít vốn nên gia đình cũng chỉ mới “quay vòng” theo kiểu mua đi bán lại nông sản theo từng mùa vụ. Năm 2010, anh được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn từ chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La, cộng với số tiền tiết kiệm của gia đình, anh mạnh dạn đầu tư sân phơi và lò sấy nông sản. Có lò sấy, sân phơi, anh Chưởng mua được ngô, sắn tươi vào thời điểm giá thấp nhất và sấy khô trữ lại bán dần cho các doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc khi có giá cao. Để có được nguồn nông sản ổn định, anh Chưởng huy động thêm vốn đầu tư phân bón, ngô giống cho nông dân trong vùng, sau đó mua lại sản phẩm. Với cách làm như vậy, hàng năm đến mùa vụ, gia đình anh Chưởng đã thu mua được gần 700 tấn nông sản gồm ngô, sắn, cà phê.
Anh Chưởng tâm sự: “Khi chưa có lò sấy và sân phơi thì việc thu mua nông sản rất cầm chừng do không bảo quản được; khi được vay 100 triệu đồng từ NHCSXH, tôi cứ đắn đo mãi có nên đầu tư xây lò, làm sân phơi hay không vì ý tưởng thì có, nhưng dù sao đây là vốn vay, lỡ làm bị thất bại thì gay lắm. Được cán bộ NHCSXH động viên mấy lần mới dám triển khai và thu được kết quả rất tốt như ngày hôm nay”.
Không chỉ ở Sơn La, một mô hình điểm nữa mà chúng tôi có dịp đến thăm là gia đình chị Phạm Thị Phòng ở thôn Lim, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình chị là từ cửa hàng tạp hóa. “Quê tôi chủ yếu đất đồi, diện tích gieo cấy lúa ít nên tất cả trông vào quán nhỏ này. Nhà tôi lúc ấy khó khăn lắm vì phải nuôi 5 con ăn học nên thu nhập chỉ bảo đảm sinh hoạt hàng ngày chứ làm giàu thì khó vì không có vốn quay vòng” - chị Phòng tâm sự. Năm 2009, gia đình chị đã được NHCSXH huyện Lục Ngạn cho vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn. Từ nguồn vốn này, một phần chị đầu tư nâng cấp cửa hàng, số còn lại dùng để mua thêm hàng hóa kinh doanh. Cuộc sống của gia đình chị Phòng khấm khá lên từng ngày. Nhận thấy quê mình thời gian qua thường xuyên mất điện sinh hoạt, ngoài các mặt hàng truyền thống, chị còn nhập các loại quạt tích điện, đèn chiếu sáng tiết kiệm điện phục vụ bà con. Vào mùa vải thiều, cửa hàng này còn là nơi cung ứng thùng xốp, đầu mối thu mua vải thiều cho các thương nhân ngoài tỉnh. Cứ như vậy, gia đình chị mở rộng quy mô kinh doanh. Hiện tại, mỗi ngày cửa hàng của chị cung cấp ra thị trường hàng điện tử, đồ gia dụng trị giá 3 - 5 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi vài trăm nghìn đồng. Đây là mức thu nhập cao so với người dân của một xã miền núi.
Nâng cao hiệu quả chương trình
Nhìn chung, thời gian qua chương trình cho vay Thương nhân hoạt động thương mại vùng khó khăn do NHCSXH thực hiện đã đạt được những hiệu quả rõ rệt. Chương trình đã cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hoàn trả vốn vay đúng kỳ hạn, vốn được quay nhiều vòng. Nhờ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay đã góp phần tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế hàng hóa ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn ngày càng phát triển.
Thông qua những hoạt động cho vay, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội kiểm tra giám sát đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả sử dụng vốn theo đúng mục tiêu chương trình đặt ra. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi giao dịch lưu động tại xã, tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân được tiếp cận vốn vay nhanh chóng.
Có thể thấy rằng, trong những năm qua, chương trình cho vay Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn đã làm tốt vai trò là động lực, cầu nối hỗ trợ vốn phát triển thương mại cho các xã miền núi khó khăn, tạo bộ mặt nông thôn nơi đây có nhiều thay đổi, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, giải quyết lượng lớn lao động tại địa phương, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn là việc sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho vay phát triển thương mại ở địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc. |