Kết quả đáng ghi nhận từ năm đầu thực hiện Chỉ thị 40-CT/TƯ về tín dụng chính sách
Thứ tư, 13/01/2016 15:40 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Sau hơn một năm thực hiện, Chỉ thị của Ban Bí thư đã thu được những kết quả bước đầu, tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) hoàn thành các nhiệm vụ của mình.
Nhờ quán triệt Chỉ thị 40, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã được tăng cường rõ rệt. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đoàn thể các cấp cũng đã chú trọng hơn đối với việc chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt với NHCSXH trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; thực hiện công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; tăng cường kiểm tra giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; phối hợp thực hiện đối chiếu, phân tích nợ vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội …
NHCSXH phục vụ hộ vay vốn tại điểm giao dịch xã (Ảnh: PV)
Về tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách, mặc dù có nhiều khó khăn về kinh tế trong năm 2015 nhưng Chính phủ và các Bộ, ngành vẫn ưu tiên dành nguồn vốn để bổ sung cho tín dụng chính sách. Kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng được tăng từ 6,5% lên mức 10%, kịp thời đáp ứng các nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng dành hỗ trợ NHCSXH về trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc và ủy thác nguồn vốn cho vay với tổng giá trị hơn 1.042 tỷ đồng, trong đó, bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay trên 1.003 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để tăng cường hoạt động tín dụng chính sách, Nhà nước cũng đã bổ sung thêm 4 chương trình tín dụng mới trong năm 2015. Đó là các chương trình: Hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/NĐ-CP của Chính phủ; Bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị định số 75/NĐ-CP của Chính phủ; Cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ; và Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (giai đoạn 2) theo Quyết định số 33/2015/QĐ- TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015). Đây sẽ là một sự thay đổi rất căn bản trong việc xác định các hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở để NHCSXH thực hiện cho vay ưu đãi.
Về nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH, tổng nguồn vốn hoạt động đạt 147.131 tỷ đồng, tăng 10.381 tỷ đồng so với năm 2014; tổng dư nợ 142.528 tỷ đồng, tăng 13.072 tỷ đồng (+10,1%) so với năm 2014. Tỷ lệ nợ quá hạn giảm xuống còn 0,33%. Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép triển khai việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện trên phạm vi toàn quốc để nâng cao năng lực điều hành hoạt động cho NHCSXH.
Cán bộ NHCSXH thăm mô hình sản xuất kinh doanh của hộ vay (Ảnh: PV)
Tuy nhiên, cho đến nay, một số địa phương còn triển khai thực hiện Chỉ thị chậm, chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, chưa có các biện pháp cụ thể và tích cực để cải thiện chất lượng tín dụng. Có địa phương đang chờ cơ chế, chính sách, kế hoạch cụ thể theo chỉ đạo tại Chỉ thị.
Thời gian tới, NHCSXH tiếp tục chỉ đạo hệ thống triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW theo kế hoạch đã đề ra và tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ban, ngành trong việc triển khai thực hiện tốt Chỉ thị. NHCSXH đề xuất Ban Cán sự Đảng Chính phủ sớm ban hành Kế hoạch, hướng dẫn các cấp, các ngành triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư; đồng thời chỉ đạo các cơ quan Trung ương có thẩm quyền xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để thực hiện thống nhất trong cả nước nhằm nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội. NHCSXH cũng đề nghị tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm hơn nữa đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội về nguồn vốn, kiện toàn Ban đại diện HĐQT và nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể địa phương, cơ sở trong việc thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác./.
Lê Anh