(ĐCSVN) - Sau 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được những kết quả vượt bậc. Giám đốc Trương Công Lân đã chia sẻ với chúng tôi những kinh nghiệm trong việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ.
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết chi nhánh đã tích cực triển khai Chỉ thị 40 của Ban Bí thư như thế nào để nâng cao chất và lượng của tín dụng chính sách trên địa bàn?
Ông Trương Công Lân, Giám đốc NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh: TN)
Giám đốc Trương Công Lân: Ngay sau khi có Chỉ thị 40, NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành văn bản về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 40. NHCSXH cấp huyện cũng đã xây dựng Kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của đơn vị mình và tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền có văn bản chỉ đạo cơ sở thực hiện.
Chi nhánh đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành văn bản số 1351/CV-TU ngày 25/5/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản số 2567/UBND-XH ngày 28/5/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 40; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 14/5/2016 triển khai Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư. Tiếp đó, NHCSXH cấp huyện đều có văn bản tham mưu cho thành ủy, thị ủy, huyện ủy và UBND cấp huyện có văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Để nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền cơ sở đối với tín dụng chính sách xã hội, ngày 24/6/2015, NHCSXH tỉnh có văn bản chỉ đạo bổ sung thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện là Chủ tịch UBND cấp xã. Kết quả đến nay đã có 100% Chủ tịch UBND cấp xã là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện.
Chi nhánh cũng đã tham mưu cho Ban đại diện HĐQT tỉnh xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm và thực hiện công tác xây dựng, phân bổ kế hoạch vốn đến từng huyện, xã trình Trưởng Ban đại diện HĐQT các cấp phê duyệt, trên cơ sở nhu cầu vốn và tình hình thực tế về tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động thiếu việc làm... của từng địa bàn.
Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, những quy định của ngành liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách được NHCSXH từ tỉnh đến huyện đặc biệt quan tâm. NHCSXH tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động tại 152 Điểm giao dịch xã đặt tại trụ sở UBND cấp xã trong toàn tỉnh. Tại các Điểm giao dịch xã đều niêm yết công khai chính sách tín dụng ưu đãi, quy trình thủ tục cho vay, lãi suất tiền vay, tiền gửi, danh sách hộ vay còn dư nợ... để nhân dân, chính quyền địa phương được biết và giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Gia đình ông Hoàng Quốc Sinh, người dân tộc Cơ Tu ở xã Hương Sơn, huyện miền núi Nam Đông đã đầu tư vào nuôi ếch mang lại thu nhập cao cho gia đình (Ảnh:TN)
Chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thường xuyên quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hộ vay hiểu rõ và thực hiện đúng các chính sách vay vốn ưu đãi thông qua các cuộc họp, niêm yết văn bản, thông báo trên hệ thống đài phát thanh, truyền hình, báo chí, tạp chí, bảng tin của các hội, đoàn thể, thông qua các buổi họp, sinh hoạt chi hội, tổ hội, sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn... NHCSXH phối hợp với chính quyền địa phương, Ban giảm nghèo cấp xã và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, Trưởng thôn, bản để thực hiện quy trình phân bổ vốn và bình xét đối tượng vay vốn một cách công khai, minh bạch.
PV: Kết quả đến nay đã đạt được cụ thể như thế nào, thưa ông?
Giám đốc Trương Công Lân: Hoạt động của chi nhánh đã có những chuyển biến tích cực mang tính đột phá trong hoạt động tín dụng, tăng trưởng tín dụng đạt tỷ lệ cao so với những năm trước đây, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên, góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Hiện nay, chi nhánh đang thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ tính đến ngày 21/11/2016 là 2.100 tỷ đồng, với trên 95.000 hộ còn dư nợ, dư nợ bình quân là gần 22 triệu đồng/hộ, tỷ lệ nợ quá hạn đã giảm xuống còn 0,15%. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 4.556 hộ thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 5,06%; đã có 1.275 lao động được tạo việc làm mới; hàng nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; cũng như hàng nghìn hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tiếp tục đầu tư sản xuất, tránh tình trạng tái nghèo, có cơ hội vươn lên... Mỗi năm có trên 10.000 lượt hộ được vay vốn đầu tư xây dựng mới và cải tạo trên 20.000 công trình cung cấp nước sạch và công trình vệ sinh, nâng tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch tăng từ 55% năm 2011 lên khoảng 75% năm 2015, cao hơn tỷ lệ chung của cả nước.
Vay được vốn ưu đãi tại NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế, gia đình ông Hoàng Quốc Sinh, người dân tộc Cơ Tu ở xã Hương Sơn, huyện miền núi Nam Đông đã đầu tư vào nuôi ếch, mang lại thu nhập cao cho gia đình
Có thể nói, tín dụng chính sách thông qua NHCSXH đã đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, có tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực và là một trong những “Điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách đã xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua NHCSXH và các hội, đoàn thể với người nghèo và các đối tượng chính sách. Thông qua nguồn vốn ưu đãi đã góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại địa phương, xây dựng tình đoàn kết, trách nhiệm, gắn bó trong cộng đồng dân cư, phát huy sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội thông qua hoạt động ủy thác, đồng thời góp phần tích cực cùng toàn tỉnh trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, phát huy dân chủ ở cơ sở và góp phần không nhỏ trong việc ổn định, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, củng cố hơn nữa lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Hiệu quả của tín dụng chính sách được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, thể hiện qua việc ủy thác nguồn vốn để NHCSXH cho vay. Trong năm 2016, ngân sách địa phương đã chuyển sang NHCSXH để cho vay là 11,32 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh chuyển 6 tỷ đồng và tất cả các huyện, thị, thành phố đều chuyển nguồn vốn kịp thời. Đặc biệt là huyện Phú Vang có 3 đơn vị hành chính cấp xã cũng trích ngân sách ủy thác cho NHCSXH để cho các đối tượng vay vốn là xã Phú Thanh 50 triệu đồng, thị trấn Thuận An 50 triệu đồng và xã Phú Xuân 70 triệu đồng.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể đối với tín dụng chính sách đã được nâng lên, quan tâm hơn đến chất lượng tín dụng ủy thác, thường xuyên phối hợp với NHCSXH để trao đổi thông tin, vướng mắc trong xử lý thu hồi nợ, kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nay có tổng số Tổ tiết kiệm và vay vốn là 2.660 tổ, trong đó xếp loại Tốt là 2.458 tổ, chiếm tỷ lệ 92,40%; Khá là 201 tổ, chiếm tỷ lệ 7,56%; Trung bình là 01 tổ, chiếm tỷ lệ 0,04%. Đặc biệt là không có tổ Yếu.
PV: Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp chi nhánh sẽ triển khai trong thời gian tới để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động?
Giám đốc Trương Công Lân: Có được kết quả trên là nhờ đơn vị đã tranh thủ được sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn và chỉ đạo, quan tâm đến công tác đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, quá hạn.
Chúng tôi cũng phối hợp tốt với các tổ chức nhận ủy thác thực hiện tốt một số nội dung công việc ủy thác, chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp với NHCSXH tăng cường công tác đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn. Thực hiện tốt công tác củng cố, kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổ chức phân tích, làm rõ các nguyên nhân dẫn đến các tồn tại yếu kém ở một số tổ để tiếp tục củng cố, kiện toàn, tập huấn lại nghiệp vụ hoặc thay thế Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Phát huy tối đa nội lực của cán bộ ngân hàng, rà soát, đánh giá lại khả năng, năng lực, sở trường của từng cán bộ để sắp xếp, bố trí công việc hợp lý, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Để tiếp tục thực hiện tốt các chương trình cho vay theo chỉ định của Chính phủ phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến năm 2020, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch nhiệm vụ giao, chi nhánh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận uỷ thác đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến người dân về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách và cả những nội dung, thủ tục, quy trình cho vay vốn của các chương trình tín dụng chính sách xã hội, trách nhiệm, nghĩa vụ “trả lãi, trả nợ” của hộ vay khi đến hạn. Trong công tác tuyên truyền cần nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, hội, đoàn thể và các cơ quan liên quan gắn với Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tăng cường công tác kiểm tra sử dụng vốn sau khi cho vay, đảm bảo vốn vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn vay của các chương trình cho vay từ nguồn vốn cân đối của Trung ương, nguồn vốn ủy thác tại địa phương, không để đọng vốn; Thực hiện tốt công tác kiểm tra về nghiệp vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo chương trình và đề cương kiểm tra đã được duyệt. Tăng cường phối hợp với các cấp hội, đoàn thể trong việc tổ chức kiểm tra, đối chiếu nợ vay đối với Tổ tiết kiệm và vay vốn và hộ vay vốn còn dư nợ.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, chất lượng hoạt động ủy thác; đề ra các biện pháp thích hợp để xử lý cương quyết các cá nhân xâm tiêu, chiếm dụng vốn, các hộ nợ quá hạn có khả năng trả nợ nhưng có tình chây ỳ, ỷ lại, đặc biệt là đối với các đối tượng vay vốn là cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ đảng viên để làm gương cho quần chúng nhân dân, nhằm góp phần cải thiện và làm trong sạch môi trường tín dụng chính sách.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội thông qua hoạt động ủy thác vốn vay tín dụng chính sách với NHCSXH. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng nhằm động viên các tập thể và cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có sơ, tổng kết, đánh giá và tuyên dương khen thưởng kịp thời.
PV: Xin cảm ơn ông!