Không để sinh viên phải bỏ học vì học phí

Thứ sáu, 13/11/2015 17:07

(ĐCSVN) - Sau 8 năm triển khai thực hiện, chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh sinh viên (HSSV) theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần giúp hàng triệu HSSV nghèo đến trường. Tuy nhiên, cần có những điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình tăng mức học phí và chỉ số giá tiêu dùng.

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có thêm động lực giúp con em mình tham gia học tập, nhiều HSSV không phải bỏ học giữa chừng vì lý do kinh tế, góp phần bổ sung lực lượng cho đội ngũ trí thức và lao động có tay nghề cho xã hội.

 

 Nguồn hỗ trợ tín dụng HSSV là kênh trợ giúp hiệu quả hàng triệu lượt HSSV nghèo cả nước (Ảnh: PV)

Đến nay, sau 8 năm triển khai thực hiện, tổng dư nợ chương trình đạt 24.937 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,1% trong tổng dư nợ của NHCSXH. Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần giúp cho gần 3,3 triệu lượt HSSV được vay vốn, thời điểm cao nhất (năm 2012) có 2,1 triệu hộ gia đình vay vốn cho 2,3 triệu HSSV theo học.

Kết quả đạt được khẳng định chính sách tín dụng đối với HSSV là một chinh sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội. Điều đó khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ về tín dụng đối với HSSV là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

Tuy nhiên, mới đây, theo lộ trình tăng học phí đã được Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí. Theo mức trần học phí được quy định tại Nghị định thì bình quân học phí có thể tăng thêm hơn 10%, trong đó có những ngành học sẽ phải chi trả mức học phí lên tới gần 45 triệu đồng/năm/sinh viên. Trước đó, một số trường đại học, cao đẳng đã tăng mức học phí ngay từ đầu năm học 2015 - 2016.

Việc tăng học phí đồng nghĩa tăng thêm gánh nặng đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp, nhất là gia đình ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trên thực tế, nhiều gia đình không có khả năng chi trả mức học phí này. Qua khảo sát tại một số thành phố, tính riêng trong năm học 2011 - 2015, chi phí học tập của một sinh viên khoảng 3-3,5 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm chi phí sinh hoạt, ăn ở, với mức cho vay vốn ưu đãi hiện nay là 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV mới chỉ đáp ứng được khoảng 37% nhu cầu chi phí học tập của mỗi em. Nếu không có các chính sách hỗ trợ kịp thời, hệ quả sẽ là khoảng cách ngày càng nới rộng giữa các nhóm thu nhập khác nhau, tạo ra bất ổn xã hội.

Nhân dịp Tết cổ truyền Ất Mùi 2015, khi đến thăm, chúc Tết NHCSXH, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị NHNN, NHCSXH tập trung rà soát đối tượng để tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá; trong đó, HSSV có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục là đối tượng được ưu tiên vay vốn, xem xét có thể tăng mức cho vay đối với HSSV (đang là 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV).

Trên cơ sở đánh giá chính sách tăng học phí của Chính phủ, sự biến động của giá cả sinh hoạt, cử tri trong cả nước kiến nghị Chính phủ điều chỉnh nâng mức cho vay đối với HSSV lên cho phù hợp thực tế khoảng 1,5 triệu đồng/tháng/HSSV, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho các em có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực