|
NHCSXH chi nhánh tỉnh Kiên Giang họp trực tuyến toàn hệ thống (Ảnh: PV) |
Nhờ tín dụng chính sách ưu đãi hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, địa phương đã từng bước lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, giải quyết lao động, việc làm và những vấn đề xã hội khác.
Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế ban hành tháng 1/2022, ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, xã hội trở lại tình trạng bình thường mới, đã được các địa phương và ban ngành cả nước, trong đó có tỉnh Kiên Giang và chi nhánh NHCSXH trên địa bàn tận cùng phía Tây Nam tích cực triển khai thực hiện.
Ông Đoàn Công Thiệt, Phó giám đốc phụ trách chi nhánh NHCSXH Kiên Giang cho biết: Bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương, NHCSXH tỉnh từ hội sở đến các phường giao dịch đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể chú trọng rà soát nhu cầu vốn trong nhân dân, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
|
Giải ngân tín dụng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 11 tại điểm giao dịch xã (Ảnh: PV) |
Song song đó, công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, mục tiêu, ý nghĩa và các quy định của chính sách cho vay ưu đãi theo nghị quyết số 11/2022 của chính phủ để người dân nắm bắt, đăng ký vay vốn và các thôn ấp, khu phố tổ chức bình xét đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Theo số liệu tổng hợp của NHCSXH Chi nhánh Kiên Giang, tổng nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi theo nghị quyết 11 trong năm 2022 trên toàn địa bàn là 261,3 tỷ đồng của 5 chương trình cho vay gồm 120 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm, 123,3 tỷ đồng cho vay xây dựng, mua nhà ở xã hội; cho vay chương trình học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến là 10 tỷ đồng, cho vay người dân tộc thiểu số miền núi 5 tỷ đồng và 3 tỷ đồng cho vay các cơ sở giáo dục mầm non tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng chống dịch. Để đồng vốn ưu đãi của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11 về kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH Kiên Giang đã khẩn trương giải ngân ngay từ đầu năm.
|
Trao tận tay hộ dân nhận tín dụng chính sách hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh COVID-19 |
Tính đến 21/6/2022, gần 90 tỷ đồng cho hơn 1.200 khách hàng vay vốn, trong đó nhiều nhất là cho vay giải quyết việc làm là 82.6 tỷ đồng. Kế đến là 2 chương trình cho vay xây dựng mua nhà ở xã hội, cho vay học sinh sinh viên mua máy tính thiết bị học tập trực tuyến, mỗi chương trình xấp xỉ 1,5 tỷ đồng… Đó là trường hợp ông Phạm Văn Yên, ngụ ấp Bình Thành, xã Vĩnh Binh Nam, đã sử dụng 70 triệu đồng vốn ưu đãi ngay sau ngày NHCSXH huyện Vĩnh Thuận giải ngân theo Nghị quyết 11 của Chính phủ để chăn nuôi bò. Hay như nhà ông Danh Phương, người dân tộc Khmer ở xã Minh Hòa, huyện Châu Thành thời gian qua bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên việc làm lúc có, lúc không, thu nhập rất bấp bênh. Cùng với đó, con cái đông nhưng lại không có máy tính để cho con theo học trực tuyến. May mắn gia định ông đã nhận hỗ trợ cho những gia đình khó khăn được vay tiền ưu đãi để mua máy tính, thiết bị học tập cho học sinh với trị giá 20 triệu đồng, các cháu có trong nhà đã có điều kiện học hành.
|
Cán bộ tín dụng chính sách Kiên Giang thăm mô hình vay vốn chăn nuôi lợn hiệu quả của hộ nghèo trên địa bàn (Ảnh: PV) |
Song song với việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn theo Nghị quyết 11/NQ-CP, Chi nhánh NHCSX Kiên Giang tiếp tục thực hiện tốt các chương trình cho vay thường xuyên, nâng tổng dư nợ sau gần 20 năm hoạt động lên 4.379 tỷ đồng, tăng 280 tỷ đồng so với năm 2021, với 150.478 khách hàng còn dư nợ.
Có thể thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thiên tai xâm nhập mặn, NHCSXH Chi nhánh Kiên Giang đã chủ động tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, bán sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương, tập trung huy động được nguồn lực lớn và chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, trở thành trụ cột trong chương trình giảm nghèo, bảo đảm an ninh xã hội bền vững./.