|
Kiên Giang: hát huy sức mạnh toàn xã hội thực hiện hiệu quả nguồn vốn chính sách (Ảnh: Phượng Quyên) |
Mô hình tổ chức của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn hiện nay gồm bộ máy quản trị là Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, cấp huyện; bộ máy điều hành, tác nghiệp của chi nhánh.
Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phương thức cho vay chủ yếu trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh bám sát Văn bản liên tịch chỉ đạo các đơn vị nhận ủy thác cấp huyện, xã thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp thực hiện tốt các nội dung công việc trong quy trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tính đến ngày 31/8/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua bốn tổ chức chính trị- xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) đạt 4.433 tỷ đồng, với 150.530 khách hàng đang dư nợ, chiếm tỷ trọng 99,54% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội, để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tổng nguồn vốn đến ngày 31/8/2022, đạt hơn 4.468 tỷ đồng, tăng hơn 4.377 tỷ đồng so với năm 2002, tăng hơn 48 lần so với thời điểm nhận bàn giao, bình quân mỗi năm tăng gần 219 tỷ đồng.
Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, đơn vị đã tập trung giải ngân cho 922.111 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt gần 12.331 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt gần 7.859 tỷ đồng.
Đến 31/8, tổng dư nợ đạt trên 4.453 tỷ đồng, tăng 4.373 tỷ đồng, gấp 54,38 lần so với dư nợ khi thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là gần 219%, số hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang dư nợ là 150.703 hộ, dư nợ bình quân đạt 29,55 triệu đồng/khách hàng.
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, giúp cho trên 922 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất. Từ đó, góp phần giúp cho trên 89 nghìn hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho trên 158 nghìn lao động; hỗ trợ trên 2 nghìn người lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng trên 252 nghìn công trình vệ sinh và nước sạch. Đồng thời, hỗ trợ trên 60 nghìn em học sinh, sinh viên được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng...
Các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo đã được triển khai thực hiện tốt góp phần tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách ngày càng được phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố, nâng cao. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời.
Các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo đã được triển khai thực hiện tốt, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, cụ thể: Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,84% xuống còn 3,58% (tỷ lệ giảm 5,26% so với đầu giai đoạn). Số hộ nghèo giảm trong giai đoạn 20.106 hộ; giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,78% xuống còn 1,91% (tỷ lệ giảm 7,87% so với đầu giai đoạn). Số hộ nghèo giảm trong giai đoạn 32.412 hộ.
Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong 20 năm qua đã khẳng định rằng “NHCSXH là công cụ của các cấp chính quyền trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn”. Các chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ được Chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang triển khai, thực hiện hiệu quả, đã góp phần giảm dần tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm; hỗ trợ giải quyết các nhu cầu thiết yếu của ng¬ười dân trong sinh hoạt đời sống như nhà ở, điện nước, vệ sinh môi trường, học hành, giải quyết việc làm.. góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Điều này cũng khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương và nhu cầu của người dân; được nhân dân đồng tình ủng hộ, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.