(ĐCSVN) - Hiện là Giám đốc NHCSXH huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), Phạm Mạnh Hà đã gắn bó với NHCSXH tỉnh từ những ngày đầu mới thành lập. Những ngày đầu mới đi vào hoạt động có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhưng anh đã không ngần ngại cống hiến sức trẻ, hăng say với những sáng kiến ứng dụng trong công việc, luôn là một cán bộ mẫu mực, nỗ lực đưa tín dụng ưu đãi đến người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
|
Bằng lòng nhiệt huyết, yêu nghề của tuổi trẻ, tinh thần trách nhiệm trong công việc, anh Phạm Mạnh Hà đã đưa hoạt động của đơn vị đi lên, góp phần giúp nhiều hộ dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững (Ảnh: Lăng Bích) |
Sinh năm 1980, đến với NHCSXH từ năm 2004, chỉ sau một năm công tác, năm 2005, anh được giao giữ chức vụ Phó Trưởng Phòng Hành chính tổ chức. Làm công tác tổ chức đến năm 2009, anh nhận nhiệm vụ Phó giám đốc NHCSXH huyện Hữu Lũng, nơi anh sinh ra và lớn lên. Công tác tại đây được một năm thì anh được luận chuyển tới nhận nhiệm vụ tại huyện Lộc Bình và là Giám đốc NHCSXH huyện Lộc Bình từ tháng 10/2011. Ở mỗi cương vị công tác, anh đã luôn vượt lên khó khăn, hăng say lao động, cống hiến bằng tình yêu nghề cháy bỏng của tuổi trẻ.
Chia sẻ với chúng tôi, người giám đốc trẻ tuổi tâm sự: Những ngày đầu NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đi vào hoạt động còn rất khó khăn, làm công tác tổ chức phải luôn tham mưu chính xác cho lãnh đạo thì mới phân công tốt trong công tác, thực hiện nhiệm vụ mới đạt hiệu quả cao. Rồi nhận cương vị lãnh đạo NHCSXH huyện, tôi xác định càng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn, vừa tham mưu tốt, vừa phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cấp xã và các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác vốn. Phương châm của tôi là lãnh đạo nhưng không xa rời cơ sở, phải thường xuyên đi cơ sở để nắm bắt tình hình, giải quyết những vướng mắc, khó khăn và quan trọng là lắng nghe trực tiếp các ý kiến, thắc mắc, khó khăn… của người vay vốn. Từ đó, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu hoạt động thiết thực; tham mưu kịp thời, sát sao cho Ban đại diện NHCSXH huyện về thực hiện nhiệm vụ.
Khi mới nhận nhiệm vụ tại NHCSXH huyện Lộc Bình, anh không khỏi băn khoăn, lo lắng. Địa bàn huyện rất rộng, 29 xã, thị trấn, trong đó có nhiều xã vùng III, đường giao thông đi lại khó khăn, cách trở như Tam Gia, Tĩnh Bắc, Mẫu Sơn, Vân Mộng… Những ngày mưa thì có thể nói là hoạt động giao dịch không đúng giờ vì người dân không thể đến. Cộng vào đó, nhận thức của người dân không đồng đều, chưa hiểu biết về chính sách vốn ưu đãi, chưa mạnh dạn, ít kinh nghiệm làm kinh tế. Mặt khác, các tổ chức hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động chưa hiệu quả… Thời điểm này, NHCSXH huyện Lộc Bình nằm trong tốp hoạt động yếu của tỉnh: tăng trưởng dư nợ ít, tỷ lệ thu lãi thấp, nợ quá hạn cao… Trăn trở trước khó khăn này, anh đã mạnh dạn đặt mục tiêu phấn đấu đưa đơn vị phát triển lên hàng khá tốt của tỉnh. Và việc làm đầu tiên, anh đã tham mưu ngay với cấp uỷ, chính quyền địa phương để chỉ đạo các xã, thị trấn, các tổ chức hội, đoàn thể vào cuộc, quan tâm tạo điều kiện cho NHCSXH huyện hoạt động. Một mặt chủ động phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể định kì tổ chức cuộc họp giao ban, duy trì tốt chế độ thông tin hai chiều. Từ xúc tiến tốt công tác phối hợp, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách vốn, củng cố hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn.
Từ năm 2011 đến nay, NHCSXH huyện Lộc Bình tăng cường kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ: thường xuyên rà soát, đánh giá tổ, tập huấn, hướng dẫn bằng cách cầm tay chỉ việc… Qua đó, dần nâng cao tinh thần trách nhiệm cũng như năng lực hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, tuyên truyền, phổ biến kịp thời về các chương trình vốn, nhất là khi có sự thay đổi về mức vay, thời hạn vay, chương trình mới… Cũng qua đó, những khó khăn, hạn chế trong hoạt động được khắc phục nhanh chóng, công tác kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm được thực hiện hiệu quả.
Song song với giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc đưa các chương trình tín dụng đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong suốt những năm qua, Phạm Mạnh Hà còn có không ít cống hiến, sáng tạo trong công tác quản lý, lãnh đạo. Trong đó phải kể đến, sáng kiến giải pháp quản lý văn bản trên máy tính và tính phí uỷ thác (năm 2012); sáng kiến về một số biện pháp nhằm tiết giảm chi phí quản lý (năm 2013); sáng kiến về ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin tín dụng trong công tác quản lý tín dụng (năm 2014)... Các sáng kiến này được ứng dụng đã khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý. Công tác quản lý văn bản của lãnh đạo tại phòng giao dịch nhanh chóng, kịp thời hơn, lưu trữ văn bản đảm bảo, tra cứu văn bản thuận tiện; một số biện pháp tiết giảm chi phí đã tạo được phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác cấp phát, quản lý và sử dụng văn phòng phẩm đi vào nề nếp; việc tính phí uỷ thác chính xác hơn về mặt số liệu, giảm được nhiều thời gian, công sức của cán bộ kế toán…
Bằng lòng nhiệt huyết, yêu nghề của tuổi trẻ và trên hết là tinh thần trách nhiệm với các chương trình vốn mang tính nhân văn sâu sắc, nhằm giúp người dân có việc làm, có thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững, anh Phạm Mạnh Hà đã đưa NHCSXH huyện Lộc Bình hoạt động đi lên, có hiệu quả. Từ năm 2011 đến nay, dư nợ tăng trưởng đều qua các năm, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất thấp. Nếu như năm 2010, tổng dư nợ mới chỉ đạt 103,150 tỷ đồng, nợ quá hạn 0,59% thì đến năm 2014, tổng dư nợ tăng lên 216,661 tỷ đồng, nợ xấu giảm 0,27% tổng dư nợ, tỷ lệ thu lãi đạt từ 99% trở lên, thu tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ đạt 4,169 tỷ đồng, đạt 113% chỉ tiêu giao, với 100% tổ có số dư tiết kiệm.
Từ những kết quả này, năm 2014, Phòng giao dịch đạt tiêu chuẩn phòng giao dịch kiểu mẫu, nằm trong tốp hoạt động mạnh của chi nhánh tỉnh Lạng Sơn. Bản thân anh vinh dự được tặng nhiều danh hiệu thi đua: chiến sỹ thi đua cơ sở liên tiếp 3 năm, được UBND tỉnh tặng bằng khen năm 2012 - 2013, UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong 10 năm hoạt động, là chiến sỹ thi đua của ngành ngân hàng và được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tặng bằng khen. Anh xứng đáng là một tấm gương trẻ tiêu biểu yêu nghề và cống hiến.