Năm 2015, Ngân hàng chính sách xã hội tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giảm nghèo và việc làm

Thứ sáu, 16/01/2015 14:33

(ĐCSVN) – Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Nguyễn Văn Lý khẳng định: Phát huy kết quả tích cực trong công tác năm 2014, năm 2015, hệ thống sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ giảm nghèo và việc làm.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong năm 2014 của NHCSXH?

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lý: Đến thời điểm này, có thể khẳng định NHCSXH đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu tín dụng chính sách được Chính phủ giao.

 

 Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lý (Ảnh: PV)


Thứ nhất
, chúng tôi đã hoàn thành 100% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chính sách được Thủ tướng Chính phủ giao, cụ thể, tăng trưởng 7.100 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 6,5%. Tổ chức thu nợ tốt để tạo nguồn cho vay mới, thu nợ được 31.700 tỷ đồng, tăng 20% so với 2013, trong đó hộ nghèo 12.000 tỷ, học sinh sinh viên (HSSV) 8.600 tỷ.

Riêng đối với chương trình tín dụng HSSV, không chỉ riêng Ngân hàng chúng tôi mà cả xã hội, cả người thực thi và người thụ hưởng đều khá trăn trở. Tuy nhiên, năm 2014, NHCSXH đã thực hiện thu nợ chương trình này rất tốt. Trong đó, khoảng 30% là thu nợ trước hạn. Với nguồn tăng trưởng và nguồn thu nợ tốt, NHCSXH đã có nguồn cho vay trong năm vừa qua đạt 39.700 tỷ, là nguồn cho vay rất lớn.

Chất lượng tín dụng đạt được tốt nhất, từ 6/2014 nợ xấu giảm xuống dưới 1%, hiện nợ xấu còn 0,88%, trong đó nợ quá hạn là 0,41% và nợ khoanh theo chính sách 0,47%, đặc biệt nợ quá hạn giảm gần một nửa so với đầu năm.

Thứ hai, đã làm tốt công tác nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn được giao NHCSXH huy động, trong đó, NHCSXH đã phát hành 4.700 tỷ đồng. Về cơ bản, nguồn vốn đã đáp ứng được cho tăng trưởng tín dụng.

Thứ ba, đã áp dụng nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ các đối tượng chính sách. NHCSXH đã tập trung thực hiện kỷ cương và nâng cao chất lượng giao dịch xã với hơn 10.900 điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn. Trong năm 2014, chúng tôi đã tổ chức được 160.000 phiên giao dịch phục vụ đối tượng chính sách ngay tại địa bàn sinh sống với doanh số hoạt động trên 76.000 tỷ, đảm bảo chính xác, an toàn và thuận lợi cho nhân dân. Đặc biệt, năm 2014, chúng tôi cũng đã đưa vào vận dụng thành công tin học mới phục vụ ngay tại điểm giao dịch xã. Hiện, chúng tôi đã đưa nghiệp vụ giao dịch đạt chuẩn như giao dịch tại trụ sở NHCSXH. Đây là bước tiến rất lớn và thể hiện độ phục vụ rất cao.

Không những thế, năm 2014, đã có trên 2,1 triệu lượt hộ chính sách được vay vốn, trong đó góp phần cho hơn 400.000 hộ thoát nghèo thu hút, tạo việc làm cho trên 162.000 lao động, có thêm trên 146.000 HSSV vay vốn học tập; xây dựng trên 1,1 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn; trên 8.000 căn nhà vượt lũ...

Có thể nói, năm 2014, hoạt động của NHCSXH đã được Bộ chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao. Theo đó, tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện là 1 giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp thực tiễn Việt Nam, góp phần quan trọng vào thực hiện chủ trương, chính sách, mục tiêu nhiệm vụ Đảng và Nhà nước đề ra về thực hiện giảm nghèo và việc làm. Ngoài ra, năm 2014 cũng ghi nhận sự trưởng thành và phấn đấu liên tục, miệt mài của đội ngũ NHCSXH.

PV: Ông lý giải thế nào về chỉ tiêu nợ quá hạn thấp đối với hệ thống NHCSXH?

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lý: Với nhiệm vụ chủ yếu liên quan tới an sinh xã hội, đối với hệ thống NHCSXH, quyền lợi của người dân được thụ hưởng, người dân vay vốn bị rủi ro, thậm chí do năng lực quản lý vốn thấp, năng suất thấp cũng được lưu ý. Thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách khuyến khích của Chính phủ, hệ thống NHCSXH được phép xử lý rủi ro và tiếp tục cho vay vốn để thoát nghèo bền vững. Do đó, trong chỉ tiêu nợ quá hạn thấp có hàm ý đó là năng lực phục vụ cho người dân được thụ hưởng chính sách này. Những năm trước thiên tai địch họa, hỏa hoạn rủi ro khách quan xử lý không kịp, các cơ quan đoàn thể, hệ thống xã hội hóa của ngân hàng xử lý không kịp cho dân. Lần này, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ xử lý kịp thời.

Thứ hai, nợ quá hạn thấp thể hiện sự quay vòng vốn tốt, để cho NHCSXH phục vụ nhiều đối tượng hơn và hoạt động bền vững. Trong gần 11.150 đơn vị cấp xã, phường, chúng tôi đã có trên 15% số xã không có nợ quá hạn, nhiều huyện không có nợ quá hạn. Nhiều tỉnh nợ quá hạn chỉ 0.01%, do đó chỉ tiêu nợ quá hạn của NHCSXH thấp phản ánh trình độ thụ hưởng của người dân với chính sách, trình độ hoạt động của các tổ chức đòan thể xã hội, cũng như ngân hàng về phục vụ nhân dân. Năm 2015 này, NHCSXH chúng tôi phấn đấu giữ vững dưới 0.5% nợ quá hạn.

PV: Đối với Chỉ thị 40 mà Ban Bí thư mới ban hành về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, hệ thống NHCSXH đã xây dựng kế hoạch thực hiện như thế nào, thưa ông?

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lý: Chỉ thị 40 đã được Ban Bí thư ban hành vào ngày 22/11/2014. Chỉ thị này có tầm tác động lâu dài cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, hội đoàn thể các cấp và người thụ hưởng, cũng như NHCSXH phải từng bước nâng cao chất lượng để tín dụng chính sách tiếp tục là một giải pháp quan trọng trong giảm nghèo bền vững, phát triển an sinh xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội. Dự kiến, trong năm 2015, NHCSXH tham mưu cho Hội đồng quản trị (HĐQT), triển khai ngay, đảm bảo tinh thần Chỉ thị được thực hiện tại từng thôn, từng Tổ tiết kiệm và vay vốn và đi ngay vào cuộc sống.

Hiện nay, tại thôn có Trưởng chi bộ, Trưởng thôn, có 4 hội, đòan thể chính trị - xã hội, NHCSXH, Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nếu đưa được Chỉ thị xuống đó là sự thắng lợi nhất. Và có đưa được xuống đó thì Chỉ thị này mới thực sự khẳng định đi vào cuộc sống triệt để. Đó là sợi chỉ đỏ, căn cơ để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình được giao.

HĐQT, Ban giám đốc NHCSXH cũng đã và đang chủ động đề xuất, xây dựng kế hoạch để tham mưu cho cấp ủy thực hiện, làm sao để chỉ đạo tập trung nguồn vốn chính sách về một đầu mối. Theo tôi, để thực hiện được việc này, phải làm từng bước. Hiện nay, ở cấp Chính phủ, cơ bản đã thực hiện xong. Trong cơ cấu lại nền kinh tế đất nước, nước ta đã thực hiện tốt cơ cấu kinh tế, tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại. Đối với NHCSXH, sau 12 năm hoạt động đã đạt được những thành quả như đã đề cập ở trên. Hiện nay, tại các địa phương, cấp tỉnh, cấp huyện, nguồn vốn từ ngân sách cho giảm nghèo với đối tượng chính sách cơ bản đã tập trung vào NHCSXH, một số nữa sẽ bàn bạc, thống nhất với các địa phương chuyển sang NHCSXH. Ngoài ra có các nguồn vốn phi Chính phủ khác, các nguồn vốn của các hội đoàn thể khác, các nguồn vốn của các dự án khác... Do đó, cần phải xem xét phù hợp và từng bước để vừa đảm bảo tập trung thống nhất của nguồn vốn này, vừa phát huy được vị trí, vai trò, đặc trung hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể sao cho hài hòa.

PV: Xin ông cho biết, khi muốn tập trung các nguồn vốn vào một đầu mối, đối với các nguồn vốn tổ chức phi Chính phủ, nước ngoài, về phía ngân hàng nói chung và NHCSXH nói riêng, phải có những giải pháp cụ thể nào để giải quyết?

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lý: Về mặt quản lý hành chính, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước tập trung cho NHCSXH, NHCSXH cố gắng làm tốt công tác chính sách để các tổ chức tin tưởng giao vốn, đó là giải pháp duy nhất.

PV: Tới đây, NHCSXH sẽ dự kiến triển khai chương trình nâng mức vay cụ thể không thưa ông?

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lý: Hiện, tất cả các mức cho vay luôn được đặt thế động để tín dụng chính sách phù hợp với thực tế. Đơn cử, như trong năm 2014, chương trình cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo đã được nâng mức cho vay tối đa từ 30 triệu lên 50 triệu đồng; cho vay đồng bào dân tộc khó khăn từ 5 triệu lên 10 triệu đồng. Do đó, trong thời gian tới, chương trình cho vay hỗ trợ làm nhà 167 giai đoạn 2 dự kiến sẽ nâng từ 7 triệu lên 20 - 25 triệu đồng.

PV: Xin cảm ơn ông!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực