Là Ngân hàng đặc thù và là công cụ của Đảng, Nhà nước để triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, trong suốt chặng đường 19 năm xây dựng và phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành kênh tín dụng hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao, nhân dân đồng tình ủng hộ.
|
Ngân hàng Chính sách xã hội luôn kiên định với phương châm “Thấu hiểu lòng dân. Tận tâm phục vụ” (Ảnh: PV) |
Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề 06 năm thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 của Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội đã khẳng định: “Tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, tạo sinh kế, cải thiện thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và cải thiện các chiều thiếu hụt khác, trở thành một trong những trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững”. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2020 về Dự án nghiên cứu hỗ trợ phát triển tài chính toàn diện cho Việt Nam cũng đã đánh giá “Ngân hàng Chính sách xã hội là nhà cung cấp tài chính vi mô hàng đầu tại Việt Nam, hành trình phát triển của Ngân hàng Chính sách xã hội mang lại những kinh nghiệm và bài học quý giá cho các Chính phủ các nước khác”.
Để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW diễn ra vào ngày 15/7/2020 cũng nhấn mạnh: “Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững. Là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ đó giai đoạn 2014 - 2019, số hộ nghèo đã giảm nhanh, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.”
Có được những kết quả và thành tựu đó, ngoài tổng hợp của nhiều yếu tố, việc tăng cường, đẩy mạnh học tập và làm theo lời Bác trên tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đến Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với việc nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng, vị trí, vai trò của việc học Bác đối với công tác xây dựng Đảng một cách toàn diện, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức được xem là nhân tố quan trọng hàng đầu góp phần làm nên hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bác Hồ với ngành Ngân hàng
Ngày 06/5/1951, tại hang Bòng, xã Tân trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Sự kiện trọng đại này đã mở đầu cho quá trình phát triển nền tiền tệ độc lập và hoạt động của Ngân hàng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Trong những cuộc họp, hay trong những lần gặp mặt cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn nhiều điều đối với cán bộ nói chung, cán bộ ngân hàng nói riêng, mà mục đích sâu xa nhất vẫn là mọi hoạt động phải vì dân, phải nâng cao đạo đức cách mạng để phục vụ nhân dân và làm giàu cho đất nước.
Ngay từ thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, Bác đã chỉ rõ: “Ra sức hoạt động để giành lấy nền độc lập cho nước nhà” nhưng cũng “phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Người yêu cầu mọi chính sách về kinh tế tài chính của Chính phủ đều phải nhằm thực hiện lợi ích của nhân dân, lợi ích của kháng chiến, kiến quốc. Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính, ngày 20/02/1952, Bác đã đề cập rất cụ thể: “Cán bộ kinh tế - tài chính phụ trách nhiều tiền của mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên, chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: chí công, vô tư, cần, kiệm, liêm, chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ. Chiến sĩ ta liên tiếp thắng giặc ngoài mặt trận. Tôi mong rằng: Các chú là chiến sĩ kinh tế - tài chính ở hậu phương, cũng cố gắng thi đua sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, vượt mọi khó khǎn, làm cho mặt trận kinh tế - tài chính của ta cũng thắng lợi như mặt trận quân sự”.
Năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa đặt tại Nhà máy Dệt Nam Định trong lần Người đến thăm cán bộ, công nhân Nhà máy Dệt. Trong lúc nói chuyện với 3 cán bộ của Quỹ, Bác đã hỏi xem có bao nhiêu công nhân gửi được tiền tiết kiệm, hỏi xem Bác có 1 hào thì có gửi tiết kiệm được không (vì mức gửi thấp nhất là 1 đồng). Đó chính là ý nghĩa lời dạy của Bác với cán bộ ngân hàng: Ngân hàng Nhà nước ta là ngân hàng của dân, do dân, vì dân, nên trước hết là phải giúp đỡ dân, giúp đỡ người nghèo có vốn, để làm kinh tế; sẵn sàng nhận tiền gửi, dù là một lần nhận gửi với số tiền rất ít.
Tháng 01/1965 trong Thư gửi Hội nghị cán bộ Ngân hàng, Bác cũng đã căn dặn: “Quản lý tiền bạc là một công tác rất quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cán bộ Ngân hàng là người có trách nhiệm giữ tiền cho Nhà nước và nhân dân, phải học tập cách quản lý tiền cho tốt, đừng để lãng phí, mất mát. Một đồng vốn bỏ ra phải bảo đảm tăng thêm của cải cho xã hội, phải luân chuyển nhanh, đừng để đọng. Phải tích cực huy động tiền nhàn rỗi để bỏ vào sản xuất”. “Cán bộ Ngân hàng phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thấu suốt hơn nữa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu học tập lý luận và nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được nhiều và tốt hơn”.
Từ những đức tính, phẩm chất đạo đức mà Bác Hồ đã căn dặn cán bộ ngân hàng, thì cán bộ, công chức, viên chức và lao động trong ngành Ngân hàng cần cụ thể hóa thành những phẩm chất đạo đức, những đức tính cần thiết đối với từng vị trí công tác, trong từng giai đoạn cụ thể, để nêu cao phẩm chất đạo đức trong việc triển khai, xử lý và thực thi công việc.
Trong giai đoạn hiện nay, đạo đức ngân hàng càng được quan tâm vì trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, rủi ro đạo đức là điều luôn thường trực. Nhằm hướng cán bộ, công chức, viên chức và lao động trong ngành Ngân hàng rèn luyện đạo đức, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 973/QĐ-NHNN, ngày 19/5/2006, về Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong chương trình hành động có các quy định cụ thể trong các lĩnh vực: công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các doanh nghiệp trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện minh bạch về tài sản, thu nhập.
|
Bác Hồ là tấm gương để mọi cán bộ ngân hàng chính sách xã hội noi theo (Ảnh: PV) |
Ngân hàng Chính sách xã hội làm theo lời Bác
Làm theo lời Bác dặn, ngày nay, cán bộ, viên chức, người lao động toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội luôn phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, vững vàng về đạo đức, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, để dòng vốn tín dụng chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước vươn xa đến tận tay người nghèo và đối tượng chính sách trên khắp cả nước.
Tại Ngân hàng Chính sách xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên là một tuyên truyền viên, một cán bộ dân vận vận dụng phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Công tác thông tin, tuyên truyền của Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn vừa qua đã đạt được 03 mục tiêu chính.
Thứ nhất, tuyên truyền rộng rãi trong xã hội về các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác dưới nhiều hình thức đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát.
Thứ hai, tuyên truyền đến khách hàng để nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của người nghèo và đối tượng chính sách trong việc tiếp cận và sử dụng các tín dụng chính sách xã hội và các dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thứ ba, góp phần vào việc củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Chính phủ, với các chính sách phát triển kinh tế xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể hóa mục tiêu của Chính phủ “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, sự ủng hộ của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, với phương châm hoạt động “Thấu hiểu lòng dân. Tận tâm phục vụ”, Ngân hàng Chính sách xã hội đã nỗ lực đưa nguồn vốn tín dụng của Chính phủ đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Từ việc nắm bắt tâm tư, nguyên vọng của người dân, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cung cấp các sản phẩm dịch vụ theo hướng “Dân chủ công khai, dịch vụ tại nhà, giải ngân tại xã” thông qua mạng lưới hoạt động khắp cả nước, đến tận các xã, thôn, bản, làng với 63 chi nhánh tỉnh, thành phố, 625 phòng giao dịch cấp huyện, trên 10.000 Điểm giao dịch tại xã/phường và hơn 170.000 Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Hướng tới dịch vụ tại nhà, mạng lưới các Tổ Tiết kiệm và vay vốn không chỉ là kênh hỗ trợ dẫn vốn xuống tận cơ sở, từng hộ dân phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách một cách trực tiếp, tiện lợi nhất mà còn giúp các hộ vay sử dụng vốn hiệu quả, nâng cao ý thức tiết kiệm, tăng cường tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững, đồng thời, giúp Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường năng lực, hiệu quả tại cơ sở.
Đảng bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương đã tập trung lãnh đạo triển khai, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII của Đảng, đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các kỳ sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề của toàn Đảng bộ, hệ thống các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc hàng tháng gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị. Hàng năm, 100% đảng viên cán bộ, đảng viên, làm theo lời Bác với những việc làm cụ thể; định kỳ đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, đề ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đảng viên, quần chúng mà trước hết là các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống đều xác định rõ ý thức, trách nhiệm của mình trong lĩnh vực được phân công phụ trách, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, phát huy vai trò nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Luôn gương mẫu trong đổi mới tác phong, lề lối làm việc cũng như trong công tác; rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; gương mẫu thực hiện nhiệm vụ, ý thức kỷ luật trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt cơ quan và nơi cư trú; gương mẫu tự học tập nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, Đảng bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương đã lãnh đạo tổ chức quán triệt, học tập Nghị quyết và xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng. Qua học tập và thực hiện Nghị quyết, nhận thức của cán bộ, đảng viên được nâng lên, nhận diện sâu sắc hơn về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên đã cam kết và thực hiện tốt việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Một số bài học kinh nghiệm trong quá trình học và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong thời gian tới, Đảng bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Đảng bộ cấp trên, tiếp tục tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị trong cán bộ, đảng viên và người lao động của toàn đơn vị; nâng cao công tác giáo dục, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ. Ngân hàng Chính sách xã hội luôn kiên định với phương châm “Thấu hiểu lòng dân. Tận tâm phục vụ”. Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình hoạt động đã rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Một là, tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, tạo được lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân ngày càng gắn bó, vì vậy mỗi cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội là một tuyên truyền viên, một cán bộ dân vận hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của dân, phục vụ tốt cho dân và quy tụ được lòng dân đối với Đảng, Nhà nước.
Hai là, tập trung huy động được các nguồn lực tài chính, nguồn lực xã hội, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Ba là, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào ở các vùng khó khăn; Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội, khai thác các chỉ tiêu giám sát từ xa đối với các chi nhánh trong toàn hệ thống được thực hiện hàng tháng qua đó chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống nhằm đảm bảo hoạt động minh bạch, công khai, đúng đối tượng, đúng chính sách nhằm củng cố vững chắc niềm tin của dân đối với hoạt động tín dụng chính sách.
Năm là, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Xây dựng con người, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu”. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm, đồng thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay trong học tập và làm theo Bác.
Sáu là, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ ngành Ngân hàng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và sâu rộng hơn nữa. Dựa vào nhân dân và báo chí để tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động ngân hàng; tiếp tục “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.