Ngân hàng Chính sách xã hội - hệ thống dịch vụ gần dân

Thứ tư, 19/10/2016 18:18
(ĐCSVN) - Đó là đánh giá của Quốc hội Khóa XIII tại Báo cáo số 660/BC-UBTVQH13 ngày 19/5/2014 về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005 - 2012”.

Tính đến nay, sau 14 năm kể từ ngày thành lập (4/10/2002 - 4/10/2016), dưới sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan Đảng và chính quyền các cấp, sự ủng hộ của xã hội nói chung và của người nghèo và các đối tượng chính sách khác nói riêng, NHCSXH đã thực hiện tốt những mục tiêu ban đầu đề ra về tập trung nguồn lực lớn, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách; tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại; huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo cũng như góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.

Vốn chính sách trên khắp mọi miền đất nước (Ảnh: PV)

Mạng lưới dịch vụ gần dân

Để đưa đồng vốn chính sách của Chính phủ đến tận tay người nghèo và đối tượng chính sách trên cả nước với chi phí thấp nhất, hiệu quả cao nhất, những năm qua NHCSXH đã xây dựng mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Mạng lưới hoạt động của NHCSXH gồm 63 chi nhánh cấp tỉnh, 629 Phòng giao dịch cấp huyện và gần 11 nghìn điểm giao dịch (hoạt động 1 ngày cố định trong tháng) tại xã/phường/thị trấn trên cả nước. Ngoài ra, hệ thống gần 200 nghìn tổ tiết kiệm và vay vốn do các Hội đoàn thể quản lý tại các thôn xóm, bản làng, đến tận vùng sâu, vùng xa, hải đảo đã giúp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn chính sách của Nhà nước. Có thể khẳng định, hiện tại NHCSXH là tổ chức tín dụng duy nhất đã xây dựng được mạng lưới giao dịch trải khắp cả nước xuống tận các xã, là điều kiện tiên quyết để xoá tình trạng xã trắng về tín dụng của Nhà nước, “tạo được hệ thống dịch vụ gần dân” (theo đánh giá của Quốc hội).

Hoạt động của NHCSXH đã được Đảng, Chính phủ và nhân dân đánh giá cao, ngày 22/11/2014 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội để huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng. Trong buổi làm việc đầu năm 2016 tại NHCSXH, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng) đã ghi nhận, biểu dương những kết quả to lớn, toàn diện, đặc biệt xuất sắc của NHCSXH đã đóng góp tích cực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh, bền vững.

Đóng góp tích cực vào công cuộc giảm nghèo

Những đóng góp của NHCSXH được thể hiện qua những con số hiệu quả ấn tượng về giảm nghèo, an sinh xã hội trên toàn quốc, đặc biệt là tại những khu vực trọng yếu, khó khăn nhất cả nước là Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Tại khu vực Tây Bắc, vốn tín dụng chính sách thực hiện tại vùng trong giai đoạn 2011 - 2015 đã góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 tại vùng Tây Bắc giảm từ 34,58% (cuối năm 2010) xuống còn 14,97% (năm 2015), trong đó, 45 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm từ 57,52% (năm 2010) xuống còn 26% (năm 2015).

Có thể kể đến hộ gia đình Giàng Mí Páo, dân tộc Mông ở thôn Xín Suối Hồ, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ (Hà Giang) là một trong những điển hình hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn NHCSXH. Năm 2008, thông qua Đoàn Thanh niên địa phương, gia đình đã được vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình hộ nghèo của NHCSXH huyện Quản Bạ để đầu tư nuôi bò. Có vốn, anh đã lên tận huyện vùng cao Mèo Vạc để chọn mua giống bò vàng. Bên cạnh đó anh còn trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho bò, đặc biệt chủ động tiêm phòng đầy đủ và theo dõi thường xuyên sức khỏe của đàn bò. Những lứa đầu bò đẻ gia đình Páo để nuôi và chăm sóc nhằm nhân rộng đàn bò, sau đó con bê lớn được bán để lấy tiền tái đầu tư cho đàn bò.

Chỉ trong vòng 4 năm, từ con bò ban đầu đã phát triển thành đàn 4 con. Không dừng lại ở đó, năm 2011 sau khi trả hết nợ cho NHCSXH, Giàng Mí Páo quyết định vay thêm 15 triệu đồng để mua thêm bò và chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để chăn nuôi. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu về 30 triệu đồng. Từ hiệu quả thiết thực đó, nhiều hộ dân trong vùng đã học hỏi làm theo và bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Người dân thực hiện mô hình được anh Páo hỗ trợ về giống cỏ và giúp đỡ về cách chăm sóc khi nuôi bò nhốt vỗ béo. Năm 2015, bán bò đi, anh trả được hết tiền vay NHCSXH và cũng được xét thoát khỏi diện hộ nghèo, đời sống gia đình sung túc hơn trước.

Mô hình chăn nuôi bò của Giàng Mí Páo (Ảnh: PV)

Thoát hẳn nghèo, cuộc sống đầy đủ hơn, Giàng Mí Páo có điều kiện giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nhiều hộ nghèo khác trong vùng thông qua các buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Còn trên khu vực Tây Nguyên, tín dụng chính sách đã và đang góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; đồng thời phát huy được sức mạnh của các tổ chức hội, đoàn thể, củng cố hơn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Hoạt động của NHCSXH tại khu vực đã giúp đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 từ 18,92% năm 2011 giảm còn 11,22% vào cuối năm 2014.

Một trong những hộ đã vươn lên từ nghèo khó với đồng vốn hộ nghèo là gia đình chị Rơ Chăm HĐưng ở buôn Trôk, xã Ia Trôk, huyện Ia Pa (Gia Lai) vốn sống trong cảnh quanh năm thiếu trước hụt sau, đói nghèo đeo bám. Nhà có 5 miệng ăn mà thu nhập chỉ trông chờ vào việc cày thuê cuốc mướn của hai vợ chồng. Năm 2012, chị Rơ Chăm HĐưng mạnh dạn vay vốn từ NHCSXH huyện để nuôi bò và trồng mì. Sau 3 năm, từ một con bò cái ban đầu đã có thêm 2 con bê, cộng với rẫy mì đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, từng bước ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo.

Khu vực Tây Nam Bộ, vốn tín dụng cũng giúp phủ xanh những cánh đồng góp phần cho vay xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người dân, góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 con số xuống còn 4% - 5%. NHCSXH đã phát huy được nguồn lực xã hội, trong đó ủy thác cho vay qua tổ chức hội, đoàn thể là cách làm phù hợp, gắn với thực tiễn của Việt Nam.

Như gia đình anh Tống Thanh Phúc, hội viên nông dân ấp Mỹ Đông 4, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) xuất phát từ một hộ nghèo, nhờ chí thú làm ăn lại được tiếp sức bằng nguồn vốn vay từ NHCSXH đã sớm vươn lên thành hộ khá. Vay 15 triệu đồng hộ nghèo từ NHCSXH trong 3 năm để đầu tư chăn nuôi vịt, đến năm 2014, gia đình anh Phúc đã bước đầu thoát nghèo và tiếp tục được vay 20 triệu đồng vốn hộ cận nghèo để phát triển đàn vịt đẻ trứng. Với việc tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên kết hợp với thức ăn công nghiệp và kinh nghiệm học hỏi trong chăn nuôi, đàn vịt của gia đình anh nhanh chóng nhân số lượng lên đến 700 con, chất lượng trứng được đánh giá cao, đem đến nguồn thu nhập ổn định hàng tháng. Kết hợp cùng việc đan giỏ lục bình kiếm thêm, hộ gia đình anh Phúc đã có một cuộc sống vững vàng hơn, các con anh được tập trung học hành, hàng năm đều đạt học lực khá giỏi.

Gia đình anh Phúc ngày một khá lên nhờ cần cù lao động và được vốn chính sách tiếp sức (Ảnh: PV)

Tính đến tháng 9 năm 2016, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt 157,5 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ  đạt 150,7 nghìn tỷ đồng với gần 6.8 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được củng cố; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,87% tổng dư nợ.

Tiếp tục trên con đường phát triển, phục vụ mục tiêu giảm nghèo

Theo chuẩn nghèo đa chiều mới, tỉ lệ hộ nghèo toàn quốc đã tăng từ dưới 5% năm 2015 lên gần 10% năm 2016, như vậy, số lượng khách hàng tiềm năng của NHCSXH cũng tăng gần gấp đôi, đây là thách thức đối với NHCSXH trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp. Trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm hơn, bổ sung nguồn ngân sách địa phương, ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay; nghiên cứu và áp dụng giải pháp phù hợp để tăng cường huy động tiền gửi tiết kiệm từ các thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn; rà soát các chương trình tín dụng đang triển khai để gom lại, tập trung đầu tư cho vay đem lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; ; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; và tích cực thực hiện hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, vì cộng đồng.

14 năm hoạt động với hơn 20 chương trình cho vay, đặc biệt là các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay học sinh sinh viên và trong thời gian tới là cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, hoạt động tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện xứng đáng là một giải pháp có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn đất nước, như đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, khi đang là Thống đốc NHNN Việt Nam, từng nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nam bộ tại TP Cần Thơ vào năm 2015: “Chúng ta từng đi học hỏi các mô hình cho vay xóa đói, giảm nghèo ở nhiều nước và từng đặt vấn đề chúng ta có làm được tốt như nước bạn không. Nhưng hơn 10 năm qua, kể từ khi thành lập, NHCSXH đã cho thấy mô hình của chúng ta còn ưu việt hơn, quy mô lớn hơn nhiều ngân hàng đã tồn tại trong khu vực và trên thế giới chuyên về phục vụ người nghèo”./.

Hà Trang (KCNB)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực