(ĐCSVN) – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH cho biết, qua 12 năm xây dựng và hoạt động, những kết quả đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ đã cho thấy rât rõ ý nghĩa, vai trò hoạt động to lớn của NHCSXH trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo của Đảng và nhà nước ta.
Tại sự kiện tổng kết 10 năm hoạt động của NHCSXH, hầu hết các đại biểu khẳng định mô hình hoạt động của NHCSXH là đúng đắn, được Đảng và Nhà nước ta triển khai trong suốt thời gian qua. Gần đây, Quốc hội qua giám sát hoạt động của NHCSXH cũng khẳng định rằng hoạt động của NHCSXH là điểm sáng và trụ cột của cả chương trình xóa đói giảm nghèo của nước ta.
|
Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Nguyễn Văn Bình (Ảnh: HNV) |
Theo Thống đốc Bình, về phía nước ngoài, qua tham dự hội thảo quốc tế ở nước khác và trong khu vực, có thể khẳng định rằng không đâu có một mô hình hoạt động ngân hàng cho người nghèo mà quy mô và tầm ảnh hưởng cũng như chất lượng hoạt động tốt như ở Việt Nam. “Trước đây 15-20 năm, chúng ta còn phải tham khảo và học hỏi các mô hình trên thế giới, chúng ta phải sang Philipines, Srilanka học hỏi mô hình của các nước bạn... Tuy nhiên, với hoạt động qua 12 năm xây dựng và phát triển, mô hình hoạt động của NHCSXH đã thể hiện rõ nét tính ưu việt hơn; quy mô hoạt động của NHCSXH còn lớn hơn nhiều so với các mô hình của các ngân hàng đã tồn tại trong khu vực và trên thế giới để phục vụ cho người nghèo” – Thống đốc nói.
Cũng chính mô hình NHCSXH, chúng ta thể hiện một cách rõ nét nhất tính chất kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Lẽ thường, khi nghĩ đến hỗ trợ người nghèo thường chỉ là cho không nhưng với mô hình NHCSXH, chúng ta không cho không mà chính là tạo ra cơ chế chính sách giúp cho bà con hoạt động sản xuất kinh doanh và tiến tới thoát nghèo. Điều này đồng nghĩa với việc là hỗ trợ người nghèo một cách bền vững, có vay, có mượn, có trả và có hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ ở đây không chỉ là đơn thuần là về tiền bạc, mà là hỗ trợ cả về cơ chế chính sách.
Thống đốc Bình cho biết, có thể nói, toàn hệ thống chính trị đều đã tham gia vào tất cả các khâu hoạt động của hệ thống NHCSXH. Và phấn khởi hơn cả là vừa mới đây, Ban Bí thư ban hành một Chỉ thị riêng cho NHCSXH, đó là Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) ban hành ngày 22/11/2014. Hội đồng quản trị bao gồm rất nhiều đồng chí Thứ trưởng các Bộ quan trọng của đất nước ta như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngoài ra, các thành viên Hội đồng quản trị còn gồm các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh... Thêm vào đó, hoạt động của NHCSXH được tổ chức từ Trung ương xuống địa phương, huy động tất cả các cấp ủy, UBND, HĐND… đều trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động này. Cộng với việc hệ thống của Ngân hàng còn được tổ chức tới tận cấp xã. Việc này thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước, của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đối với NHCSXH. Trong thời gian qua, hoạt động NHCSXH được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, chúng ta cũng đạt được nhiều thành tích đáng tự hào không những trong nước mà còn cả đối với quốc tế. Tuy nhiên, để ngân hàng hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, cần phải có giải pháp gối đầu để đảm bảo hoạt động của NHCSXH ngày càng phù hợp hơn so với tiến độ phát triển. Xóa đói giảm nghèo là sự nghiệp xuyên suốt, NHCSXH cần hoạt động lâu dài và ổn định. Thực tế, dù nguồn vốn huy động còn gặp khó khăn, tuy nhiên, năm nào, chúng ta cũng đều đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động NHCSXH, đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Chính phủ đề ra. Do đất nước còn nghèo, nguồn vốn ưu tiên cho nhiều nhiệm vụ khác, bằng nhiều cơ chế chính sách chúng ta tạo ra nguồn vốn cho NHCSXH, trong đó chúng ta đã xã hội hóa hoạt động nguồn vốn này. Trong thời gian vừa qua, các NHTM khác luôn duy trì 2% tiền gửi của các ngân hàng này ở NHCSXH, cộng với cơ chế tái cấp vốn của ngân hàng nhà nước phần nào cũng đảm bảo nguồn vốn cho NHCSXH. Thêm nữa, với cơ chế phát hành trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, NHNN cùng phối hợp với Bộ Tài chính trong việc phát hành này, trong đó đặc biệt chỉ đạo các NHTM khác mua trái phiếu của NHCSXH tạo cơ chế nguồn vốn đáp ứng hoạt động ngân hàng chúng ta. Bên cạnh đó, hệ thống NHCSXH cũng đẩy mạnh hoạt động của tổ tiết kiệm - vay vốn, khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm...
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, hiện nay, NHCSXH đang triển khai hơn 19 chương trình dành cho người nghèo, đối tượng chính sách và học sinh – sinh viên. Cũng khó có thể đảm bảo tất cả các chương trình hoạt động hiệu quả cùng lúc, do đó, tới đây, hệ thống NHCSXH cũng cân nhắc, gom lại các chương trình theo hướng gắn bó, thiết thực với người nghèo hơn.
Riêng với NHCSXH, nợ xấu chỉ khoảng 0,88%, do đó, cho người nghèo vay rất yên tâm về hiệu quả và bảo toàn đồng vốn. Bởi với nguồn vốn vay từ NHCSXH, người nghèo và cận nghèo có thể sử dụng để kinh doanh sản xuất, nuôi sống bản thân và gia đình. Đó mới là hướng thoát nghèo bền vững.
Thống đốc Bình nhấn mạnh, sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp rất quan trọng. Tin tưởng rằng, trên cơ sở hoạt động, ý thức trách nhiệm của toàn hệ thống NHCSXH các cấp trong thời gian vừa qua cộng với Chỉ thị của Ban Bí thư về tín dụng chính sách, hoạt động của NHCSXH sẽ được củng cố và nâng tầm hơn nữa trong thời gian tới.
Thống đốc Bình yêu cầu, tới đây, hệ thống NHCSXH cần phát huy các mặt mạnh, mặt tốt của các mô hình đồng thời cũng cần xuất phát từ thực tiễn phù hợp đặc thù từng vùng miền để kiến nghị, tham mưu và chủ động tiến hành các cơ chế chính sách phù hợp hơn, cụ thể hơn trong hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách, học sinh và sinh viên vay vốn. Đồng thời, có thể xem xét cho bà con có tiền gửi tiết kiệm đều đặn, ổn định vào NHCSXH. Đây có thể xem là cơ chế khuyến khích (dù ít hay nhiều) cũng nên gửi vào NHCSXH, để mở rộng thêm nguồn vốn, có nhiều nguồn lực giúp đỡ bà con thoát nghèo bền vững hơn./.