|
Điểm giao dịch thời dịch phức tạp, đeo khẩu trang khi đến giao dịch (Ảnh: PV) |
Tại trụ sở NHCSXH tỉnh, chúng tôi gặp Giám đốc Hoàng Xuân Trường, dân tộc Thái, sinh ra ở bản làng Sơn La đã đầu quân cho mặt trận xóa đói giảm nghèo từ những năm đầu thế kỷ 21, liên tục làm cán bộ tín dụng, rồi nay là cán bộ quản lý cả hệ thống tín dụng đặc thù ở một tỉnh rộng lớn. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trường cho biết: Ngay từ hồi đầu thành lập (2002) đơn vị phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách như vốn liếng ít ỏi, cán bộ tác nghiệp, điều hành về tín dụng chính sách vừa thiếu, vừa yếu, trình độ, kế nữa địa bàn quá phức tạp có vùng núi cao rộng với miền biên ải dài cùng 5 huyện nghèo thuộc Nghị quyết 30a, hơn 1.300 thôn bản, xã năm trong vùng 3 – vùng đặc biệt khó khăn, nhất là thường xuyên phải gồng gánh nhiều, khắc nghiệt về thiên tai, lũ quét, sạt lở đất, gần đây là rủi ro về dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng. “Nhưng cũng từ thực tế đó, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của ngân hàng cấp trên, của Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể, nhất là với tinh thần đồng lòng vượt khó của những người làm tín dụng chính sách trên miền biên ải đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp để huy động nguồn vốn từ nhiều kênh, nhiều đối tượng, nhiều hình thức và khơi thông được dòng chảy vốn chính sách, góp công sức đẩy lùi nghèo làn, lạc hậu để cho nông thôn miền núi không ngừng đổi thay, đời sống đồng bào dân tộc ngày càng no ấm, sản xuất nông nghiệp thêm khởi sắc”, ông Hoàng Xuân Trường hồ hởi nói.
Tiếng lành đồn xa…
Đúng là “Tiếng lành” về hiệu quả của nguồn vốn chính sách góp phần làm đổi thay miền núi cao Sơn La đã “vang xa” khắp đất nước. Minh chứng cụ thể vào những ngày cuối năm này, khi chúng tôi cùng Giám đốc Trường về Thuận Châu là huyện có 567 hộ đồng bào dân tộc La Ha, một trong những dân tộc rất ít người sinh sống tại 3 xã vùng sâu Nong Lay, Chiềng Lay và Liệp Tè.
Được biết, khoảng 10 năm trước, cuộc sống của người La Ha rất khổ cực, thiếu thốn trăm bề, số hộ đủ ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay, đang loay hoay tìm lối thoát nghèo thì dân bản được huyện triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giống cây trồng, con vật nuôi, đặc biệt được NHCSXH chuyển vốn ưu đãi về tận trụ sở UBND xã cho vay đến từng hộ nghèo, từng gia đình đồng bào DTTS khó khăn, trực tiếp hướng dẫn họ cách vay vốn ưu đãi thuận lợi, cách sử dụng vốn vay vào phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm. Từ đây, nhiều gia đình trồng các loại cây rừng, cây ăn quả, làm chuồng trại chăn nuôi trâu bò, không còn cảnh nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn nữa. Điển hình như hộ ông Lò Văn Hặc, bản Tát Ướt xã Liệp Tè được vay tới 70 triệu đồng vốn ưu đãi, lại còn tham gia lớp tập huấn, chuyển giao KHKT về trồng trọt chăn nuôi nên đã nuôi 10 con bò, 80 con dê; trồng 3ha cây ăn quả, cho thu hoạch ngót 100 triệu đồng/năm.
|
Thăm hộ vay vốn hiệu quả (Ảnh chụp khi dịch bệnh chưa phức tạp trên địa bàn: PV) |
Còn ở huyện vùng cao biên giới Sốp Cộp, trong những năm qua, nhờ thụ hưởng nhiều chương trình chính sách về giảm nghèo như chương trình 134, 135, chương trình 30a, trong đó đặc biệt là hơn 400 tỷ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH, bộ mặt nông thôn nơi đây đã thay da đổi thịt. Đơn cử từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, người dân xã Dồm Canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây sắn, cây ngô thu nhập thấp sang hơn 1.600 ha dứa cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến nông sản và nhân rộng đàn trâu bò lên 900 con béo mập, cùng hàng trăm hộ gia đình dân tộc thiểu số, thoát cảnh nghèo, đạt danh hiệu thi đua nông dân sản xuất giỏi, như ông Quàng Văn Trận ở bản Tốc Lừu cho hay, gia đình có 3ha đất sản xuất nông nghiệp. Những năm trước đây, chỉ trồng sắn, thu nhập chẳng là bao nhưng vừa qua được tuyên truyền trồng dứa có đầu ra ổn định, nên ông mạnh dạn vay vốn ưu đãi, cải tạo đất đồi, mua cây giống về thực hiện chuyển đổi, nay thu hoạch hàng chục tấn dứa quả, lãi đến hơn 20 triệu đồng/ha.
Bà Tòng Thị Kiên, Phó chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp khẳng định: nguồn vốn ưu đãi đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp nhiều gia đình đồng bào DTTS nghèo cải thiện cuộc sống, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện mỗi năm từ 4-5%.
Phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo bền vững
Từ những bản làng đặc biệt khó khăn và những hộ đồng bào DTTS ở 2 huyện Thuận Châu, Sốp Cộp, nhìn rộng ra cả tỉnh Sơn La, đồng vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã giúp đỡ nhiều hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn thoát nghèo, thực hiện khát vọng làm giàu. Kết quả đó khẳng định những nỗ lực của NHCSXH Sơn La trong việc tìm kiếm, tập trung huy động nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh cải thiện cuộc sống của hơn 20 ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Kết quả đó cũng khẳng định cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở Sơn La đã quán triệt đầy đủ nội dung chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng, chỉ đạo sâu sát việc giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước về một đầu mối quán lý thống nhất, đồng thời cân đối bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để tăng thêm nguồn vốn cho hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn trên địa bàn vay vốn ưu đãi. Hiện tại, nguồn vốn ngân sách của địa phương ủy thác 148 tỷ đồng, đạt 142% kế hoạch tăng trưởng, nâng tổng nguồn vốn chính sách đến 30/11/2021 đạt 4.967 tỷ đồng. Đặc biệt, ngay giữa đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nguồn vốn ưu đã ở miền núi cao Sơn La vẫn tăng hơn 1.000 tỷ đồng với 122.251 hộ còn dư nợ và có 128/204 xã không để nợ quá hạn, lãi tồn đọng.
|
Thăm hộ vay vốn trồng chè (Ảnh: PV) |
Song hành với công tác huy động nguồn lực lớn, NHCSXH Sơn La đã xây dựng mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa bàn miền núi cao. Đó là việc Ngân hàng cùng các tổ chức hội đoàn thể như nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên ký kết lại hợp đồng ủy thác cho vay vốn chính sách, tạo thành dây chuyền 4 nhà “ngân hàng, chính quyền, đoàn thể, tổ TK&VV”, chung tay giúp dân vay vốn chính sách phát triển sản xuất, giảm nghèo nhanh, nâng cao cuộc sống.
Theo báo cáo, đến nay các cấp hội đoàn thể đã tham gia quản lý số tiền 4.950 tỷ đồng, chiếm 99,78% tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Sơn La. Ý nghĩa của việc cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội là tạo sự phối hợp chặt trẽ với các trung tâm khuyến nông, khuyến lâm của huyện, xã chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK&VV; để làm cầu nối vững chắc trong chuyển tải nhanh chóng, an toàn nguồn vốn tín dụng đến đúng các đối tượng thụ hưởng. Hầu hết nguồn vốn được trung ương cấp, do địa phương ủy thác sang đã được những người làm tín dụng trên vùng núi cao Sơn La bền bỉ, hối hả chuyển tải về 204 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn và phân bổ tới 3.877 Tổ TK&VV ở bản làng, khối phố giúp người dân có vốn kịp thời khôi phục phát triển kinh tế gia đình, ổn định, cải thiện cuộc sống. Người nghèo và các đối tượng chính sách từ nông thôn đến thành thị, ở vùng sâu, vùng xa có nhu cầu, có điều kiện đều được tiếp cận với đồng vốn ưu đãi. Không hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn nào bị lãng quên. Nguồn vốn chính sách đã thực sự làm động lực thúc đẩy, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 30,4% năm 2016 xuống còn 18,7% năm 2020 và 2 huyện vùng cao Phù Yên, Quỳnh Nhai thoát ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a và tỉnh Sơn La đã vươn lên thành trung tâm sản xuất, chế biến rau quả lớn nhất vùng Tây Bắc với các loại cây ăn quả thơm ngon như xoài, nhãn, bơ, thanh long…
Chặng đường đi tiếp, những cán bộ tín dụng chính sách vùng núi cao biên ải này sẽ không thỏa mãn, bằng lòng với những gì đã làm được cho người nghèo và các đối tượng chính sách, mà vẫn tiếp tục bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, luôn căn cứ vào sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, của địa phương, tập trung huy động nguồn lực tốt hơn, nhiều hơn chuyển tải kịp thời, an toàn, đầy đủ nguồn vốn về các làng bản, phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ngay từ những ngày đầu năm 2022.