Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia hợp phần tín dụng Dự án “Hỗ trợ nông nghiệp cácbon thấp”

Thứ năm, 10/11/2016 15:02
(ĐCSVN) – Dự kiến đầu năm 2017, sẽ chính thức triển khai các thủ tục cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tham gia vào thực hiện hợp phần tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học (xây hầm biogas).

Hợp phần này thuộc Dự án “Hỗ trợ nông nghiệp cácbon thấp” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.

Trước đó, vào ngày 5/10/2016, ADB, Ban quản lý Dự án Nông nghiệp cácbon thấp cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính đã ký Biên bản ghi nhớ chấp thuận về nguyên tắc kiến nghị đưa NHCSXH tham gia vào thực hiện hợp phần tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học (xây hầm biogas) của dự án. Hiện nay, các Bộ, ngành đang thực hiện các thủ tục để NHCSXH tham gia vào Dự án, dự kiến làm thủ tục chính thức đầu năm 2017.

Dự án “Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp” được thực hiện trên cơ sở Hiệp định vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và ADB ký ngày 7/3/2013. Dự án gồm 04 hợp phần: Hợp phần 1. Quản lý chất thải chăn nuôi; Hợp phần 2. Tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học; Hợp phần 3. Chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp; Hợp phần 4. Quản lý dự án. Dự án có phạm vi triển khai tại 10 tỉnh Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng. Thời gian thực hiện 6 năm, từ năm 2013 đến năm 2018. Trong đó, giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015: là giai đoạn chuẩn bị, xây dựng quy chế Dự án và 02 ngân hàng Thương mại được giao thực hiện Hợp phần tín dụng của dự án. Thời hạn thực hiện hợp phần tín dụng của Dự án là 30 năm trong đó có 8 năm ân hạn. Dự án có tổng vốn đầu tư: 48.170.000 SDR (tương đương khoảng 74 triệu đô la). Trong đó nguồn vốn tín dụng là 23.239.000 SDR (tương đương khoảng 32 triệu đô la).

Sự phù hợp của việc huy động NHCSXH tham gia vào Dự án

Các nguồn vốn vay  của NHCSXH rất phù hợp (Ảnh: HNV)

Liên quan đến hợp phần tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học, Dự án sẽ (i) Cung cấp tín dụng thông qua các định chế tài chính nhằm hỗ trợ cho mở rộng và cải tăng cường cơ sở hạ tầng quản lý chuỗi giá trị khí sinh học đến năm 2018; (ii) Đảm bảo phụ nữ sẽ được ưu tiên cho vay và thiết lập tài khoản ở ngân hàng của các định chế tài chính đến 2018; (iii) Giám sát sự giải ngân của việc thúc đẩy phát triển thị trường các bon cho hầm khí sinh học đã hoàn thành thông qua các định chế tài chính đến năm 2018.

Hiện nay, Dự án cung cấp tín dụng thông qua 02 định chế tài chính cho nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp để xây dựng các công trình khí sinh học bao gồm các hạng mục có liên quan như hệ thống cấp thoát nước, hầm khí sinh học, đường ống dẫn khí gas, các thiết bị sử dụng khí gas, các hạng mục xử lý môi trường, các hạng mục lưu trữ, vận chuyển và chế biến chất cặn thải làm phân bón hữu cơ…

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, các định chế tài chính giải ngân khoản tín dụng chuỗi giá trị khí sinh học được một số lượng rất ít. Nguyên nhân là do các định chế tài chính trên chỉ phù hợp cho vay những món vay quy mô lớn, trong khi đó nhu cầu về các khoản vay quy mô nhỏ (từ 10 - 20 triệu đồng) lại rất lớn, và việc tiếp cận nguồn vốn dự án của những khoản vay quy mô nhỏ là rất khó khăn. Bởi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 09 tháng 06 năm 2015 quy định về cơ chế đảm bảo vốn vay đối với tất cả các Ngân hàng Thương mại. Theo điều 9 Nghị định này: “Các đối tượng khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có tranh chấp do Ủy ban nhân dân xã xác nhận”. Còn theo quy định của nghị định 55/2015/NĐ – CP thì tất cả các khoản vay của khách hàng ở ngân hàng thương mại đều phải yêu cầu giữ sổ đỏ. Trong khi đó một số hộ gia đình, doanh nghiệp đang có khoản tín dụng trong ngân hàng và đã giao sổ đỏ cho ngân hàng, vì vậy họ không thể tiếp cận thêm được nguồn vốn vay. Một số hộ gia đình còn lại thì không muốn bị giữ sổ đỏ chỉ với món vay quy mô nhỏ.

Theo đánh giá của ADB, NHCSXH có mạng lưới rộng khắp cả nước, có chi nhánh tại 63 tỉnh,thành phố. Tại 10 tỉnh tham gia dự án, NHCSXH đều có chi nhánh cấp tỉnh, các phòng giao dịch cấp huyện và các điểm giao dịch tại các xã. Do vậy rất thuận tiện cho việc giải ngân và phổ biến chính sách của dự án tới các hộ nông dân.

NHCSXH ủy thác cho 4 tổ chức hội, đoàn thể để thực hiện một số công đoạn trong quy trình cho vay, bao gồm: Hội Phụ Nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên. Đây chính là lợi thế để lôi kéo sự tham gia của phụ nữ và nông dân vào dự án giúp cho thông tin tuyên truyền của dự án đến được với người dân.

Đặc biệt, NHCSXH áp dụng quy chế cho vay trong tài chính vi mô không đòi hỏi có thế chấp bằng sổ đỏ mà chỉ dùng tín chấp thông qua chính quyền và hội đoàn thể, đây chính là điều kiện rất cần thiết để có thể giải ngân nguồn vốn dự án cho các hộ gia đình chăn nuôi quy mô nhỏ trong việc dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của dự án. Mặt khác,  theo đánh giá của ADB, NHCSXH đã có kinh nghiệm trong giải ngân nguồn vốn vay nhỏ cho công trình biogas không cần tài sản thế chấp từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nên việc giải ngân nguồn vốn của dự án sẽ nhanh chóng và dễ dàng. Hơn nữa nguồn vốn dự án là nguồn vốn trung và dài hạn nên rất thuận lợi trong việc giải ngân theo mục đích tín dụng của dự án, mức vay không cần tài sản thế chấp lên tới 50 triệu rất thuận lợi để giải ngân nhanh nguồn vốn tín dụng của dự án.

NHCSXH dự kiến kế hoạch giải ngân nguồn vốn Dự án khi được tham gia

Hiệu quả chương trình tín dụng vệ sinh, nước sạch môi trường nông thôn do NHCSXH triển khai đã chứng minh hiệu quả trong thực tế (Ảnh: HNV)

Dự kiến đầu 2017 này, các thủ tục chính thức triển khai việc huy động cho sự tham gia của NHCSXH sẽ được các bộ, ngành thông qua. Với tinh thần chủ động, căn cứ kinh nghiệm và thực tế cung cấp tín dụng nông nghiệp nông thôn của NHCSXH, NHCSXH dự kiến thiết kế sản phẩm tín dụng của dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp theo hướng.

Mức cho vay: đến 50 triệu đồng/công trình quy mô nhỏ (không phải bảo đảm tiền vay). Dự kiến món vay trung bình là 20 triệu đồng/hộ, phù hợp với ưu tiên của NHCSXH cho các công trình khí sinh học quy mô nhỏ hộ gia đình. Ngoài ra, đối với mức vay trên 50 triệu đồng, người vay phải có tài sản bảo đảm tiền vay bằng tài sản.

Thời hạn cho vay: 3-5 năm, thời gian ân hạn 6 tháng.

Lãi suất cho vay dự kiến: thấp hơn lãi suất thương mại ít nhất 10%. Nếu NHCSXH tham gia sẽ cho vay với lãi suất dự kiến bằng lãi suất cho vay Chương trình Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn.

Phương thức giải ngân: Giải ngân một hay nhiều lần theo tiến độ thực hiện xây dựng công trình, người vay ký nhận nợ trực tiếp, ngân hàng phát tiền vay (tiền mặt hoặc chuyển khoản) trực tiếp cho khách hàng hoặc đơn vị cung cấp xây dựng công trình theo thỏa thuận của các bên.

Người vay tham gia Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trên địa bàn. Tổ TK&VV chịu sự quản lý của 1 trong 4 hội đoàn thể được nhận ủy thác trên địa bàn.

Có thể thấy rằng, sau 03 năm bị chậm trễ, hiện nay người dân các địa phương thuộc dự án mong mỏi có thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng của dự án nhằm giúp phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn. Đồng thời, cũng tạo nguồn năng lượng sạch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Do đó, hy vọng tiến trình huy động sự tham gia của NHCSXH cũng nhanh chóng được triển khai./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực