Ngân hàng Chính sách xã hội với xoá đói giảm nghèo ở Tây Bắc

Thứ sáu, 26/08/2016 15:32
(ĐCSVN) - Thời gian qua, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, có đóng góp không nhỏ vào xoá đói giảm nghèo ở Tây Bắc.

Một mô hình nuôi ong mật ở Sơn La (Ảnh: Đ.H)

Những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra là: "Tập trung giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỉ lệ hộ nghèo...". Hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ ghi nhận và biểu dương, được nhân dân đồng tình ủng hộ và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Theo NHCSXH, đến 31/5/2016, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH đạt trên 152 ngàn tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt trên 147 ngàn tỷ đồng, với hơn 6.794 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ; chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao, nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,78%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chỉ chiếm 0,39%.

Những đóng góp tích cực

Với vùng Tây Bắc, được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội và sự nỗ lực của cán bộ, viên chức, người lao động của NHCSXH, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại các địa phương thuộc vùng Tây Bắc đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội trong vùng, cụ thể: NHCSXH đã tập trung huy động được các nguồn lực và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn vùng cao Tây Bắc. Từ năm 2009 đến ngày 31/5/2016, NHCSXH đã thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Bắc với doanh số cho vay đạt 56.513 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 35.609 tỷ đồng. Đến 31/5/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Bắc đạt 31.254 tỷ đồng, với trên 1.527 nghìn hộ đang còn dư nợ. NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, chính quyền cơ sở và các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn. Nợ quá hạn đầu năm 2009 chiếm 1,05%/tổng dư nợ, đến 31/5/2016 nợ quá hạn của các đơn vị trong vùng giảm còn 0,27%/tổng dư nợ (-0,78%).

Các chi nhánh NHCSXH tại các tỉnh trong vùng đã báo cáo Tỉnh ủy, UBND và phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị của nước ta. Thông qua mô hình tổ chức và phương thức chuyển tải vốn tín dụng đặc thù của mình, NHCSXH đã tạo điều kiện để người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách có thể tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách của Nhà nước một cách thuận lợi nhất, kịp thời nhất giúp họ có vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; giúp họ có tiền cho con em đi học, để cải tạo, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh... NHCSXH có mạng lưới hoạt động rộng khắp tới cấp huyện, nhưng người dân vay vốn không cần phải đến trụ sở Ngân hàng mới vay được vốn, mà NHCSXH đưa vốn về tận trụ sở UBND cấp xã để giải ngân, thu nợ, thu lãi, dưới sự chứng kiến, giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Ngoài ra, còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức này trong việc giám sát, quản lý vốn vay, hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả…

Hoạt động của NHCSXH đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Bắc theo định hướng của Chính phủ; góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh - chính trị trong vùng. Giai đoạn từ năm 2009 đến 31/5/2016, đã có trên 3,07 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp gần 445 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo); thu hút, tạo việc làm cho gần 150 nghìn lao động,  gần 10,5 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được vay vốn; giúp trên 241 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 953 nghìn công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh ở nông thôn...

Đồng thời, hiệu quả lớn hơn nữa do đồng vốn NHCSXH cho vay mang lại cho toàn xã hội đó là tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực có chất lượng góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân; đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội để thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo phù hợp với từng thời kỳ; đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức để bảo đảm giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là tại các huyện nghèo 30a và các địa bàn đặc biệt khó khăn; tạo bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ những kết quả thu được khi thực hiện chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường của NHCSXH đã góp phần từng bước cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế bệnh tật; làm cho môi trường nông thôn được cải thiện góp phần xây dựng nông thôn mới.

 Ngoài ra, NHCSXH còn góp phần vào phát triển kinh tế vùng Tây Bắc gắn với các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu để bảo đảm phát triển bền vững. Với những diễn biến phức tạp của thời tiết trong những năm vừa qua, chúng ta liên tục phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực như: Bão lũ, rét đậm, rét hại, mưa tuyết... Điển hình đợt rét đậm, mưa tuyết xảy ra trước tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân. Ngay sau đỉnh điểm đợt rét đậm, mưa tuyết vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, Chủ tịch HĐQT NHCSXH, NHCSXH đã chỉ đạo sát sao việc tổng hợp thiệt hại rủi ro vốn vay tín dụng chính sách tại các địa phương này để trình cấp có thẩm quyền xử lý, đồng thời, kịp thời bổ sung nguồn vốn cho vay khắc phục thiệt hại để giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.

NHCSXH đã chủ động báo cáo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, tỉnh ủy, UBND các tỉnh trong vùng để tham mưu và phối hợp thực hiện bước đầu có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đến thời điểm hiện nay, 100% Tỉnh ủy, UBND các tỉnh trong vùng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến các cấp, các ngành tại địa phương, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ toàn diện và phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Riêng về nguồn vốn của ngân sách địa phương chuyển sang cho NHCSXH để cho vay hộ hộ nghèo và các đối tượng chính sách  đến 31.5. 2016 đạt 470 tỷ đồng.

Ngoài nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao, các tổ chức đoàn thể của NHCSXH trong thời gian qua luôn chú trọng tới các công tác làm an sinh xã hội vận động các đoàn viên công đoàn đóng góp tại các tỉnh, huyện nghèo trong vùng dưới nhiều hình thức, nhiều hoạt động ý nghĩa như: Xây dựng trường tiểu học, xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, tặng quà tết cho người nghèo, chăn ấm vùng biên... và hiện nay NHCSXH đang cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, VTV24 - Đài truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình "Cặp lá yêu thương”...

Vẫn còn những khó khăn  

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách khác của NHCSXH vẫn còn một số khó khăn. Cơ cấu nguồn vốn hoạt động của NHCSXH chưa có tính ổn định, lâu dài; cơ cấu nguồn vốn chưa hợp lý, dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm khoảng 98% tổng dư nợ trong khi nguồn vốn do NSNN cấp vẫn chiếm tỉ trọng thấp (19%/tổng nguồn vốn).

Việc bổ sung vốn điều lệ theo quy định tại Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012, vốn cấp một số chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chưa được cấp kịp thời dẫn đến khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH.

Chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều giữa các địa phương.  Công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra… của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, đã ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay của người vay.

Nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư

Để chính sách an sinh xã hội đảm bảo tốt hơn cho đời sống người dân, góp phần tích cực hơn nữa vào việc ổn định, an toàn xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế của vùng Tây Bắc thì việc đầu tư nguồn lực cho chính sách cần nhiều hơn. Trong đó, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách cần được quan tâm, dành nhiều nguồn lực hơn đúng theo tinh thần Chỉ thi số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Theo NHCSXH Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các bộ, ngành và địa phương cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng cơ chế tạo lập nguồn vốn của NHCSXH theo hướng ổn định và bền vững, thông qua việc cấp bổ sung vốn điều lệ và vốn cấp thực hiện các chương trình tín dụng chỉ định của Chính phủ hàng năm. Ban Chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục dành sự quan tâm, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.

Các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong vùng Tây Bắc tăng cường sự chỉ đạo, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội,tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn. Hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho NHCSXH. Chỉ đạo việc thường xuyên củng cố và kiện toàn Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh, huyện. Tăng cường công tác truyền thông nhằm từng bước tạo dựng thói quen tiết kiệm, ý thức trả nợ của người vay; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thu hồi vốn vay.

Củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; thực hiện tốt việc điều tra, xác định đối tượng được vay vốn; phối hợp giữa các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của NHCSXH, giúp các đối tượng chính sách được kịp thời vay vốn, giúp người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Có thể khẳng định trong những năm qua hoạt động của NHCSXH đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước nói chung, của vùng Tây Bắc nói riêng.

Đ.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực