(ĐCSVN) – Về bản Kon Hring, xã Đăk Blà, Thành phố Kon Tum, chúng tôi đã được giới thiệu gặp gỡ với gia đình ông A Leoh – Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) như một điển hình về thoát nghèo. Ông được nhắc đến vì không những tự mình thoát nghèo mà còn giúp nhiều hộ dân trong thôn thoát nghèo bền vững.
Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh, không được học hành, thuở nhỏ ông A Leoh đã phải theo cha mẹ trốn vào rừng để chạy giặc. Sau đó được Đảng và cách mạng đưa về cho đi học và tham gia lực lượng tự vệ ở địa phương. Khi tỉnh Kon Tum nói riêng và đất nước được hoàn toàn giải phóng, ông A Leoh, người con của dân tộc Rơ Ngao được trở về với bản làng Kon Hring, xã Đăk Blà, Thành phố Kon Tum để sinh sống và làm ăn từ đó đến nay.
Năm 2003, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Kon Tum và cũng là lần đầu tiên ông cầm trên tay số tiền 5 triệu đồng tại thời điểm đó. Có vốn, ông đã đầu tư mua 03 con bò, từ đó đàn bò sinh sôi, nảy nở, bán được bò để cho 06 đứa con ăn học đến nơi đến chốn, trả được nợ gốc và lãi cho Ngân hàng. Thế rồi, nguồn vốn cứ lớn dần lên, ông vay tiếp đến 30 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi. Kinh tế gia đình tương đối ổn định, ông lại được người dân thôn Kon Hring bầu làm Trưởng thôn liên tiếp trong nhiều năm, đồng thời được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ TK&VV của thôn.
|
Tổ trưởng Tổ TK&VV ông A Leoh trong một buổi giao dịch xã (Ảnh: PV) |
Hiện nay, tổ TK&VV do ông làm tổ trưởng có tổng dư nợ lên đến 600 triệu đồng với 37 thành viên được vay vốn với nhiều chương trình như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…
Trong suốt 8 năm làm tổ trưởng tổ TK&VV, Tổ do ông quản lý không phát sinh một đồng nợ quá hạn nào, lãi tồn gần như không có. Hỏi bí quyết nào giúp ông có thể làm tốt và làm hay như thế, ông tâm sự, mỗi người có một cách làm khác nhau. Đối với tôi, bản thân xuất phát từ một hộ nghèo nên rất hiểu được các hộ nghèo muốn gì. Trong quá trình tiếp cận, hướng dẫn các hộ nghèo vay vốn, tôi đã gặp từng hộ nghèo ở thôn tư vấn cho họ cách làm ăn, sử dụng vốn vay ưu đãi của NHCSXH một cách hiệu quả để cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ hiện nay trong thôn đã thoát nghèo một cách bền vững như hộ gia đình A Wưk, A Nhoi...
Không chỉ nộp gốc, lãi đúng hạn, đầy đủ, việc huy đông tiết kiệm ở tổ cũng được các hộ vay hưởng ứng mạnh mẽ theo hình thức mỗi thành viên hàng tháng tự nguyện nộp từ 40 đến 50 ngàn đồng tiến tiết kiệm mỗi tháng. Đến nay, tổ TK&VV do ông phụ trách là một trong số những tổ có số tiền huy động tiết kiệm lớn nhất trên địa bàn.
Nói về người Tổ trưởng Tổ TK&VV đồng thời cũng là bậc trưởng bối uy tín của thôn, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đăk Blà, Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum A Nưu không giấu nổi vui mừng và tự hào. Đồng chí Bí thư Đoàn cho biết, từ một hộ nghèo của thôn, đến nay, gia đình ông A Leoh vừa làm tốt vai trò của một trưởng thôn kiêm tổ trưởng tổ TK&VV vừa là một tấm gương điển hình trong việc xóa đói giảm nghèo của xã. Dù ở trong lĩnh vực nào ông cũng luôn gương mẫu và có tinh thần trách nhiệm trong công việc, được người dân trong thôn tin tưởng và quý mến, thôn do ông quản lý nhiều năm liền được công nhận thôn văn hóa cấp thành phố./.