Từ cậu bé mồ côi trở thành tỷ phú
Những ngày giữa tháng 6 năm 2019, Đoàn công tác của NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã có chuyến đi kiểm tra thực tế các hộ vay vốn trên đỉnh núi Ngọc Linh thuộc huyện Nam Trà My. Điều đặc biệt ấn tượng đối với chúng tôi là người Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn được mệnh danh là tỷ phú giữa đại ngàn Ngọc Linh, ông là Nguyễn Văn Lượng, người dân tộc Cadong. Ông sinh ra và lớn lên trên đỉnh núi Ngọc Linh quanh năm sương mù bao phủ, gió lạnh, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nên phải tự mình bươn chải, kiếm sống. Năm 15 tuổi ông đã biết đi tìm củ sâm trong rừng về bán và chọn giống để trồng. Lấy ngắn nuôi dài, sau gần 30 năm gắn bó với cây sâm Ngọc Linh, đến nay ông đã có một vườn sâm với diện tích trên 10ha. Hàng năm thu nhập từ bán củ và giống sâm ông đã thu về hàng chục tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn sâm của gia đình, dừng chân tại cây sâm cổ, ông Lượng chia sẻ, cây sâm này đã có người trả mua với giá 250 triệu đồng nhưng ông không bán vì đó là nguồn cây giống tốt nhất, nếu bán hạt giống thì hàng năm sẽ thu về trên 50 triệu đồng. Hiện nay, mỗi năm ông trồng mới khoảng 150.000 cây sâm con. Theo tính toán sau 5 năm nữa mỗi mùa sâm gia đình ông dự kiến thu tới cả trăm tỷ đồng.
Ở Nam Trà My có nhiều hộ nông dân vay vốn chính sách trồng sâm Ngọc Linh. (Ảnh: P.V)
Cơ duyên với NHCSXH
Nhớ lại chặng đường khởi nghiệp, ông Lượng chia sẻ, năm 2005 ông được NHCSXH huyện Nam Trà My cho vay 30 triệu đồng. Đây là khoản tiền rất quý giá với ông lúc đó. Từ số tiền này ông mua thêm giống và thuê nhân công mở rộng vườn sâm của gia đình. Nhờ cần cù, miệt mài trong lao động cộng với niềm đam mê về phát triển cây sâm, hiện ông đã có vườn sâm có thể nói lớn nhất cả nước. Để chăm sóc, quản lý và phát triển vườn sâm hiện nay, có 36 hộ đồng bào trong thôn tham gia làm công và bảo vệ, đây là những hộ nghèo của xã được NHCSXH cho vay để trồng sâm; ông Lượng trả tiền công và hỗ trợ cây giống. Ông Lượng bộc bạch, nếu cho tiền bà con ở đây sẽ tiêu pha hết, còn cho cây giống cùng với hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây sâm thì chắc chắn họ sẽ sớm có thu nhập, làm giàu chính đáng.
Điều mà làm chúng tôi ngạc nhiên, đó là với mức thu nhập vài chục tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Lượng vẫn tham gia vay vốn tại NHCSXH huyện Nam Trà My từ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doạnh tại vùng khó khăn và được bà con tín nhiệm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My. Tổ tiết kiệm và vay vốn do ông Lượng làm Tổ trưởng có 29 hộ vay, với tổng dư nợ 1,2 tỷ đồng. Các hộ vay trong tổ trả lãi đều hàng tháng và có số dư tiết kiệm tại NHCSXH trên 3 triệu đồng/hộ. Riêng ông đã có số dư tiết kiệm tại NHCSXH huyện lên đến 2 tỷ đồng. Ông nói, tiền thu từ bán sâm trong thời gian đến sẽ tiếp tục gửi thêm để NHCSXH dùng số tiền đó cho những hộ khác có khó khăn hơn để làm ăn.
Trong việc sinh hoạt tổ, ông thường nhắc nhở bà con phải siêng năng làm ăn để được khấm khá. Nếu có hộ nào không chấp hành ông sẽ giảm trừ số tiền công và giảm số cây sâm được thưởng hàng năm. Chính cách quản lý “rất riêng” này của ông Lượng đã giúp cho nhiều hộ dân vay vốn tham gia vào việc trồng và phát triển cây sâm rất hiệu quả, nhiều tổ viên trong tổ do ông quản lý nay đã thoát hẳn nghèo.
Chia tay vùng cao Nam Trà My về xuôi nhưng các thành viên Đoàn công tác chúng tôi vẫn mãi theo đuổi suy nghĩ, với cách làm như Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Nguyễn Văn Lượng, trong tương lai không xa, sâm Ngọc Linh sẽ giúp cho bà con ở xã Trà Linh và người dân huyện miền núi cao Nam Trà My thay đổi hẳn cuộc sống lam lũ vất vả trước kia.