Là ngân hàng được Chính phủ giao thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước trong đó có các chương trình tín dụng nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH đã để lại nhiều kết quả tốt đẹp trên con đường con đường xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã đánh giá NHCSXH là “điểm sáng” trong chính sách, pháp luật về giảm nghèo. Cùng với đó, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đã đánh giá: “Hoạt động tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện là một giải pháp có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn đất nước”.
Nhà tránh lũ ở miền Trung được xây dựng từ các nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định 48 (Ảnh: PV)
Trải qua 14 năm hoạt động với 20 chương trình tín dụng chính sách đến hết tháng 8/2016 tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 150.674 tỷ đồng với 8.403.763 lượt khách hàng còn dư nợ. Trong 20 chương trình tín dụng chính sách có 3 chương trình liên quan đến nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách mà NHCSXH đã và đang triển khai thực hiện đó là: Cho vay hộ nghèo về nhà ở; Cho vay nhà chòi phòng tránh lũ; Cho vay trả chậm nhà ở cho hộ dân Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên; tổng dư nợ của 3 chương trình là 4.578.960 triệu đồng với 539.543 khách hàng còn dư nợ.
Trên 500.000 căn nhà cho hộ nghèo được xây dựng nhờ nguồn vốn ưu đãi
Cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn (2009 - 2012) (Chương trình 167 giai đoạn 1) phải khẳng định rằng đây là một chương trình hỗ trợ nhà ở lớn nhất, hiệu quả nhất kể từ khi đất nước ta thực hiện đường lối đổi mới.
Nhìn lại quá trình triển khai thực hiện chương trình, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương cũng như các cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các địa phương và sự nỗ lực của toàn hệ thống NHCSXH. Qua 04 năm triển khai thực hiện, chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, vốn được truyền tải nhanh chóng đầy đủ, thuận tiện đến đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách với doanh số cho vay đạt 3.853.970 triệu đồng; Doanh số thu nợ đạt 10.963 triệu đồng;
Chương trình 167 giai đoạn 1 đã thể hiện sự quan tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, chứng tỏ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Nếu tính bình quân mỗi hộ được hỗ trợ nhà ở có 04 người, thì Chương trình đã giúp cho trên 2 triệu người có nhà ở an toàn, ổn định. Nhờ có nhà ở, đời sống vật chất và tinh thần của các hộ nghèo đã được cải thiện, nhiều hộ đã thoát nghèo. Thông qua Chương trình 167, đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc người nghèo, biết ơn người có công, xây dựng tình cảm gắn bó, đoàn kết anh em, dòng họ, tình nghĩa xóm làng, tăng cường tình đoàn kết quân - dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh, xã hội của Chính phủ.
Nối tiếp thành công Chương trình nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 1, ngày 10/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2) với thời gian thực hiện giai đoạn 2016 - 2020.
Chương trình nhà ở giai đoạn 2 được NHCSXH bắt đầu triển khai từ tháng 7/2016, qua 2 tháng triển khai doanh số cho vay đạt 18.532 triệu đồng với 743 hộ vay vốn và 743 căn nhà được xây dựng từ sự đầu tư của vốn tín dụng chính sách.
Tính đến hết 8/2016, dư nợ của chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở đạt 3.548.166 triệu đồng, số hộ vay vốn còn dư nợ là 447.839 hộ và đã có trên 500.000 căn nhà vững chắc cho hộ nghèo được xây dựng giúp dân có nơi cư ngụ an toàn, chất lượng cuộc sống được đảm bảo.
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Vì, dân tộc Tày ở thôn Bản Muổi, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái). Chồng bà tham gia cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đã hy sinh tại chiến trường, một mình bà phải nuôi các con khôn lớn. Nay các con bà đã lập nghiệp, xây dựng gia đình và ra ở riêng, còn bà ở với vợ chồng con trai út. Bà Vì nhớ lại: “Nhà dột nát, tạm bợ, nhiều đêm mưa gió cả nhà phải thức trắng để hứng nước mưa…”.
Thấy gia đình quá khó khăn, chính quyền địa phương đã giúp bà hoàn tất thủ tục để được làm nhà theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2010, được hỗ trợ 10,7 triệu đồng, cùng món vay 8 triệu đồng của NHCSXH, thêm các nguồn huy động từ anh em, thôn bản, gia đình bà Vì đã hoàn thiện được ngôi nhà mới. Từ ngày có ngôi nhà kiên cố, cuộc sống gia đình bà ổn định hơn.
Đến những ngôi nhà vượt bão, lũ, lụt cùng giúp dân an cư lạc nghiệp
Từ thực tế, những vùng đất ven biển miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long là những nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, lụt. Người dân nghèo vì lũ lụt. Trước thực trạng đó, Chính phủ luôn trăn trở làm sao để giúp bà con nghèo có được chỗ trú tránh an toàn, không còn cảnh nơm nớp lo sợ nước lũ dâng cao mỗi khi mùa bão đến, mùa nước nổi. Giải pháp về nhà ở giúp các hộ nghèo trong vùng thường xuyên bị thiên tai bão, lụt xây dựng nhà ở để giúp người dân có chỗ cư ngụ an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống và góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Một ngôi nhà được xây dựng kiên cố từ sự đầu tư của vốn tín dụng chính sách (Ảnh: Đ.H)
Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 48) về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền miền Trung đối với 13 tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận). Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ triển khai hỗ trợ cho khoảng 40.000 hộ khu vực miền Trung bị ảnh hưởng của lũ, lụt có nhà ở an toàn, ổn định để yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, có điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Chính sách hỗ trợ này ưu tiên những hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Mục tiêu của chương trình là: Hỗ trợ các hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” để xây dựng được căn nhà tránh bão lũ, cụ thể: Mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương 12-14-16 triệu đồng/hộ tùy theo đơn vị hành chính; vay vốn NHCSXH tối đa 15 triệu đồng/hộ, lãi suất 3%/năm với thời hạn 10 năm, trong đó thời gian ân hạn 5 năm.
Là đơn vị thực hiện cấp tín dụng cho chương trình tính từ khi bắt đầu triển khai 5/2015 đến nay NHCSXH cho vay được trên 8.400 hộ với số tiền trên gần 127.000 triệu đồng; dư nợ đến hết tháng 8/2016 của chương trình đạt 133.116 triệu đồng/9.102 khách hàng còn dư nợ.
Đến giờ ông Đoàn Đại Thêm, ở thôn Dương Nổ Cồn, ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những cơn lũ khiến bao nhiêu tài sản của gia đình ông trong phút chốc bị lũ cuốn. Ông nhớ lại: Gia đình nghèo chỉ có ngôi nhà cấp 4, khi lũ lên nhanh thì chỉ kịp đưa thành viên gia đình đến trú nhờ ở nhà cao tầng. Khi lũ rút trở về thì không còn gì cả, tài sản trong nhà cũng như lúa, gạo, gà vịt, trâu bò đều bị lũ cuốn trôi.
Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay thì gia đình không phải lo nữa, bởi gia đình ông đã được nhà nước hỗ trợ cho gia đình chị xây nhà chống lũ. Căn nhà ở kết hợp tránh lũ được đổ sàn bê-tông cốt thép, mái lợp prô xi-măng giúp yên tâm khi mưa lũ. Giờ thì tất cả đồ đạc quan trọng được đưa lên gác tránh lũ. Nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết cũng được chuẩn bị sẵn sàng.
“Hồi chưa có nhà tránh lũ, mỗi khi mưa lũ về là cực lắm. Giờ có lụt thì cũng không lo nữa. Đồ đạc dọn hết lên trên gác cao, Còn heo, bò, gà thì đưa lên trên đồi, mang đi chỗ khác” - ông Thêm phấn khởi nói.
Xã Phú Dương, huyện Phú Vang nằm trong vùng rốn lũ, chính vì vậy đây là địa phương bị thiệt hại nặng nề mỗi khi mưa lũ về. Bà Lê Thị Thu Hằng - Chủ tịch UBND xã Phú Dương, huyện Phú Vang cho biết, Phú Dương cũng là một trong những vùng rốn lũ. Hầu như cơn lũ nào thì địa phương cũng bị ngập chìm trong nước. Từ khi triển khai xây dựng nhà tránh lũ, người dân trong xã rất yên tâm. Bởi nhà tránh lũ không chỉ giúp cho dân đảm đảm an toàn tính mạng mà giúp người dân bảo quản được tài sản của mình.”
Còn chương trình cho vay trả chậm nhà ở cho hộ dân Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên được triển khai từ những năm đầu tiên thành lập NHCSXH, doanh số cho vay từ khi thực hiện chương trình đến nay là 1.121.379 triệu đồng, doanh số thu nợ là 997.678 triệu đồng; đã có 104.739 căn nhà được xây dựng giúp cho đồng bào trong vùng được thụ hưởng chính sách.
Đến hết tháng 8/2016, dư nợ của chương trình cho vay trả chậm nhà ở cho hộ dân Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên là 997.678 triệu đồng/82.602 hộ còn dư nợ.
Bà Nguyễn Thị Nhiểm ở nền số 4, Lô 1, ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên (An Giang) năm 2014 được vay 20 triệu đồng để xây nhà phấn khởi nói “Từ khi về đây ở không còn lo nước ngập vào nhà, lo chạy lũ, giao thông đi lại thuận tiện. Hiện tôi và gia đình làm buôn bán nhỏ ngoài chợ, thu nhập ổn định cuộc sống không còn bấp bênh như trước đây.”
Có thể nói, những chính sách về nhà ở giúp dân vùng thường xuyên bị ngập lũ, lụt đã mang lại những kết quả rõ rệt. Đó là người dân đã yên tâm có nhà ở an toàn, ổn định từ đó đã yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, có điều kiện để vươn lên thoát nghèo; giúp dân an cư lạc nghiệp và đồng thời góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.
Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu đã và đang tác động, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đến cuộc sống của người dân. Đồng bào nơi thường xuyên xảy ra thiên tai luôn luôn phải hứng chịu những khó khăn không thể đoán trước. Để thực sự giúp họ đứng vững rất cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, sự chung tay giúp đỡ của xã hội trong huy động nguồn lực thực hiện chương trình giúp người dân khắc phục và khai thác để chung sống với lũ đảm bảo an toàn, ổn định và phát triển bền vững.