Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Người đặt nền móng cho công cụ “chuyên biệt” xóa đói giảm nghèo

Thứ sáu, 30/03/2018 17:18
(ĐCSVN) - “Trong tâm trí của tôi, anh Sáu Khải không phải là ngọn lửa cháy bùng bùng mà là một lò lửa cháy âm ỉ, bền bỉ nuôi dưỡng công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước ngày càng đủ độ chín”.

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan đã viết như thế trong bài báo “Anh Sáu Khải, người “nhóm lửa” cho công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước đăng trên Báo Nhân Dân điện tử ngày 20/3/2018. Và trong công cuộc ấy, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn luôn day dứt là nước ta còn nghèo quá, bà con nông dân, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người còn chịu quá nhiều cơ cực, nhọc nhằn. “Khi tham gia lãnh đạo Chính phủ, tôi được phân công phụ trách cả công tác dân tộc và được chứng kiến mối quan tâm thường xuyên của anh đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo, luôn sẵn lòng “mở hầu bao” cho các chương trình hỗ trợ bà con ở vùng sâu, vùng xa”.

 

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu tại buổi làm việc với NHCSXH, ngày 14/2/2006 (Ảnh: Việt Hải)


Còn như trong bài viết trên báo mới đây của nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng  Chính phủ Đoàn Mạnh Giao kể lại một đoạn hội thoại của mình với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải “Trước đây, chúng ta luôn nói về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng nhiều người chưa thực sự hiểu rõ nội hàm của nó. Nhưng trong mắt em, chính phong trào xoá đói giảm nghèo mà anh làm, xuất phát từ những đốm lửa nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh chính là “định hướng xã hội chủ nghĩa” của nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang mơ ước xây dựng được”.

Những câu chuyện xúc động ấy gợi cho chúng tôi cùng Bí thư Đảng ủy NHCSXH Trung ương, Ủy viên HĐQT - Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng tìm về miền ký ức của hơn 15 năm trước, thời điểm mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký vào 2 văn bản quan trọng là Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và Quyết định 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập NHCSXH với việc đặt nền móng cho hoạt động tín dụng chính sách và sự ra đời của NHCSXH với tầm nhìn xa rộng về một công cụ hữu hiệu đảm bảo tăng trưởng thực hiện công bằng xã hội trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ tinh thần vì dân

Có thể nói, sự ra đời của 2 văn bản này đã không chỉ gom lại các chính sách tín dụng đang rải rác ở nhiều nơi ngày ấy và tách biệt giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại tại các NHTM, việc cho ra đời NHCSXH với việc tập trung về một mối các chương trình tín dụng chính sách xã hội thể hiện trách nhiệm của Đảng và Nhà nước với bà con nhân dân tại những vùng nghèo, những người thuộc diện đối tượng chính sách xã hội. Sự quan tâm và trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ càng thêm rõ khi “những ngày tháng vạn sự khởi đầu nan ấy” hoạt động của NHCSXH luôn được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải quan tâm, dõi theo với 3 lần đến làm việc cũng như chỉ đạo trong các văn bản có ý nghĩa lớn thúc đẩy sự hoàn thiện mô hình hoạt động của NHCSXH.

 

Ngày 11/3/2003, Thủ tướng Phan Văn Khải cắt băng khai trương hoạt động NHCSXH (Ảnh: Tư liệu)

Ngày 11/3/2003 tại Hà Nội, Thủ tướng Phan Văn Khải đến dự, cắt băng khai trương hoạt động của NHCSXH cùng lời nhắn nhủ hoạt động của NHCSXH phải vừa đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế nâng cao sức cạnh tranh vừa phải đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo cho những đối tượng chính sách xã hội đối tượng người nghèo, vùng nghèo được hưởng bình đẳng với các vùng miền khác trong cả nước. Ông chỉ rõ “Việc tập trung thực hiện tín dụng chính sách là thúc đẩy thực hiện nhanh và có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo”.

Một tuần sau đó, ngày 18/3/2003, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 05/2003/CT-TTg yêu cầu các ngành, các cấp bảo đảm mọi điều kiện thuận lợi cho NHCSXH hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong đó, ông chỉ đạo các NHTM, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, có trách nhiệm chuyển giao số cán bộ đã tham gia hoạt động trong lĩnh vực tín dụng chính sách và dành ưu tiên một số cán bộ khác có đủ năng lực, phẩm chất và tâm huyết với người nghèo cho NHCSXH. Chính nhờ “chất xúc tác này”, ngày ấy dù ra đời trong muôn vàn thiếu thốn từ cơ sở vật chất đến nguồn vốn, NHCSXH cũng đã nhanh chóng có được đội ngũ cốt cán khẩn trương triển khai việc huy động vốn để mở rộng cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; đảm bảo cho tín dụng chính sách được tiếp nối liên tục, không gây ách tắc và thiệt thòi cho lợi ích chính đáng của người dân như Thủ tướng chỉ thị.

Từng trong ngành tài chính ngân hàng, lại từng trên cương vị lãnh đạo của một thành phố lớn trên cả nước “châm lửa” cho phong trào xóa đói giảm nghèo, sự thấu hiểu cả về chính sách lẫn “tiếng lòng” của dân càng làm ông quan tâm đến hoạt động của NHCSXH. Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Uỷ viên HĐQT NHCSXH, Nguyễn Quốc Huy nhớ lại sau một năm hoạt động, khi NHCSXH gửi báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Phan Văn Khải đọc rất kỹ bản báo cáo, dùng bút mực đỏ gạch chân nhiều đoạn và phê chi chít bên lề. Thủ tướng cho gọi ông lên và bảo: “Anh nghe mấy đứa báo cáo NHCSXH vừa tách khỏi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, còn thiếu thốn nhiều thứ quá, chưa có cả nơi làm việc. Quốc Huy bàn với các Bộ xem có cách gì giúp NHCSXH”. Rồi đột nhiên, Thủ tướng hỏi: “Muốn xây dựng được hệ thống trụ sở cho NHCSXH tương đối hoàn chỉnh thì mất khoảng bao lâu?” Ông đã thưa với Thủ tướng, hệ thống Kho bạc Nhà nước và Tổng cục Thuế phải xây dựng mất từ 10 đến 15 năm, NHCSXH chắc cũng không ít hơn. Thủ tướng trầm ngâm một lúc rồi hỏi tiếp: “Có cách gì nhanh hơn không?”. Sau đó chưa đầy một tháng, ngày 16/3/2004, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 09/2004/CT-TTg tạo bước ngoặt trong việc hình thành hệ thống cơ sở vật chất cho NHCSXH.

Cùng với những chỉ đạo quyết liệt tạo điều kiện cho NHCSXH hoạt động, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2004, cùng với việc biểu dương những thành quả bước đầu hệ thống sau một năm vận hành, ông kỳ vọng “NHCSXH ngày càng phải giúp được nhiều người nghèo vay vốn vươn lên thoát nghèo và phải thực sự trở thành người bạn đồng hành tin cậy của người nghèo”.

Cũng trên tinh thần nhìn nhận vốn tín dụng là giải pháp quan trọng cho người dân vươn lên thoát nghèo, tăng cường tính bền vững xóa đói giảm nghèo. Ngay từ ngày đó, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã đặt ra quan điểm phải phát động mạnh mẽ trong cả nước một phong trào cách mạng của quần chúng, của cả hệ thống chính trị chung tay xóa đói giảm nghèo. Tinh thần này được ghi rõ trong Chỉ thị số 09 “Các cấp chính quyền phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể quần chúng, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát động phong trào thi đua sôi nổi trong cả nước, khơi dậy và huy động tiềm lực của toàn dân, của mỗi xóm, làng, của mỗi gia đình và dòng tộc,... phấn đấu để nhanh chóng xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho mình và cho đất nước; góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

“Chính sách giảm nghèo không chỉ là đưa người nghèo thoát nghèo mà quan trọng là không để họ tái nghèo, phải giúp các gia đình làm ăn vươn lên làm giàu, có như vậy công cuộc xóa đói giảm nghèo mới hiệu quả và bền vững. NHCSXH cần phát huy tốt vai trò tín dụng chính sách xã hội là chiếc cầu giúp những người nghèo chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá theo kinh tế thị trường, vượt qua đói nghèo và tiến tới làm giàu chính đáng”, ông chỉ ra có được như vậy thì mới bền vững. “Còn nếu chúng ta làm cứu tế thì không thể nào đưa người nghèo ra khỏi đói nghèo và chúng ta thực hiện bao cấp cũng không thể kích thích sự vươn lên của những gia đình nghèo đói”, ông phân tích.

 

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2004 của NHCSXH (Ảnh: Tư liệu)

Chỉ rõ nhiệm vụ của NHCSXH là nỗ lực cùng Chính phủ giảm nhanh tỷ lệ hộ đói nghèo trong buổi làm việc với NHCSXH năm 2006, ông định hướng “Xóa đói giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng lâu dài”. “Muốn xóa đói giảm nghèo bền vững thì không chỉ mang tiền đến cho dân vay là xong mà phải còn giúp dân sử dụng đồng vốn biết cách làm ăn, tạo cho họ ý thức vươn lên để thoát ngèo và không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước”. Hướng phát triển của NHCSXH cũng thêm một lần nữa được nhắc lại “Hướng hoạt động của NHCSXH trọng tâm, trọng điểm là miền núi, vùng đồng bào dân tộc, gia đình nghèo. Tất cả những gia đình nghèo NHCSXH phải có mặt. Cán bộ ngân hàng phải đến từng người dân, đến từng hộ thì mới biết họ cần cái gì chứ không phải chỉ có nghiệp vụ cho vay, nghiệp vụ đưa tiền ra thu tiền về”.

 ... đến tầm nhìn chính sách

Tinh thần vì dân và đặt nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo là quan trọng và lâu dài, cũng có thể thấy trong tầm nhìn chiến lược đối với những chính sách cũng như hành lang pháp lý cho hoạt động này.

 

Nguồn vốn tín dụng chính sách hơn 15 năm qua đã giúp 31,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển SXKD (Ảnh: Tư liệu)


Điểm lại Nghị định số 78 đã cho thấy một tinh thần tín dụng chính sách rộng và linh hoạt, không chỉ là những đối tượng đang được hưởng chính sách ưu đãi theo các văn bản hiện hành của Nhà nước ngày đó. Với một khoản để ngỏ: “Các đối tượng khác khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ”. Chính sự không bó cứng này đã khiến chính sách “bắt nhịp” cùng đời sống để từ đó NHCSXH có thể tham mưu cùng Chính phủ những chính sách tín dụng phục vụ nhu cầu thiết thân của người dân, góp phần hoàn thiện hệ thống các chính sách tín dụng xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau.

“Việc dành vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay ưu đãi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống là bản chất của chế độ ta và là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, các ngành, các cấp cần tập trung sức nâng cao năng lực tài chính cho NHCSXH để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”. Tinh thần này cũng đã được cụ thể hóa trong Nghị định số 78 với sự tham gia góp vốn của các NHTM Nhà nước bên cạnh nguồn vốn của Chính phủ, nguồn vốn của các tổ chức quốc tế, huy động trái phiếu phục vụ cho vay xóa đói giảm nghèo.

Hay như trước đây, việc tranh thủ nguồn vốn ngân sách địa phương cho tín dụng xóa đói giảm nghèo cũng đã được đặt ra, nhưng vì số vốn đó cũng được ngân hàng cho vay theo cơ chế chung, nên đã không khuyến khích sự đóng góp của các địa phương. Chính vì vậy việc thay hình thức “đóng góp” bằng hình thức “ủy thác”, tức là khi địa phương tiết kiệm được ngân sách thì ủy thác cho ngân hàng cho vay theo cơ chế ưu đãi riêng của địa phương vẫn còn nguyên giá trị mà Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội thêm một lần nữa yêu cầu sự đóng góp của địa phương cả trí lực và công của với con đường xóa đói giảm nghèo. Thực tế những năm vừa qua đã cho thấy cách thức huy động vốn mới này không những đã khuyến khích các địa phương có điều kiện mà ngay cả các địa phương còn khó khăn cũng cố gắng tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách để bổ sung nguồn vốn tín dụng xóa đói giảm nghèo.

Hơn 15 năm đi trên con đường lý tưởng và kim chỉ nam hành động mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã vạch ra ngày ấy, hiệu quả hoạt động của NHCSXH đã chứng minh tính đúng đắn của việc cho ra đời một mô hình hoạt động và các chương trình tín dụng đặc thù. Tín dụng chính sách là một giải pháp có tính nhân văn sâu sắc, một trong những “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo như Quốc hội đánh giá, cùng với sự vận hành sáng tạo của toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động NHCSXH kết nối cả hệ thống chính trị - xã hội chung tay xóa đói giảm nghèo như nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo.

Thực tế nhu cầu cuộc sống được kết nối trong các chính sách tín dụng xã hội đã minh chứng nghèo khó không phải là định mệnh. NHCSXH đã kiến nghị cùng Chính phủ tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc cũng như ban hành nhiều chính sách mới thiết thân để hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ những chương trình tín dụng có tính chất hỗ trợ người dân không chỉ thoát nghèo mà là thoát nghèo bền vững như cho vay hộ cận nghèo (năm 2013), cho vay hộ mới thoát nghèo (năm 2015), đến các chính sách mang tính thời cuộc cấp thiết như các chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giải quyết việc làm, xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt ở miền Trung, làm nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL,... Dòng vốn tín dụng chính sách đã bắc nhịp cầu nối người dân với kinh tế hàng hóa, ươm mầm nuôi dưỡng khát vọng làm giàu, cải thiện đời sống.

Cũng bởi vậy, nhìn lại hành trình hoạt động 15 năm qua, từ bước khởi điểm ban đầu có 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao, đến nay NHCSXH đã và đang cho vay 20 chương trình tín dụng chính sách cùng nhiều chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác cho NHCSXH thực hiện.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến hết năm 2017 đạt trên 171 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 18,8%, với trên 6,7 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ là 13.636 tỷ đồng, với hơn 455 nghìn hộ còn dư nợ. Dư nợ của NHCSXH tập trung chủ yếu vào 8 chương trình tín dụng lớn, chiếm trên 97% tổng dư nợ. Dòng vốn chính sách vì thế không chỉ giúp người dân tạo lập sinh kế, mà trở thành chiếc “phao cứu sinh” hỗ trợ họ tái sản xuất khi gặp rủi ro để rồi thêm một lần chạm vào cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Nhìn lại 15 năm, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, giúp trên 31,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt hơn 424,1 nghìn tỷ đồng; góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,7 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trên 104 ngàn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL, gần 525 ngàn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; trên 111 ngàn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài,...

Những thành quả đó góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%, giai đoạn 2011 - 2015 là 14,2%, giai đoạn 2016 - 2020 theo tiêu chí nghèo đa chiều là 9,88%; đồng thời giảm số lượng xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn từ 4.188 xã, 428 huyện, 57 tỉnh (năm 2007) xuống còn 3.815 xã, 420 huyện, 53 tỉnh (năm 2017).

Và như kỳ vọng ngày nào của Thủ tướng Phan Văn Khải, hệ thống chính trị - xã hội đã chung tay cùng công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nguồn vốn của NHCSXH giờ không chỉ có tiền gửi 2% của các TCTD Nhà nước, được phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để bổ sung nguồn vốn hoạt động cho NHCSXH mà còn từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường đặc biệt các nguồn ủy thác từ ngân sách các địa phương, kể từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn này đã tăng lên rất mạnh.

Cơ cấu nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách hiện nay chuyển biến theo hướng tăng nguồn vốn, NHCSXH tự huy động, giảm dần tỷ lệ vốn cấp từ ngân sách Nhà nước, thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, mặc dù có những thời điểm khó khăn nhưng nguồn vốn tín dụng chính sách thời gian qua đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Những thành công và nền tảng đã có là cơ sở để NHCSXH theo đuổi mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đặt ra, đặc biệt với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đó vừa là trách nhiệm, niềm tự hào nhưng cũng đầy những thách thức mới trong cả lĩnh vực huy động vốn và cho vay. Bởi khi tỷ lệ giảm nghèo ngày càng co lại không tỷ lệ thuận với công tác giảm nghèo nhẹ gánh, bởi đó là phần sâu thẳm của lõi nghèo, mà nhiều năm qua, NHCSXH đã và đang nhọc nhằn mở đường cho vốn đến. Công cuộc hội nhập kinh tế cùng những thách thức từ biến đổi khí hậu, biến động giá... cũng đang trở thành một rào cản cho dòng vốn thông dòng “bén rễ” vào đời sống kinh tế.

Đi trên con đường thực hiện chính sách tín dụng xóa đói giảm nghèo còn dài phía trước, với nhiều khó khăn thử thách ấy, mỗi cán bộ NHCSXH vẫn không nản. Bởi trong trái tim họ là tình yêu đối với đồng bào ruột thịt và lời nhắn nhủ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải mà lớp lớp các thế hệ lãnh đạo, viên chức NHCSXH đã khắc cốt ghi tâm “để tình trạng đói nghèo kéo dài dù một ngày là chúng ta và cả hệ thống chưa làm hết và đầy đủ trách nhiệm với dân”.

 

Việt Hải (KCNB)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực