(ĐCSVN) – Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), NHCSXH tỉnh Hậu Giang về cơ bản đã đạt các chỉ tiêu đặt ra, bước đầu hỗ trợ hiệu quả đối tượng nghèo và cận nghèo trên địa bàn.
Trước đó, đến cuối năm 2011, nợ quá hạn của chi nhánh chiếm tỷ lệ cao (8,29%); huy động tiết kiệm của Tổ viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đạt thấp (7,3 tỷ đồng); có nhiều Tổ TK&VV yếu kém, hoạt động không hiệu quả, sai sót nhiều (chiếm 22,5%). Nợ lãi tồn đọng, nợ bị chiếm dụng và nợ không đủ điều kiện đổi sổ vay vốn ở mức cao... Thực trạng này đã được báo cáo và đánh giá chi tiết tại Báo cáo số 1208/BC-NHCS ngày 6/4/2012 của Tổng giám đốc NHCSXH về đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại các chi nhánh NHCSXH vùng Tây Nam Bộ, yêu cầu các chi nhánh vùng Tây Nam Bộ xây dựng đề án của chi nhánh.
|
Nông dân Hậu Giang vay vốn ưu đãi thoát nghèo bền vững (Ảnh: PV) |
Căn cứ Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đến năm 2014 của chi nhánh Hậu Giang đã được Tổng Giám đốc phê duyệt, Chi nhánh đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp và đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, đến cuối năm 2014, nợ quá hạn (NQH) của chi nhánh là 10.280 triệu đồng, chiếm 0,7% tổng dư nợ. So với 31/12/2011, giảm 69.162 triệu đồng (đạt tỷ lệ là 87,05%); có 7/7 đơn vị trực thuộc hoàn thành vượt chỉ tiêu Đề án, trong đó đơn vị có tỷ lệ NQH thấp nhất là 0,42%, đơn vị có tỷ lệ NQH cao nhất là 1,13% (toàn tỉnh còn 3/74 xã có NQH>2%).
Về nợ bị chiếm dụng, đến cuối năm 2014, 100% đơn vị hoàn thành chỉ tiêu. Chỉ tiêu nợ chiếm dụng được phê duyệt đến cuối năm 2014 là 281 triệu đồng. Đến nay, nợ bị chiếm dụng của chi nhánh còn 16 triệu đồng, so với năm 2011 giảm 668 triệu đồng.
Về chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV, đến cuối năm 2014, tổng số tổ TK&VV của Chi nhánh là 2.298 tổ. Trong đó, số tổ xếp loại tốt là 1.607 tổ, chiếm tỷ lệ 69,9% (tăng so với cuối năm 2011 là 57,9%); không còn tổ TK&VV xếp loại yếu, kém. 100% đơn vị hoàn thành vượt chỉ tiêu chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV đã được phê duyệt đến cuối năm 2014.
Về nợ không đủ điều kiện đổi Sổ vay vốn và phải xử lý, đến cuối năm 2014 là 3.957 triệu đồng với 1.251 hộ, so với 31/12/2011 giảm 9.690 triệu đồng (tỷ lệ giảm 71,01%), đạt 102,9% chỉ tiêu của Đề án.
Chỉ duy nhất, lãi tồn đọng của Chi nhánh không đạt. Đến cuối năm 2014, tổng số lãi tồn đọng chưa thu được của Chi nhánh là 21.469 triệu đồng, giảm 6,866 triệu đồng so với 31/12/2013 nhưng tăng 5,809 triệu đồng so với cuối năm 2011, không đạt chỉ tiêu đề án (4.667 triệu đồng). Điều này được lý giải là do một số chương trình cho vay đang trong thời gian ân hạn nhưng hộ vay đăng ký trả lãi hàng tháng (vẫn nợ lại khoản lãi đã phát sinh trước): chương trình cho vay HSSV, cho vay nhà vượt lũ ĐBSCL, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quyết định 167, nhiều món vay quá hạn khó có khả năng thu hồi (chương trình XKLĐ, hộ vay bỏ địa phương đi làm ăn xa không về, các khoản lãi của nợ khoanh....).
Cùng với những kết quả khá sáng sủa và nhiều thuận lợi khi triển khai, chi nhánh NHCSXH Hậu Giang cũng vẫn gặp khó khăn khi thực hiện Đề án. Đó là: Một bộ phận người dân khi vay vốn tín dụng chính sách chưa nhận thức được có vay có trả, dẫn đến tư tưởng ỷ lại, không chịu khó tính toán, làm ăn hoặc thiếu ý thức trả nợ; Vai trò của UBND cấp xã trong việc định hướng, tuyên truyền, khuyến nông, lâm, ngư, chuyển giao kiến thức, kỹ thuật còn hạn chế; Một bộ phận dân cư thiếu tư liệu sản xuất (không có đất đai) bỏ đi nơi khác sinh sống, làm ăn xa ảnh hưởng đến công tác thu nợ, thu lãi của NHCSXH.
Đề cập tới tính hiệu quả khi thực hiện Đề án tại Chi nhánh NHCSXH Hậu Giang, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Chủ tịch Hội nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác là một chủ trương, chính sách lớn và hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Trong thời gian qua, Hội Nông dân huyện cũng đã xây dựng kế hoạch và phối hợp các ngành chuyển giao khoa học kỹ thuật, truyền tải vốn đến tay hộ nghèo có hiệu quả, phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho hội viên nông dân, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay NHCSXH, góp phần giảm hộ nghèo một cách bền vững, tích cực chỉ đạo Hội Nông dân cơ sở, đồng thời phối hợp chặt chẽ với NHCSXH, các ngành tổ chức thực hiện đồng bộ để sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi hiệu quả.
Cũng theo ông Hoàng Dũng, với sự chỉ đạo thường xuyên và sự sát sao của Huyện ủy, UBND, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện và sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Nông dân huyện và NHCSXH trong việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, qua 3 năm phối hợp triển khai Đề án, tín dụng ủy thác của Hội Nông dân huyện Châu Thành đạt được một số kết quả cụ thể: nợ quá hạn đến cuối 2014 là 432 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,61% trên tổng dư nợ, giảm 1.461 triệu đồng so với đầu năm 2011 (tỷ lệ giảm là 77,2%). Có 8/9 Hội Nông dân cấp xã có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%, chỉ còn 1/9 Hội Nông dân cấp xã có tỷ lệ nợ quá hạn là 1,3%; tổ chức thu hồi dứt điểm vốn bị chiếm dụng của 2 trường hợp Tổ trưởng TK&VV hồi đầu 2012 và ngăn chặn không để phát sinh thêm trường hợp chiếm dụng nào. Đến tháng 12/2014, nợ không đủ điều kiện đổi sổ vay vốn và phải xử lý chỉ còn 79 món với số tiền là 350 triệu đồng, giảm 337 triệu đồng (tỷ lệ giảm là 41,1%) so với 31/12/2011 và giảm 224 món (tỷ lệ giảm 73,9%) so với 31/12/2011. Đầu năm 2012, tỷ lệ tổ xếp loại tốt là 12%, tỷ lệ tổ xếp loại yếu là 5,6%; đến nay, tỷ lệ tổ xếp loại tốt là 63,5% (tăng 51,5% so với thời điểm xây dựng Đề án) và không còn tổ xếp loại yếu. Đầu năm 2012, tỷ lệ số Tổ TK&VV có số dư tiết kiệm/tổng số Tổ TK&VV là 56%, đến tháng 12/2014, đã có 100% Tổ TK&VV có số dư tiết kiệm...
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành cho biết thêm, để tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đạt, năm 2015 và những năm tiếp theo, Hội sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ với Phòng giao dịch NHCSXH huyện, có những biện pháp tích cực tuyên truyền các chính sách tín dụng, quản lý điều hành hoạt động của Tổ TK&VV nhằm giúp làm tốt vai trò nhiệm vụ của tổ. Chỉ đạo Hội cơ sở làm tốt vai trò nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các Tổ TK&VV, xử lý và giải quyết kịp thời nợ lãi, nợ quá hạn, chủ động đôn đốc các khoản nợ sắp đến hạn, phối hợp với Khuyến nông tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các thành viên trong Tổ để ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả, nhân rộng mô hình làm ăn đạt hiệu quả cao, góp phần vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Bên cạnh đó, Hội cũng xây dựng Kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, tăng cường công tác quản lý sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, giữ vững lịch sinh hoạt hàng tháng của tổ, chăm lo đời sống sản xuất thiết thực cho các thành viên trong tổ.