NHCSXH: Hơn 3,3 triệu lượt học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn học tập

Thứ ba, 27/09/2016 16:30
(ĐCSVN) - Sau 9 năm thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/9/2007, NHCSXH đã tạo điều kiện cho hàng triệu HSSV thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập và lập nghiệp.

Tính đến 31/8/2016, tổng doanh số cho vay của chương trình đạt trên 56 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ gần 21 nghìn tỷ đồng với trên 3,3 triệu lượt HSSV được vay vốn để tiếp tục đến trường.

Vốn vay ưu đãi đã giúp cho các em HSSV nghèo thực hiện được ước mơ nơi giảng đường đại học, cao đẳng (Ảnh tư liệu)

Chắp cánh cho học sinh, sinh viên nghèo

Gia đình hộ nghèo Trần Xuân Điện ở thôn Đông Lạc, xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh có 4 con gái và đều nhờ nguồn vay vốn từ chương trình tín dụng HSSV mà cả 4 người con đều được học hành đến nơi đến chốn. Tâm sự với chúng tôi, ông Điện kể rằng, vì đông con, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chật vật, bởi ông bà đều là cựu chiến binh, thanh niên xung phong xuất ngũ, tuổi tác và thương tật gây ảnh hưởng tới sức khoẻ, nên lo cho các con ngày 2 bữa còn chật vật, thì kiếm tiền lo việc học hành cho con cái lại càng khó khăn hơn. Chính nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, 4 cô con gái của ông bà lần lượt thi đỗ vào các trường đại học. “Liên tiếp 5 năm liền, NHCSXH đã cho gia đình tôi vay đến 85 triệu đồng để đầu tư chi phí học tập cho 4 cháu. Nay 2 con tôi đã ra trường, gửi tiền lương về giúp bố mẹ trả nợ cho ngân hàng được 45 triệu đồng” – ông Điện kể.

Trên địa bàn huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh cũng xuất hiện không ít những gia đình đã định hướng, nuôi dạy con ăn học thành tài, nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Đức Lạc, vốn là hộ cận nghèo có 4 người con, 2 trai và 2 gái. Các cháu đều chăm ngoan, học giỏi, thi đỗ vào các trường đại học. Khi con nhận được giấy trúng tuyển, bố mẹ vui mừng khôn xiết, song kèm theo đó là nỗi lo âu về cơm áo gạo tiền, nhất là chi phí học hành cho con bởi gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng. Chị Hoa chia sẻ: “Nếu không vay được vốn ưu đãi thì gia đình tôi không biết xoay xở thế nào, giờ các cháu đã ra trường và có việc làm ổn định. Tiền lương đi làm của các con gửi về cùng với vốn liếng dành dụm từ chăn nuôi bò, vợ chồng tôi đã trả nợ hết các khoản vay của NHCSXH. Hiện gia đình tôi đã thoát nghèo, trong xã ai cũng lấy gương gia đình tôi để làm gương cho các cháu theo đuổi giấc mơ học tập của mình”.

Huy động được sự phối hợp tham gia của cộng đồng

Có thể thấy, từ khi thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV đến nay, sau 9 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, trở thành điểm tựa cho hàng triệu HSSV trong cả nước hướng tới những ước mơ học tập.

Thông kê của NHCSXH nêu rõ, đến nay, tổng doanh số cho vay của chương trình đạt trên 56 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ gần 21 nghìn tỷ đồng với trên 3,3 triệu lượt HSSV được vay vốn học tập và lập nghiệp. Nguồn vốn cho vay đã linh động qua từng năm. Năm 2008, mỗi sinh viên được vay 8 triệu đồng/năm, đến nay đã tăng lên 11 triệu đồng/năm. Mức lãi suất cũng được điều chỉnh từ 0,65%/tháng còn 0,55%/tháng, đáp ứng nhu cầu thực tế của HSSV và điều kiện kinh tế xã hội hiện nay.

Để đạt được kết quả đáng khích lệ như vậy, đó là nhờ sự đồng tình ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là con em hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Trong quá trình triển khai thực hiện, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác và các Tổ tiết kiệm & vay vốn đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước đến nhân dân; chủ động tìm kiếm, huy động mọi nguồn lực để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của HSSV; hướng dẫn cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích và quản lý, giám sát thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi. Đảm bảo công khai, minh bạch, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình triển khai chủ trương, chính sách đồng thời thường xuyên tuyên truyền để người vay nâng cao ý thức, phát huy hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay.

Đây là một chương trình tín dụng có quy mô lớn và có ý nghĩa xã hội – nhân văn sâu sắc, đóng góp tích cực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy, phát triển giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội. Kết quả thực hiện trong thời gian vừa qua đã cho thấy tính đúng đắn và hiệu quả của chương trình và được Chính phủ chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực