|
|
Mọi thông tin chính sách được NHCSXH niêm yết công khai ngay tại Điểm giao dịch xã để bà con, nhân dân tìm hiểu (Ảnh: TN) |
Huyện Quảng Trạch được chia tách từ tháng 6 năm 2014, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng Huyện ủy,HĐND, UBND, các cấp, ngành trên địa bàn huyện đã luôn chú trọng đến công tác giảm nghèo, tạo việc làm cho nhân dân.Ngay từ khi Chỉ thị 40-CT/TW được ban hành, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo các tổ chức trong màng lưới tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa huyện Quảng Trạch đã có sự chuyển biến rõ rệt và tích cực, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện Quảng Trạch đã xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương, thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, các cấp ủy đảng, chính quyền trong toàn huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn; phối hợp giữa các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của NHCSXH huyện, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả. Chính quyền, Ban chỉ đạo giảm nghèo các xã đã thường xuyên tổ chức khảo sát, phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để có cơ sở cho vay, đồng thời thường xuyên chỉ đạo nắm bắt nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách để đề xuất bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu nguồn vốn kịp thời, giải ngân nhanh chóng đến đúng tay người thụ hưởng.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy vai trò tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; nâng cao năng lực giám sát của người dân.Hoạt động tín dụng chính sách do NHCSXH huyện đảm nhiệm đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác xóa đói, giảm nghèo. Các phòng,ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên), cấp huyện, cấp xã đều tích cực tham gia, hỗ trợ tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách của Nhà nước do NHCSXH thực hiện, nhất là trong các hoạt động như: Tạo lập nguồn vốn, xây dựng cơ sở vật chất và đóng góp thời gian, công sức để giúp NHCSXH huyện nói riêng và hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung ngày càng phát triển.
Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện; đến nay 18/18 Chủ tịch UBND xã đã tham gia Ban đại diện huyện, thường xuyên tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát...
Tính đến nay, nguồn vốn cho vay đạt trên 462tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ủy thác của UBND huyện ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn là 1.979 triệu đồng, tăng 1.684 triệu đồng (+670%) so với khi chưa có chỉ thị 40/CT-TƯ.
Trong 5 năm đã cho vay trên 669 triệu đồng với gần 21 ngàn lượt hộ vay, thu nợ đạt 416,5 triệu đồng. Dư nợ đạt 453.905 triệu đồng, tăng 219.524 triệu đồng so với năm 2014 (+193,6%) và nợ quá hạn còn 684 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,15% trên tổng dư nợ, giảm 96 triệu đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Có 8 xã không có nợ quá hạn.
UBND và các Hội, đoàn thể cấp xã đã chủ động bình xét cho vay, kiểm tra giám sát, hướng dẫn hộ vay phương thức làm ăn… Hiện có trên 99% dư nợ cho vay của NHCSXH được ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội và được quản lý thông qua các Tổ TK&VV. Các Tổ TK&VV được sắp xếp theo địa bàn dân cư, tổ chức và hoạt động theo quy định. Chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV được tăng lên, tỷ lệ tổ xếp loại tốt và khá chiếm 98%. Hệ thống Điểm giao dịch của NHCSXH trải khắp trên toàn huyện xuống tận các xã là điều kiện để xóa tình trạng xã trắng tín dụng của Nhà nước. Mô hình “Điểm giao dịch của NHCSXH tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã” là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo được tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.
Các chương trình tín dụng Chính phủ giao cho NHCSXH thực hiện cho vay trong giai đoạn 2014 -2019 đã góp phần quan trọng trong việc ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế của gia đình và địa phương. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 14,11% năm 2014 xuống còn 7,01% năm 2018, có 8/18 xã đã về đích nông thôn mới, đạt tỷ lệ 44,4%.
Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tạo cho trên 8 ngàn lao động có việc làm mới, phát triển và khôi phục lại nhiều ngành nghề trên địa phương. Học sinh sinh viên thuộc hộ gia đình khó khăn đã được hỗ trợ cho vay để trang trải chi phí trong quá trình học tập. Có trên 9 ngàn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ngày càng được xây dựng kiên cố. Các hộ nghèo dần được đầu tư nhà ở đảm bảo phòng tránh bão lụt, yên tâm làm ăn.
Nhiều mô hình làm ăn hiệu quả nổi lên nhờ nguồn vốn vay ưu đãi như các mô hình chăn nuôi tổng hợp tại các xã Quảng Châu, Quảng Phương. Phát triển trồng rừng sản xuất ở xã Quảng Hợp; mô hình chăn nuôi đại gia súc sinh sản tại các xã miền núi của huyện.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, UBND huyện Quảng Trạch sẽ tiếp tục chỉ đạo chính quyền các cấp quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.Nhận thức được rằng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân đồng tình đón nhận. Tạo niềm tin lớn vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đã góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.