Không bao lâu nữa, NHCSXH Quảng Ngãi cùng các đơn vị bạn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước bước sang năm thứ 20 hoạt động (NHCSXH được thành lập theo Quyết định số 131/2002 của Thủ tướng Chính phủ). Chặng đường xây dựng phát triển ấy, NHCSXH Quảng Ngãi nói riêng và NHCSXH Việt Nam nói chung đã trải qua bao thăng trầm, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách song cũng đạt những thành nổi bật, tạo ấn tượng tốt đẹp trong cuộc hành trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh xã hội.
|
Duy trì thông điệp 5K của Bộ Y tế giao dịch mùa dịch |
Giám đốc Trần Duy Cường, 43 tuổi nhưng đã có tròn 2 thập niên gắn bó đồng hành với các vùng khó khăn, các hộ dân nghèo khắp 11 huyện trên địa bàn, sôi nổi cho chúng tôi biết: Ngay tại thời điểm ra đời (năm 2002), đơn vị đã đối mặt với bộn bề khó khăn, gian nan như nguồn vốn ít ỏi, công nghệ máy móc lạc hậu, cũ kỹ, trụ sở giao dịch với khách hàng không có; trong khi đó địa bàn hoạt động của ngân hàng lại rộng lớn, phức tạp, với 1/2 số thôn xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn và hơn 50% hộ nghèo, gia đình dân tộc Hre, Cor, Ca Dong thiếu trầm trọng tiền vốn để sản xuất. Trước thực tế đó, toàn đơn vị không một ai nản chí, đoàn kết chung sức, quyết chí vượt khó xây dựng phương án xử lý phù hợp, đó là tập trung huy động mọi nguồn lực và khẩn trương tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.
Thời gian cứ trôi, những cán bộ tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi chưa khi nào bằng lòng về những thành tích đạt được và cũng không chùn bước trước những gian nan thử thách do khách quan hay chủ quan gây ra. “Trên mảnh đất này, khó khăn trước vừa qua, thử thách lớn khác đã ập đến, ví như 5 tháng đầu năm 2021 này, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, trong đó có phần đông hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi là cán bộ nhân viên ngân hàng chính sách luôn trong tư thế sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, gác lại các công việc riêng tư để bước vào cuộc chiến mới, đầy cam go quyết liệt: vừa thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh, vừa tập trung huy động mọi nguồn lực nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là đồng bào DTTS, có đủ điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống” - Giám đốc Trần Duy Cường khẳng định bằng giọng nói chắc nịch của người dân xứ Quảng.
Bao năm tháng qua, ngay cả giữa mùa dịch bệnh này, NHCSXH vẫn kiên trì, bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo ngành, của địa phương, thực hiện nghiêm, đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và làm theo sự chỉ dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch COVID-19, kịp thời đề ra các giải pháp huy động nguồn lực, chuyển tải nguồn vốn đến tận tay các đối tượng thụ hưởng, đồng thời đảm bảo an toàn cho tất thẩy cán bộ chính quyền, đoàn thể, tổ TK&VV cùng người nghèo, đồng bào DTTS đến giao dịch, họp bàn với ngân hàng.
Với ý chí đó, với cách làm đó, trong 5 tháng đầu năm 2021, NHCSXH Quảng Ngãi đã thực hiện cho vay 639 tỷ đồng với 16.788 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, đưa tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 3.898 tỷ đồng, tăng 232 tỷ đồng so với năm 2020.
Vậy là, trước khó khăn, thử thách, đặc biệt giữa đại dịch COVID-19, dòng vốn chính sách vẫn được khơi dậy, tăng trưởng, chảy đều khắp miền quê “núi Ấn, sông Trà”, trở thành động lực, là “điểm tựa” vững chắc cho đồng bào các dân tộc vươn lên phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Điều quan trọng nữa là tín dụng chính sách đã đến đúng đối tượng thụ hưởng khắp bản làng, thôn xóm, khối phố thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cả hộ mới thoát nghèo, góp phần cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn của người nghèo.
|
Bảo đảm an toàn mùa dịch trong một phiên giao dịch tại ĐIểm giao dịch xã định kỳ |
Theo chân cán bộ tín dụng, chúng tôi đến Ba Tơ, 1 trong 6 huyện miền núi, vốn là căn cứ cách mạng thời kháng chiến chống Pháp, nay đang sử dụng nguồn vốn chính sách cùng những nguồn lực khác làm chìa khóa mở lối thoát nghèo. Từ nguồn vốn chính sách và sự phối hợp nhịp nhàng của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của địa phương, đến nay, đã có khoảng 10 nghìn hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS đầu tư phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm. Điển hình như gia đình ông Phạm Văn Trung, người Hre, ngụ thôn làng Teeng, xã Ba Thành trước đây thuộc diện hộ nghèo thiếu vốn sản xuất. Cách đây 5 năm, gia đình ông được tiếp cận tới ngồn vốn chính sách đã đầu tư chuyển đổi canh tác khu đất cấy lúa năng suất thấp sang trồng đậu phộng, rau sạch. Sau thời gian, các vụ rau màu tươi tốt đã cho gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng, trả hết nợ ngân hàng và có thêm vốn liếng mua 1 cặp trâu, làm chuồng trại kiên cố để chăn nuôi theo mô hình gia trại, đến nay gia đình ông Trung đã có 1,2 ha đậu phộng, 6 sào ranh xanh trồng nhà lưới, đàn trâu béo khỏe 8 con, trị giá đến 700- 800 triệu đồng.
Trở lại Quảng Ngãi giữa mùa dịch COVID-19, chúng tôi không chỉ ghi nhận sự đổi thay rõ rệt trên những con đường, làng mạc, ruộng vườn, cánh rừng, bãi biển mà lòng còn xốn xang khi tận tai nghe, mắt thấy những mô hình thoát nghèo bền vững, làm giàu nhanh của người dân nhờ đồng vốn chính sách tiếp sức.
Tại Lý Sơn, huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi suốt 10 năm qua nguồn vốn chính sách tăng đều theo đồ thị thẳng đứng và liên tiếp không có nợ quá hạn. Riêng xã An Vĩnh với hơn 3 nghìn hộ dân đã xây dựng được 32 Tổ TK&VV, hiện đang dư nợ với NHCSXH đến 49 tỷ đồng cùng 2.170 hộ vay vốn đầu tư trồng hành tỏi, nuôi trồng đánh bắt thủy sản. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 14,4% thời điểm 2018, đến nay còn có 3,7%.
Tương tự, ở vùng bãi ngang ven biển Bình Dương, huyện Bình Sơn, nguồn vốn chính sách đã tiếp sức, truyền lực cho cả xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng và cải tạo nhiều bãi hoang thành đầm ao nuôi tôm, cá, đạt năng suất, sản lượng hải sản cao, đứng trong tốp 10 của các xã vùng biển Quảng Ngãi.
Giữa mùa dịch bệnh, người dân làng chài vẫn đến họp bàn, giao dịch vay vốn tại Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện. Khác với trước đây, để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, người nghèo làng chài vốn là khách hàng truyền thống của NHCSXH đến vay vốn, trả nợ với ngân hàng đều đeo khẩu trang đúng cách, dùng nước sát khuẩn trước và sau khi kiểm giấy tờ, đếm tiền mặt. Ngoài ra, NHCSXH còn trang bị cho khách hàng kính chắn giọt bắn tại bàn tiếp xúc với cán bộ ngân hàng và được bố trí ngồi giãn cách đúng quy định…Những việc làm đó đã đảm bảo an toàn cho ngân khách, lẫn khách hàng.
Chị Văn Thị Minh Nguyệt, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Mỹ Huệ 2, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn chia sẻ: “Từ khi có dịch, mỗi lần đến kỳ thu lãi hoặc làm hồ sơ cho hộ vay mới, tôi đều đeo khẩu trang khi tiếp xúc và khi về đến nhà tôi luôn ý thức rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Tôi nghĩ, mỗi người tự ý thức phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình là đã góp phần cùng Nhà nước chống dịch”.
Vùng đất “núi Ấn, sông Trà” thức dậy, bình yên như ngày nay là kết quả tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự chung tay, góp sức của NHCSXH qua việc huy động tăng trưởng không ngừng về nguồn vốn và tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước. Thời gian qua, toàn hệ thống từ cơ sở đến tỉnh đã kiên trì hoạt động, mạnh dạn đổi mới phương thức quản lý, phương thức đầu tư vốn tín dụng chính sách, giúp đỡ nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên làm chủ cuộc sống.
“Thời gian tới, những người làm công tác tín dụng chính sách Quảng Ngãi chúng tôi luôn tận tâm, bền bỉ đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách, tiếp tục phối hợp nhịp nhàng, chặt trẽ với các cấp ngành, đoàn thể, khẩn trương chuyển vốn tới mọi vùng miền, đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần thiết thực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội”, giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi Trần Duy Cường khẳng định./.