NHCSXH tỉnh Lâm Đồng: Huy động vốn nhanh - phòng, chống dịch tốt

Thứ ba, 01/06/2021 16:42
(ĐCSVN) – Thời gian qua, cùng với việc khẩn trương tiếp nhận nguồn vốn Trung ương cấp, NHCSXH Lâm Đồng đã chủ động tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương toàn bộ hoạt động, UBND tỉnh, huyện, xã chuyển trên 252 tỷ đồng vốn ngân sách sang NHCSXH để ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Ngày gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo ở Lâm Đồng 

Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố ở nước ta, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế, xã hội, nhất là việc sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và đời sống nhân dân, trong đó có các hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), các đối tượng chính sách khác gặp nhiều khó khăn.

Trước bối cảnh đó, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, đã bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo ngành và địa phương, đồng thời nghiêm túc thực hiện các Chỉ thị, hướng dẫn của Chính phủ, của Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, kịp thời đề ra nhiều giải pháp huy động nguồn lực, truyền tải nguồn vốn chính sách đến tận tay các đối tượng thụ hưởng, mặt khác đảm bảo an toàn cho tất thẩy cán bộ chính quyền, đoàn thể, Tổ TK&VV và hộ nghèo, hộ cận nghèo…thường xuyên họp bàn, giao dịch với ngân hàng trong mùa dịch.

 Điểm giao dịch xã Đà Ròn của NHCSXH huyện Đơn Dương vẫn duy trì hoạt động đều

Theo ông Võ Văn Thanh, giám đốc NHCSXH Lâm Đồng, với cách làm sáng tạo, phù hợp cùng quyết tâm vượt khó khăn, 5 tháng qua dòng vốn tín dụng ưu đãi vẫn được duy trì thông suốt khắp vùng đất rộng lớn Nam Tây Nguyên. Giữa đại dịch COVID-19, 18 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo từ trong vùng sâu, vùng xa các huyện Đơn Dương, Đam Rông, Đạ Teh…đến trên cao nguyên Di Linh, Bảo Lộc, được vay 694 tỷ đồng đầu tư vào thâm canh ruộng vườn, trồng cây công nghiệp, rau quả xanh, phát triển chăn nuôi bò sữa, trâu sinh sản, khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan. Số tiền vay trong mùa dịch của đồng bào các dân tộc Lâm Đồng đã góp phần nâng tổng dư nợ của NHCSXH trên địa bàn lên 3.938 tỷ đồng; tăng 274 tỷ đồng so với cuối năm 2020.

Nguồn vốn chính sách ở Lâm Đồng vẫn tăng trưởng giữa đại dịch COVID, bởi những người làm quản lý, điều hành công tác tín dụng chính sách trên cao nguyên luôn tập trung huy động, tạo lập được nguồn vốn lớn để phục vụ kịp thời người nghèo và các đối tượng chính sách.

Thời gian qua, cùng với việc khẩn trương tiếp nhận nguồn vốn Trung ương cấp, NHCSXH Lâm Đồng chủ động tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương toàn bộ hoạt động, UBND tỉnh, huyện, xã chuyển trên 252 tỷ đồng vốn ngân sách sang NHCSXH để ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Ngoài ra, đơn vị còn tích cực thực hiện việc huy động từ các ban ngành, đoàn thể, nhân dân, bổ sung nguồn vốn chính sách cho vay hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Nguồn vốn vay được các hộ sử dụng hiệu quả 

Cụ thể, vào tháng 4 vừa qua, với sự phối hợp của các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, NHCSXH Lâm Đồng tổ chức thành công ngày “gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”. Ngày đáng nhớ ấy đã thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo cán bộ, hội viên các đoàn thể và đồng bào các dân tộc trong tỉnh tham gia gửi tiền tiết kiệm, gần 28 tỷ đồng. Ngày “gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” còn có ý nghĩa sâu xa, tiếp tục được duy trì lan tỏa trên vùng đất Lâm Đồng nhằm huy động vốn tăng đều hàng tháng, tạo điều kiện cho NHCSXH phục vụ người nghèo hiệu quả hơn.

Nguồn vốn huy động tạo lập được đã được những người làm tín dụng chính sách ở Nam Tây Nguyên chuyển tải kịp thời về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đến từng hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS nghèo. Đặc biệt, ngay giữa mùa dịch COVID-19 hiện nay, nguồn vốn chính sách vẫn không ngừng chảy đến các đối tượng thụ hưởng, thông qua mạng lưới Điểm giao dịch của NHCSXH trải khắp toàn tỉnh xuống tận các xã, phường, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Điều dễ nhận thấy, từng Điểm giao dịch xã ở Lâm Đồng ngày nay đã được sắp xếp, phân chia thời gian giao dịch, cụ thể của từng Tổ TK&VV cho phù hợp, đồng thời có thông báo chính xác thời gian giao dịch đến các Tổ TK&VV, các khách hàng biết, tạo sự chủ động về thời gian đến giao dịch với ngân hàng tại Điểm giao dịch xã. NHCSXH các huyện, thị xã cũng phối hợp chặt trẽ với UBND xã thực hiện đầy đủ thông điệp “5k” của Bộ y tế như kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang đúng cách, không tập trung đông người, nhiều việc trong cùng một thời điểm, địa điểm…trong suốt quá trình giao dịch. Cách làm nghiêm túc, sáng tạo đó không những phòng tránh lây nhiễm, đảm bảo an toàn sức khỏe, tiền của cho người nghèo, khách hàng truyền thống của NHCSXH, mà còn tạo điều kiện cho ngân hàng chuyển vốn nhanh đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Từ nguồn vốn chính sách, hầu hết hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS trên cao nguyên Lâm Đồng được vay nhiều tiền hơn, sản xuất đúng thời vụ và đạt kết quả kinh tế rõ rệt, cuộc sống nâng cao không ngừng. Nhiều thôn xã khởi sắc, thoát ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn, ví như xã Đà Ròn, huyện Đơn Dương với hơn 80% hộ đồng bào DTTS nhờ đồng vốn chính sách làm “bà đỡ”, đã giảm nhanh hộ nghèo từ 27% năm 2018 xuống 9,2% cuối năm 2020 và về đích nông thôn mới trước kế hoạch một năm.

Theo lãnh đạo xã Đà Ròn, kể từ khi được vay vốn ưu đãi của NHCSXH, đời sống kinh tế bà con dân tộc KHo, Chu Ru thay đổi nhanh chóng. Nhiều hộ giàu có nhờ sử dụng hiệu quả đồng vốn vay đầu tư nuôi gia súc, gia cầm và cải tạo nương đồi thành vườn rau quả xanh tốt. Trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì nguồn vốn chính sách vẫn được giải ngân kịp thời, là “điểm tựa” vững chắc cho đồng bào dân tộc vượt qua khó khăn, giảm nghèo bền vững.

Lâm Đồng vùng đất Nam Tây Nguyên đã và đang chuyển động mạnh mẽ có phần đóng góp quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách. Phát huy thành tích đạt được, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng tiếp tục vừa tập trung huy động nguồn lực, chuyển tải đầy đủ, kịp thời nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách, vừa tăng cường thực hiện công tác phòng chống dịch COVID, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, nhất là đồng bào DTTS phát triển sản xuất, kinh doanh giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới./.

 

 

Bài và ảnh: Đông Dư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực