Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Nguồn vốn vay này thực sự là đòn bẩy giúp hộ gia đình cựu chiến binh khó khăn có điều kiện vươn lên xóa đói giảm nghèo, tạo việc, cải thiện cuộc sống…
Ngôi nhà hai tầng rộng rãi với đầy đủ tiện nghi của ông Lê Khánh Tiến, thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh là kết quả của nỗ lực không ngừng trong phát triển kinh tế của cả gia đình; cơ ngơi này có được một phần nhờ vào nguôn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội.
Tâm sự về những khó khăn bước đầu khi chưa tiếp cận được nguồn vốn, ông Tiến cho biết, trước kia, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn lắm, chật vật kiếm sống từng ngày vì không có vốn sản xuất. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ năm 2010 khi gia đình tiếp cận được nguốn vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội.
Từ 30 triệu đồng tiền vay ban đầu từ ngân hàng cộng với số vốn gia đình tích cóp, gia đình quyết định trồng 1,5 ha tiêu, 200 gốc bơ. Năm 2015, gia đình vay tiếp 20 triệu đồng cùng với số tiền vay thêm mở sân bóng mini cho thuê. Đến nay, mô hình kinh tế này giúp ông đạt lợi nhuận bình quân mỗi năm 500 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên đối với 3 lao động và 7 lao động thời vụ với số tiền 4,5 triệu đồng/tháng.
Cũng giống như ông Tiến, gia đình cựu chiến binh Trần Văn Hạp, thôn An Du Nam 1, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh là một trong những hộ điển hình trong phát triển kinh tế địa phương. Năm 2015, từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, ông Hạp đầu tư trồng 1 ha tiêu, chăn nuôi bò, lợn, gà…
Mô hình tổng hợp này mang lại hiệu quả cao, được nhiều gia đình tại địa phương học tập. Từ hộ cận nghèo, đến nay kinh tế của gia đình đạt thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm 8 lao động thời vụ, 4 lao động thường xuyên. Ông Hạp chia sẻ, nguồn vốn thực sự tạo điểm tựa giúp nông dân xây dựng mô hình kinh tế và từ gia đình khó khăn của xã, cuộc sống khá vất vả, nay kinh tế của gia đình ngày càng đi lên.
Đây chỉ là hai trong số hàng trăm mô hình kinh tế đạt hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh. Đến cuối tháng 6/2017, có 10.250 hộ gia đình hội cựu chiến binh thông qua 323 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng dư nợ ủy thác qua Hội Cựu chiến binh tỉnh đạt 334 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn vay phát triển khá mạnh với trên 30%/năm, chất lượng tín dụng ngày càng nâng cao, tỷ lệ quá hạn dưới 0,2%.
Để nguồn vốn vay đạt hiệu quả, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nâng chất lượng hoạt động các tổ tiết kiệm vay vốn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả. Mặt khác, ngân hàng phối hợp chặt chẽ với Hội Cựu chiến binh để các cựu chiến binh, đối tượng chính sách được dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ gia đình cựu chiến binh phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến về sản xuất kinh doanh giỏi trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn. Bên cạnh đó, đồng vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh không những tạo đà cho các hộ cựu chiến binh vượt khó mà giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm và nhận thức trong phát triển kinh tế; góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Ông Phan Văn Pháp, Phó Giám đốc Ngân hành chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua, việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi giúp hội viên cựu chiến binh, con em hội cựu chiến binh và các gia đình chính sách trên địa bàn phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả; góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thời gian tới, ngân hành chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị tiếp tục phối hợp với Hội Cựu chiến binh tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác cho vay vốn; gắn chặt hoạt động tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn…/.