Sa Pa là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Lào Cai với diện tích tự nhiên 372.753 m2, huyện có 17 xã và 1 thị trấn, 115 thôn bản, trong đó số hộ nghèo là 3.494 hộ, hộ cận nghèo 936 hộ. Huyện có điều kiện thuận lợi trong việc giao thương, phát triển ngành nghề du lịch, dịch vụ, thu nhập tập trung chủ yếu vào trồng trọt, chăn nuôi đại gia súc, dịch vụ du lịch.
Bên cạnh những thuận lợi, năm 2014 trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, mưa tuyết kéo dài, rét đậm, rét hại trên diện rộng làm ảnh hưởng và thiệt hại lớn đến sự phát triển cây trồng, vật nuôi, sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại một số xã.
Theo Ngân hàng chính sách xã hội huyện Sa Pa, việc cho người dân vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện trong năm 2014 đã giúp cho 421 lượt hộ nghèo được vay vốn và trên 700 hộ thoát nghèo; giải quyết tạo việc làm mới cho trên 1.200 lao động. Hoạt động ưu đãi cho vay thông qua ngân hàng chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả nguồn vốn, góp phần lớn vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Trên địa bàn huyện hiện nay có 18 điểm giao dịch, trong đó, tỷ lệ giao dịch đạt 95% trở lên, giảm thiểu tối đa việc giao dịch tại trung tâm. Thông qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi vay vốn và trả nợ, giảm thiểu được nhiều chi phí đi lại khi địa hình của huyện thuộc vùng cao.
Là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sa Pa, xã Thanh Phú có 2.224 khẩu, 96 hộ nghèo, nền kinh tế cả xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, mang tính tự cung tự cấp; việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng của người dân còn nhiều khó khăn.
Tuy vậy, việc thực hiện chương trình vay vốn tín dụng chính sách tại xã đã có những kết quả bước đầu khích lệ. Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thanh Phú Hoàng Đức Sòng cho biết, trong năm 2014, nhằm tạo điều kiện kịp thời cho người dân trên địa bàn có vốn đầu tư trong sản xuất, UBND xã đã chỉ đạo các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác; tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) triển khai rộng rãi chương trình vay vốn đến người dân trên địa bàn xã, đồng thời căn cứ nhu cầu của người dân về vốn vay, chỉ đạo các tổ chức hội đoàn thể phối hợp với các tổ TK&VV tổ chức công khai các điều kiện đủ vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, phê duyệt đề nghị ngân hàng cho vay.
Bên cạnh đó, các Hội đoàn thể nhận ủy thác tích cực thực hiện công tác ủy thác với ngân hàng, phối hợp cùng ngân hàng thực hiện củng cố tổ TK&VV cho phù hợp với từng khu dân cư để người dân tham gia vay vốn được thuận lợi. Đến nay, toàn xã có 10 tổ TK&VV trên các thôn bản và bố trí địa điểm giao dịch của ngân hàng chính sách xã hội tại UBND xã được thuận lợi. Thông qua vốn vay chính sách xã hội với các nguồn vốn vay về vệ sinh môi trường, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn,…đã tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình phát triển sản xuất, chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm,…từng bước cải thiện cuộc sống gia đình, bộ mặt nông thôn có nhiều cải thiện đáng kể.
Bên cạnh những kết quả đạt được trên địa bàn huyện thời gian qua, theo Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hành Chính sách xã hội huyện Sa Pa Trần Việt Dũng, việc thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: công tác kiểm tra, giám sát còn chưa cao; tại một số xã vùng cao, người dân vẫn còn thói quen di canh, di cư hoặc đi làm ăn xa nhà lâu ngày dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý vốn vay. Về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm còn hạn chế nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu giải quyết việc làm tại một số xã, thị trấn.
Bởi vậy, trong năm 2015, nhằm khắc phục những khó khăn, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện, theo ông Trần Việt Dũng, thời gian tới, Phòng giao dịch huyện sẽ tiếp tục tham mưu kịp thời cho Trưởng ban đại diện Hội đồng Quản trị, Chủ tịch UBND huyện trong công tác cho vay vốn ưu đãi để kịp thời đáp ứng và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của địa phương./.