Những đổi thay trên vùng đá núi tai mèo từ nguồn vốn chính sách

Thứ năm, 22/10/2015 16:50

(ĐCSVN) – Đường đến với cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) - nơi cực Bắc của Tổ quốc, nắng và gió, núi non hùng vĩ, điệp điệp, trùng trùng hòa quyện với sắc biếc của mây trời tạo thành một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Núi liền núi, đèo liền đèo, vực tiếp vực, đường cheo leo không cản được bước chân của những cán bộ ngân hàng nơi đây đang hàng ngày “vượt núi” mang đồng vốn ưu đãi đến cho bà con dân bản vay đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để giảm nghèo.

 

 Nhiều hộ đồng bào DTTS vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất (Ảnh: P.A)


Trao đổi với chúng tôi, anh Vũ Tuấn Hùng, Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang, kiêm Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mèo Vạc cho biết, anh thuộc diện cán bộ được điều động lên tăng cường, đã gắn bó với mảnh đất chỉ có một màu xám của đá và đá này được 3 năm. Trong câu chuyện, anh Hùng kể về những ngày tháng anh cùng ăn, cùng ở với đồng bào, về những đêm thấu lạnh đi đối chiếu nợ, hay những trận mưa rừng như trút trong hành trình đưa nguồn vốn chính sách về với bà con nơi rẻo cao này.

Mải mê với những câu chuyện, chúng tôi đến với đỉnh Mã Pì Lèng – con đường Hạnh Phúc huyền thoại đường nối giữa 2 huyện Đồng Văn và huyện Mèo Vạc. Từ đình Mã Pì Lèng có độ cao trên 1200 m so với mực nước biển nhìn xuống dưới dòng sông Nho Quế xanh biếc chỉ to bằng cái thước kẻ, mới thấy được sự hùng vĩ của tự nhiên và cảm phục những con người đã xây dựng con đường huyền thoại này.

Vậy là chúng tôi đã đến địa phận huyện Mèo Vạc – huyện xa nhất trong 4 huyện của Cao Nguyên đá Đồng Văn. Mèo Vạc là một huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh Hà Giang nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Có đường biên giới dài 40,95km tiếp giáp với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam –Trung Quốc. Tổng diện tích tự nhiên 57.668,61ha; với 18 xã, thị trấn và 199 thôn, bản, tổ khu phố. Trong đó có 17 xã đặc biệt khó khăn, 01 thị trấn thuộc khu vực II, Mèo Vạc là một trong 64 huyện nghèo cả nước Dân số trên 75 nghìn người, gồm 16 dân tộc anh em, trong đó dân tộc H.Mông chiếm 87%.

 
                     Công tác giao ban tại điểm giao dịch xã NHCSXH (Ảnh: P.A)

Anh Hùng chia sẻ thêm: Với mạng lưới giao dịch tại 100% xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện, đến nay tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng của PGD đạt 175 tỷ đồng với gần 9500 hộ vay còn dư nợ. Đặc biệt, yếu tố chất lượng tín dụng của chi nhánh rất được chú trọng và đảm bảo, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức dưới 0,7%. Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện; sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác.

Nguồn vốn cho vay từ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đã góp phần không nhỏ thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn biên giới này.

Từ việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã vươn lên thoát nghèo. Điển hình như hộ chị hộ Vầy Thị Dung, sinh năm 1984, tại thôn Nà Tằm, xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc. Gia đình chị thuộc diện khó khăn, nhà có 5 khẩu. Năm 2010, gia đình chị được bình xét thuộc diện hộ nghèo của xã nhưng do còn thiếu kinh nghệm, thiếu vốn để sản xuất chăn nuôi nên chưa biết xoay sở thế nào. Được Hội Nông dân xã tư vấn nên gia đình chị đã mạnh dạn tham gia tổ TK&VV và được bình xét cho vay vốn chương trình hộ nghèo với số tiền 20 triệu đồng để mua 01 con trâu. Chị Dung chia sẻ them: Nhờ sự cố gắng làm ăn, chịu khó học hỏi kinh nghiệm và được BCH hội thường xuyên quan tâm, tư vấn hỗ trợ nên sau 5 năm gia đình đã có 3 con trâu, 01 con bò và tăng gia nuôi thêm 4 con lợn giống, gia đình đã thoát nghèo, không còn khó khăn như trước.

Tương tự như hộ chị Dung, hộ ông Vàng Mí Sá, sinh năm 1977, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc là hộ nghèo, nhà có 4 khẩu. Những năm trước, gia đình anh thuộc diện rất khó khăn, năm 2014 nhờ được Hội phụ nữ và tổ trưởng vay vốn Mua Thị Mỷ tư vấn nên gia đình anh đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua NHCSXH cho vay, với số vốn vay ban đầu là 15 triệu đồng chương trình hộ nghèo để mua 01 con bò về làm giống. Sau một thời gian chăm sóc đến nay gia đình anh đã có 03 con bò. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi đến nay gia đình anh đã bớt khó khăn và dự tính năm 2015 gia đình anh sẽ được bình xét cho ra khỏi danh sách hộ nghèo vươn lên hộ khá.

Đánh giá về những bước chuyển trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện trong những năm gần đây, ông Sùng Mí Thề, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Mèo Vạc phấn khởi cho biết: nhờ có chủ trương, chính sách của Đảng, và Nhà nước về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, chi nhánh NHCSXH Hà Giang và sự kết hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng và các tổ chức hội, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ ủy thác cho vay đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Hàng ngàn hộ đồng bào người Mông, Dao, Tày... Cũng nhờ được vay vốn ưu đãi của NHCSXH đã có điều kiện tập trung chăn nuôi trâu, bò, trồng ngô, nhiều hộ đã thoát nghèo và trở thành mô hình sản xuất giỏi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực