Nối tiếp giấc mơ học tập từ nguồn vốn tín dụng chính sách

Thứ tư, 16/08/2023 08:20
(ĐCSVN) - “Nhờ có chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên (HSSV) mà các con tôi có thể theo đuổi ước mơ. Ngày con gái đầu tốt nghiệp thật sự là niềm vui lớn đối với gia đình chúng tôi. Hiện, cháu đã có việc làm ổn định và đã trả xong các khoản vay trước hạn”, đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Ái Hậu, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình về chương trình tín dụng cho học sinh sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn.
Khoản vay hỗ trợ sinh viên đã giúp Nguyễn Thị Thu Phương (Khoa xét nghiệm Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới) hoàn thành chương trình học tập (Ảnh: NVCC)

Chuyện của chị Hậu

Gia đình chị Hậu thuộc diện hộ nghèo, chồng chị bệnh nặng, không đi làm được, một mình chị tần tảo ruộng vườn để nuôi chồng và 3 con. Năm 2013, con gái đầu của chị là Nguyễn Thị Thu Phương (SN 1995) thi đỗ Trường đại học Y Dược - Đại học Huế, chị vừa mừng vừa lo bởi không biết lấy tiền đâu cho con ăn học. Chuẩn bị cho con nhập học, chị Hậu đã bán hết lợn gà, nhưng nỗi lo vẫn còn nguyên đó khi nhà không còn tài sản gì để bán. Thế rồi thật may mắn, chị được Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thôn Quảng Xá gặp gỡ, tư vấn, hướng dẫn chị vay vốn theo diện HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV.

Từ năm 2014 - 2018, Nguyễn Thị Thu Phương được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Ninh cho vay 48 triệu đồng. Hiện, Phương đã có việc làm ổn định tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới và trả xong khoản vay trước hạn.

Năm 2019, em gái Phương là Nguyễn Thị Thu Thanh đỗ vào Trường đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Nỗi lo năm nào đã được xóa bỏ khi gia đình chị tiếp tục được PGD NHCSXH huyện Quảng Ninh cho vay vốn HSSV có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 70 triệu đồng cho 4 năm học. Bên cạnh đó Thanh còn được vay thêm 10 triệu đồng theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg, ngày 4/4/2022 về tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến với lãi suất cho vay 1,2%/năm.

“Hàng tháng, tôi được nhận tiền tại Điểm giao dịch của xã. Chị Dương Thị Kiêu, Tổ trưởng Tổ TK&VV cùng cán bộ PGD NHCSXH huyện Quảng Ninh đã giải thích, hướng dẫn cặn kẽ về quy trình, thủ tục, thời gian trả gốc, lãi và chính sách ưu đãi của Nhà nước… nên tôi rất yên tâm. Số tiền nhận từng kỳ, tôi gửi cho các con để đóng học phí và một phần các chi phí sinh hoạt. Các con tôi cũng chăm chỉ làm thêm nên cơ bản đủ trang trải. Hiện, con út của tôi cũng được vay 10 triệu đồng để mua máy tính phục vụ học tập. Nguồn vốn vay ưu đãi cho HSSV có ý nghĩa rất lớn, gia đình tôi đã thoát nghèo, tôi thật sự cảm ơn sự quan tâm của PGD NHCSXH huyện, UBND xã, Tổ TK-VV cùng các đoàn thể!”, chị Hậu xúc động chia sẻ.

Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV với mức vay tối đa 800.000 đồng/tháng vào năm 2007 đã được sửa đổi vào các năm 2017 và 2022 với mức vay tăng lần lượt là 2,5 triệu đồng/tháng và 4 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh chính sách tín dụng đối với HSSV, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với SV sư phạm, thực hiện từ năm học 2021 - 2022. Theo đó, SV sư phạm được Nhà nước hỗ trợ học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học; hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Chính sách này đã “tiếp sức” cho hàng nghìn SV thực hiện ước mơ trở thành thầy cô giáo.

Nhiều hộ gia đình làm thủ tục nhận vốn vay chương trình HSSV ngay tại Điểm giao dịch xã (Ảnh: PV)

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc PGD NHCSXH huyện Quảng Ninh cho biết: “Với phương châm không để bất kỳ một HSSV có hoàn cảnh khó khăn nào phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí, thời gian qua, PGD NHCSXH huyện Quảng Ninh đã đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân, mang lại cơ hội học tập cho hàng nghìn HSSV.

Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt việc bình xét cho trên 5,3 nghìn lượt HSSV được vay vốn. Tính đến ngày 31/7/2023, tổng dư nợ chương trình đạt gần 19 tỷ đồng với 457 HSSV đang vay vốn. Một số xã có dư nợ vay lớn, như: Xã Duy Ninh, An Ninh, Tân Ninh, Gia Ninh, Vạn Ninh, Hàm Ninh…”.

Cùng với các chính sách nhân văn và kịp thời của Chính phủ, dù còn nhiều khó khăn nhưng Quảng Bình đã nỗ lực đồng hành cùng con em tỉnh nhà. Ngày 24/3/2023, tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết số 46/2023/NQ-HĐND quy định về hỗ trợ tăng thêm tiền ăn cho học sinh tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên là người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, sinh viên là người DTTS thường trú trên địa bàn tỉnh học đại học, cao đẳng theo hình thức đào tạo chính quy tại các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng (trừ sinh viên các trường Công an, Quân đội và sinh viên tại đối tượng thuộc Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm) được hỗ trợ với mức 2,7 triệu đồng/sinh viên/tháng theo số tháng thực học và không quá 10 tháng/năm.

Nghị quyết số 46/2023/NQ-HĐND đã tác động tích cực đến việc lựa chọn tương lai của các học sinh vùng DTTS trên địa bàn tỉnh. Nếu năm học 2020 - 2021, số học sinh đăng ký học đại học, cao đẳng khoảng 20%, thì năm học 2023 - 2024 tăng lên trên 35%.

Đối với đào tạo nghề, ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó hỗ trợ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng cho các trường hợp theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng ở 4 nhóm nghề nghiệp.

“Điều dưỡng là một trong những ngành thuộc danh mục được hỗ trợ. Ngoài mức hỗ trợ theo Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND, sinh viên là con em hộ nghèo, cận nghèo còn được hưởng các chính sách miễn giảm theo quy định chung. Sự quan tâm đồng hành của tỉnh đã giảm bớt nhiều khó khăn và mở ra các cơ hội cho sinh viên, trong đó có sinh viên ngành Điều dưỡng Trường cao đẳng Y tế Quảng Bình!”, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Quảng Bình Phan Thị Thanh Tâm chia sẻ.

Không chỉ triển khai kịp thời và hiệu quả các chính sách đồng hành, hỗ trợ sinh viên theo quy định, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đã chung tay tiếp sức cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Những năm qua, Trường Đại học Quảng Bình đã tích cực kết nối với các nguồn học bổng, như: Dell, Odon Vallet, Kova, Hessen… để tăng cường hỗ trợ các em HSSV đặc biệt khó khăn. Trường cũng miễn học phí, ký túc xá, kêu gọi những tấm lòng hảo tâm để hỗ trợ xe máy, trao tặng sổ tiết kiệm cho sinh viên nghèo với số tiền hàng trăm triệu đồng…

Chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024, ngày 31/7/2023, Thường trực Tỉnh ủy đã cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị, đề xuất, trong đó giao UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan tham mưu căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 10/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để xây dựng các chính sách hỗ trợ cho học sinh và người đồng bào DTTS không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Với sự quan tâm của Chính phủ và của tỉnh thông qua các chính sách tổng thể, toàn diện, sát với thực tiễn, chỉ cần có quyết tâm và khát vọng, ước mơ được đến trường của những HSSV có hoàn cảnh khó khăn sẽ trở thành hiện thực, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trên đường đến trường.

Ngọc Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực