Hộ nghèo theo chuẩn địa phương ở TP Hồ Chí Minh vay vốn ưu đãi nuôi bò sữa, tạo sinh kế, thoát nghèo bền vững (Ảnh: PV)
Không để người nghèo bị tụt lại phía sau vì vốn
Nằm về phía Đông Nam của thành phố, Cần Giờ là huyện nghèo của Thành phố Hồ Chí Minh với tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo theo tiêu chí mới là 6.843 hộ, chiếm tỷ lệ 36,75%/tổng số hộ dân. Toàn huyện có 06 xã và 01 thị trấn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và làm muối... Cái nghèo ấy có thể thấy rõ qua việc huyện không cân đối được nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH giải quyết bài toán an sinh xã hội.
Song điều đó, không có nghĩa là Cần Giờ thiếu vốn tín dụng chính sách. Bởi đây là một trong những địa phương được NHCSXH TP Hồ Chí Minh dồn nguồn vốn từ Trung ương cũng như ngân sách địa phương để người dân có cơ hội phát triển sản xuất an cư trên vùng đất khó khăn này. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội đạt 319 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2014, với 11.271 hộ vay vốn, chiếm khoảng 61% tổng số hộ dân trên địa bàn huyện.
Những vòng quay vốn trong 05 năm qua đã giúp cho 21.434 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện được vay vốn. Trong đó, đã có 1.927 lượt học sinh, sinh viên (HSSV) được vay vốn để trang trải chi phí học tập, không phải bỏ học giữa chừng; 7.640 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn để SXKD, góp phần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo; 7.137 lao động được vay vốn để tự tạo việc làm hoặc duy trì, mở rộng việc làm; 453 lao động thuộc diện có đất bị thu hồi được vay vốn để tự tạo việc làm hoặc duy trì, mở rộng việc làm, ổn định cuộc sống...
Đặc biệt, việc mở Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã đảo Thạnh An, NHCSXH là tổ chức tín dụng đầu tiên và duy nhất đến nay tiếp cận với hộ dân ngay trên xã đảo, hỗ trợ vốn giúp họ phát triển kinh tế.
Trong vay trò trung gian truyền dẫn và giám sát vốn, các tổ chức hội, đoàn thể cũng đã có những bước chuyển biến lớn sau khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Như Hội LHPN các cấp của thành phố không chỉ là đơn vị nhận ủy thác quản lý dư nợ lớn tới 1.422 tỷ đồng chiếm 39,6% tổng dư nợ của các hội, đoàn thể nhận ủy thác và 51.654 hộ gia đình hội viên đang vay vốn, mà hơn thế là cách ứng xử đối với nguồn vốn vay.
Để phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, các cấp hội cũng chủ động phối hợp với chính quyền, các ngành liên quan định hướng cho hội viên nghèo cách làm ăn hiệu quả, vận động họ tham gia vào các lớp dạy nghề, tiến hành mở rộng quy mô dạy nghề cho người nghèo với nhiều hình thức. Từ đó, các hộ vay nắm bắt, bổ sung thêm những kiến thức, giúp họ sử dụng vốn vay đạt hiệu quả. Cùng với đó, các cấp hội đã chủ động tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn hội viên tham gia các hình thức liên kết sản xuất, phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Ví như mô hình “Dịch vụ nấu đám tiệc” của hộ gia đình chị Huỳnh Ngọc Thanh, ngụ ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Từng là một trong những hộ nghèo nhất địa phương, song với tâm tư không cam chịu sống cảnh nghèo túng, chị Thanh quyết tâm tìm cách vươn lên thoát nghèo. Nhờ sự hỗ trợ từ các chị em Hội PN địa phương, chị Thanh được vay vốn từ Chương trình cho vay Quỹ xóa đói giảm nghèo 50 triệu đồng để khởi nghiệp mở một tiệm tạp hóa nhỏ và sau đó phát triển thêm dịch vụ nấu đám tiệc, rồi mở rộng quy mô cùng chương trình cho vay giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện Nhà Bè và Quận 7. Nguồn vốn tín dụng chính sách, cho ước mơ gia đình chị thêm trọn vẹn với việc hỗ trợ chi phí cho 2 con theo học đại học. 160 triệu đồng vay từ các chương trình đã giúp chị bước qua cánh cửa thoát nghèo bền vững và hơ thế chị Thanh còn tạo công ăn việc làm cho 17 lao động nữ ở địa phương có thu nhập ổn định bằng dịch vụ nấu đám tiệc. Hằng tháng, chị còn tổ chức phát cơm từ thiện cho người nghèo.
Những bước chuyển cho các chương trình tín dụng chính sách xã hội thêm mạnh khi chính quyền cấp xã, quận, huyện dành nguồn vốn cho đối tượng chính sách, như quận Bình Thạnh. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách quận ủy thác qua NHCSXH quận là 13,5 tỷ đồng, trong đó: bình quân mỗi năm ngân sách quận chuyển sang là 2 tỷ đồng và 700 triệu đồng từ nguồn vận động bổ sung cho Quỹ giảm nghèo của 20 phường ủy thác sang NHCSXH quận để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo theo tiêu chí thành phố và cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn. Đến nay, nguồn vốn từ ngân sách quận ủy thác sang NHCSXH quận đạt 15,7 tỷ đồng.
Nguồn vốn này trong 05 năm qua đã cộng hưởng cùng nguồn vốn từ Trung ương đưa tổng nguồn vốn cho vay tại NHCSXH trên địa bàn thành phố lên 159 tỷ đồng, tăng gần 70 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị, giúp cho hơn hơn 5.633 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác trên địa bàn quận được vay vốn, góp phần giúp cho hơn 1.428 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo giai đoạn 2014 - 2015 và 2016 - 2018; giải quyết việc làm cho 1.152 lao động; hỗ trợ cho 315 HSSV được vay vốn để học tập, 112 hộ gia đình bị thu hồi đất có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định nơi ở mới.
Tạo bước chuyển sinh kế cho người dân
Giám đốc NHCSXH TP Hồ Chí Minh Trần Văn Tiên cho biết, ngay sau Chỉ thị 40, Ban Thường vụ Thành ủy, cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư và Ban Thường vụ Thành ủy, đề ra các giải pháp và phân công trách nhiệm cho các Sở, ban ngành và các đơn vị có liên quan trên địa bàn thành phố tổ chức thực hiện. Bên cạnh nguồn vốn được hỗ trợ từ NHCSXH Việt Nam, thành phố tiếp tục tập trung tăng cường xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực của các tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố, ủy thác sang NHCSXH để thực hiện cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo theo tiêu chí của thành phố và cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn.
Tính đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại NHCSXH TP Hồ Chí Minh đạt 3.358 tỷ đồng, tăng 1.120 tỷ đồng (gấp 1,5 lần) so với thời điểm cuối năm 2014. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác cho vay tại địa phương là 1.687 tỷ đồng, tăng 1.367 tỷ đồng (tăng 4,32 lần) so với thời điểm cuối năm 2014, chiếm 50,25% tổng nguồn vốn gồm: nguồn vốn từ cấp quận, huyện là 173 tỷ đồng, tăng 166 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2014, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư của các chủ đầu tư khác là 165 tỷ đồng, tăng trên 13 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2014.
Từ cuối năm 2014 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách được đưa đến 100% khu phố, ấp trên địa bàn thành phố, giúp hơn 263.646 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với doanh số cho vay đạt 5.876 tỷ đồng và doanh số thu hồi nợ đạt 4.088 tỷ đồng, góp phần giúp cho gần 72.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo giai đoạn 2014 - 2015 và 2016 - 2018; giải quyết việc làm cho gần 123.600 lao động; hỗ trợ gần 4.900 lượt hộ gia đình bị thu hồi đất có vốn làm ăn; giúp trên 17.300 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập; cải tạo và xây dựng mới gần 155.700 công trình cung cấp NS&VSMTNT trên địa bàn 05 huyện ngoại thành của thành phố; hỗ trợ cho 126 lượt người sống chung với HIV, người sau cai nghiện ma túy, phụ nữ bán dâm hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng có vốn làm ăn, khởi nghiệp.
Qua việc sử dụng nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi đã xuất hiện nhiều mô hình, dự án SXKD mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nghèo và tăng dần vị thế trong xã hội, từng bước tiếp cận với cơ chế thị trường, đặc biệt là từng bước hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi trong xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Có thể kể đến các mô hình như chăn nuôi bò thịt ở huyện Củ Chi; trồng hoa mai ở quận Thủ Đức; Tổ hợp tác trồng rau sạch ở huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh; nuôi hàu và làm muối ở huyện Cần Giờ; Câu lạc bộ trồng hoa lan kiểng ở huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn; Tổ hợp tác may gia công các mặt hàng truyền thống của cộng đồng người dân tộc Chăm ở quận Phú Nhuận...
Tổng nợ quá hạn là 38,2 tỷ đồng tính đến thời điểm hiện tại (30/9/2019), chiếm tỷ lệ 1,14% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn giảm 0,38% so với thời điểm cuối năm 2014 (1,52%) càng thêm minh chứng hiệu quả của dòng vốn tín dụng ở thành phố này.
Hoạt động của NHCSXH tại Điểm giao dịch xã. (Ảnh: PV)
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 là nâng thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo lên 3,5 lần so với năm 2011. Để thực hiện mục tiêu chương trình giảm nghèo bền vững thành phố giai đoạn 2019 - 2020, bên cạnh các chính sách của Trung ương, thành phố thực hiện mức cho vay tối đa theo giá trị hợp đồng đối với thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo đi lao động có thời hạn ở nước ngoài từ Quỹ xóa đói giảm nghèo. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số vay vốn từ Quỹ xóa đói giảm nghèo thành phố được ngân sách thành phố hỗ trợ cấp bù phần lãi suất 4%/năm.
Đặt mục tiêu đưa dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng từ 10% đến 15%, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 40 cần tiếp tục đạt chất lượng và hiệu quả hơn, trong đó, trọng tâm là tăng cường bố trí nguồn vốn ủy thác từ địa phương và tranh thủ nguồn vốn Trung ương để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2020, những quận, huyện có mức thu ngân sách Nhà nước trên 1.000 tỷ đồng thực hiện ủy thác tối thiểu 3 tỷ đồng/năm; những quận, huyện có mức thu ngân sách Nhà nước từ 1.000 tỷ đồng trở xuống, thực hiện ủy thác tối thiểu 2 tỷ đồng/năm; riêng huyện Cần Giờ, thành phố khuyến khích tăng thu, tiết kiệm chi để có nguồn vốn ủy thác.
Về phía NHCSXH TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Trần Văn Tiên cho biết đơn vị sẽ tập trung chỉ đạo để nguồn vốn tiếp cận được 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu, đồng thời nâng cao chất lượng giám sát và quản lý vốn để từng đồng vốn của địa phương đến nhanh, đúng và đủ gióp phần giải quyết bài toán giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, rút ngắn khoảng cách thu nhập của người nghèo với mức thu nhập chung của thành phố.