Vốn ưu đãi từ NHCSXH đã giúp hàng triệu hộ dân thoát nghèo (Ảnh: T.G)
14,5 triệu lượt hộ nghèo vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội
Sau 15 năm hoạt động và trưởng thành, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) không ngừng phát triển, củng cố và hoàn thiện về mọi mặt. Các Điểm giao dịch của NHCSXH có mặt ở tất cả các xã, thị trấn, trong cả nước, kể cả các xã khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Cùng với việc mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thì việc tăng trưởng tín dụng ngày càng lớn, quy mô, bài bản theo hướng xã hội hóa ngày càng cao. Trong 15 năm qua, NHCSXH đã cho vay 14,5 triệu lượt hộ nghèo, 1,9 triệu lượt hộ cận nghèo, 0,65 triệu lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn, mức cho vay bình quân/hộ hàng năm được nâng dần lên, đến nay dư nợ bình quân đạt 25 triệu đồng/hộ vay, chất lượng tín dụng ngày càng được cải thiện, nợ quá hạn thấp, chỉ chiếm tỷ lệ 0,42%, thông qua vốn vay tín dụng ưu đãi, đã góp phần giúp cho hơn 4,52 triệu hộ nghèo thoát nghèo.
Có được thành quả như trên phải nói đến NHCSXH đã xây dựng được một mô hình quản trị và phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách phù hợp; không ngừng đổi mới phương thức hoạt động; đào tạo đội ngũ cán bộ kỷ cương, trách nhiệm; củng cố hệ thống, mạng lưới phục vụ đến tận cơ sở xã, phường; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giúp người nghèo tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn vốn tín dụng ưu đãi Chính phủ; bằng việc ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác cho các tổ chức chính trị - xã hội, củng cố và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng tín dụng từ các thôn, bản. Tín dụng chính sách đã thực sự đóng vai trò là cầu nối cho cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.
Thông qua việc giám sát về thực hiện các chính sách giảm nghèo giai đoạn 2007 - 2012, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005 - 2012 và có đánh giá về kết quả thực hiện Các chính sách tín dụng trực tiếp cho hộ nghèo do NHCSXH thực hiện như sau: “Thủ tục cho vay đối với hộ nghèo khá thuận lợi, đơn giản (chủ yếu là tín chấp thông qua các đoàn thể và UBND cấp xã). Việc tổ chức giao dịch tại xã của NHCSXH đã tạo được hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện và có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại cho người dân, mô hình tổ chức và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn hỗ trợ hiệu quả cho từng hộ nghèo. Bộ máy của NHCSXH được tổ chức hợp lý, năng động, nâng cao khả năng quản lý, nợ quá hạn luôn ở mức thấp, dưới 1%. Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua NHCSXH với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng...”.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đồng hành cùng NHCSXH
Theo ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giảm nghèo, cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 15 năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã luôn đồng hành cùng NHCSXH trong suốt quá trình hoạt động, tạo điều kiện để NHCSXH thực hiện hiệu quả hơn hoạt động của mình theo chức năng, nhiệm vụ được giao
Cụ thể, thứ nhất, để lành mạnh hóa quan hệ tín dụng, minh bạch đối tượng vay vốn, bình đẳng trong việc thực hiện chính sách, giảm áp lực cho vay vốn đối với hộ nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, góp phần nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách, phù hợp với nhu cầu và thực tiễn trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Thứ hai, với chức năng của mình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành các Thông tư hướng dẫn quy định điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hàng năm và phát sinh trong năm, tạo điều kiện để NHCSXH cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích.
Thứ ba, với trách nhiệm là thành viên Hội đồng quản trị, chuyên gia tư vấn của NHCSXH, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia đầy đủ các kỳ họp do NHCSXH tổ chức, thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban đại diện NHCSXH ở các cấp, qua đó có những đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện hơn nội dung hoạt động của NHCSXH, cũng như ngày càng đóng góp hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới.
Ông Thi cho biết, trong giai đoạn tới, theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiếp cận giảm nghèo đa chiều, hoàn thiện hệ thống chính sách giảm nghèo hiệu quả hơn theo hướng: giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường chính sách hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả, mở rộng chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vai trò tín dụng ưu đãi của NHCSXH ngày càng quan trọng, đòi hỏi hoạt động của cả hệ thống và chất lượng tín dụng phải được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, phù hợp với tiến trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020…/.