|
Nhiều gia đình hội viên phụ nữ được vay vốn ưu đãi để chăn nuôi trâu hiệu quả (Ảnh: PV) |
Đến nay, Hội LHPN huyện Bố Trạch đã nhận ủy thác 28/28 xã, thị trấn với NHCSXH, thành lập được 190 Tổ TK&VV. Mô hình tổ chức Hội từ chi hội, tổ hội đã góp phần kết nối rộng hơn đến các hội viên góp phần đưa tổng nguồn vốn do Hội quản lý đến nay đạt trên 240 tỷ đồng, với 14 chương trình cho vay, chiếm tỷ lệ gần 40% tổng nguồn vốn NHCSXH trên toàn huyện, với gần7.000 hộ gia đình được vay vốn. Không chỉ dư nợ cao mà chất lượng tín dụng cũng khá tốt khi nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,07% trên tổng dư nợ.
Chị Hồ Thị Hoà, Chủ tịch Hội LHPN xã Tây Trạch cho biết: xã có 1.354 hộ trong đó có 18 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo. Trong những năm qua được sự giúp đỡ của Hội LHPN huyện, NHCSXH. Đến nay, Hội đã quản lý nguồn vốn vay trên 4 tỷ đồng với 170 hộ vay. Từ nguồn vốn vay phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, bình quân hằng năm toàn xã có 3 đến 4 hộ thoát nghèo.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hoài ở Thôn Sỏi xã Tây Trạch năm 2017 là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng ung thư,kinh tế gia đình kiệt quệ, được Hội phụ nữ xã, Tổ TK&VV bình xét cho vay 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay chị đầu tư chăn nuôi bò, mở xưởng làm nhôm kính, đến nay gia đình chị đã thoát nghèo và vươn lên hộ khá.
Không chỉ hướng dẫn hội viên, phụ nữ đầu tư nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả, Hội Phụ nữ các cấp huyện Bố Trạch còn vận động các thành viên vay vốn tích cực, tham gia vận động hội viên tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV để phát huy nguồn vốn tại chỗ và duy trì tính bền vững của mỗi chương trình tín dụng. Tính đến nay, số tiền tiết kiệm đạt trên 2,6 tỷ đồng. Số thành viên tham gia tiết kiệm trên 6.000 hội viên, đạt tỷ lệ 99,60%. Mức tham gia theo quy ước hoạt động của tổ, thấp nhất 20 nghìn đồng và cao nhất là 1 triệu đồng. Tiêu biểu có đơn vị như: xã Xuân Trạch, Phúc Trạch, Mỹ Trạch, Lâm Trạch, Nam Trạch, Hưng Trạch.
Hội LHPN huyện còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thủy hải sản, nghiệp vụ du lịch. Với việc được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, nhiều chị đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh; trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm; xây dựng các mô hình trang trại tổng hợp; trồng cây ăn quả, trồng rau an toàn... cho thu nhập cao. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn, giúp các gia đình hộ nghèo và cận nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Theo Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Bố Trạch Nguyễn Thị Bé, để nguồn vốn ưu đãi đến gần hơn với hội viên, ngay từ đầu năm, Hội LHPN huyện đã xây dựng kế hoạch hoạt động, kế hoạch kiểm tra, quy định sử dụng phí ủy thác, phân công cán bộ phụ trách địa bàn, đồng thời cung cấp một số văn bản, biểu mẫu, hướng dẫn mới gửi các xã, thị trấn và các tổ tiết kiệm và vay vốn. Đặc biệt quan tâm chú trọng các đơn vị mới sát nhập. Chỉ đạo các cơ sở Hội quản lý tốt nguồn vốn, các tổ vay vốn thực hiện nghiêm túc các quy định đã ký kết với NHCSXH trong việc bình xét cho vay, thu nợ, thu lãi. Tăng cường công tác vận động thành viên vay vốn tham gia tiết kiệm và nâng mức tiết kiệm đảm bảo kế hoạch.
Thời gian tới, huyện hội sẽ chú trọng hơn đến công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác kịp thời chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các xã, thị trấn nhằm chấn chỉnh các hoạt động nâng cao chất lượng ủy thác. Ngoài ra, Hội phối hợp với NHCSXH huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn vay, tuyên truyền phổ biến các chủ trương về tín dụng chính sách xã hội đến hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo làm chủ hộ và các đối tượng chính sách khác./.